(VOV5)- Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đang được đưa ra lấy ý kiến mọi tầng lớp nhân dân. Những nội dung nhận được sự quan tâm của đông đảo cử tri trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 là những quy định về kinh tế, môi trường, sở hữu đất đai.
Tọa đàm ngày 23/01/2013 nhằm cung cấp thông tin để các tầng lớp nhân dân tham gia đóng góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Một trong số nội dung nhận được sự đồng tình của dư luận là quy định về các thành phần kinh tế. Những năm qua, trong kinh tế nhà nước gặp khó khăn thì thành phần kinh tế tư nhân và các thành phần kinh tế khác phát triển mạnh, đóng góp lớn cho nền kinh tế. Vì vậy, việc Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 quy định các thành phần kinh tế bình đẳng như nhau trong cùng một khuôn khổ pháp lý sẽ tạo những chuyển biến tốt hơn cho đất nước, tạo ra nhiều của cải vật chất, việc làm, đóng góp nhiều hơn cho ngân sách.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đinh Dũng Sỹ, Vụ pháp luật, Văn phòng Chính phủ, cho rằng quy định như vậy cũng hoàn toàn phù hợp với quan điểm của Đảng được khẳng định trong Cương lĩnh năm 2011 và Văn kiện Đại hội XI của Đảng “Trong quan điểm của Đảng, kể cả Cương lĩnh và đường lối phát triển kinh tế xã hội của Đảng, trong các Nghị quyết và văn kiện Đại hội XI đều ghi rõ công nhận sự tồn tại lâu dài cùng phát triển và bình đẳng của các thành phần kinh tế. Thậm chí trong Nghị quyết Đại hội XI còn khẳng định kinh tế tư nhân là động lực của nền kinh tế. Về mặt nguyên tắc là không còn giới hạn phân biệt, không có sự bất bình đẳng từ quan điểm cho đến các cơ chế, chính sách pháp lý,. Mọi thành phần kinh tế đều bình đẳng cùng phát triển trong cơ cấu kinh tế của nước ta.”
Quan tâm đến vấn đề quyền sở hữu đất đai được quy định trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, nhiều ý kiến cho rằng chế định sở hữu toàn dân về đất đai là phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai, thay mặt toàn dân quản lý và phân bổ đất đai, đảm bảo điều tiết quá trình phân phối địa tô phù hợp với sở hữu toàn dân. Chế định sở hữu đất đai toàn dân cũng là sự ghi nhận thành quả cách mạng về đất đai của dân tộc Việt Nam, phù hợp với lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm, bảo vệ độc lập chủ quyền. Việc thiết lập chế định sở hữu toàn dân về đất đai góp phần vào việc giữ ổn định quan hệ đất đai, tránh gây những xáo trộn không cần thiết và duy trì sự ổn định về chính trị, xã hội, tiền đề rất quan trọng để phát triển đất nước.
Thạc sĩ Lê Duyên Hà, Phó trưởng khoa Nhà nước và Pháp luật, Trường Chính trị tỉnh Đắc Lắc, góp ý: “Tôi cho rằng quy định sở hữu đất đai thuộc sở hữu toàn dân là hợp lý và Nhà nước là đại diện của chủ sở hữu. Tuy nhiên, sở hữu toàn dân là sở hữu của tất cả mọi người dân, khi xây dựng cơ chế để thực thi quyền này thì phải như thế nào. Ví dụ, đất đai thuộc sở hữu toàn dân, khi nhà nước định giá đất hoặc nhà nước thu hồi đất thì người dân có thể góp tiếng nói của mình hay không, điều này phải đảm bảo cho người làm chủ có thực quyền. Đó là cơ chế thực hiện.”.
Nhà sử học Dương Trung Quốc phát biểu tại một cuộc hội thảo lấy ý kiến nhân dân về việc sửa đổi Hiến pháp 1992
Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 cũng góp phần nâng cao trách nhiệm của cá nhân, doanh nghiệp trong việc bảo vệ môi trường trước thực trạng ô nhiễm môi trường đang ở mức báo động. Việc quy định trong Dự thảo không chỉ nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân mà còn khiến các tổ chức, doanh nghiệp phải có nghĩa vụ đóng góp, gìn giữ sự trong lành của môi trường xung quanh. Bà Phạm Thị Hà, cán bộ hưu trí ở thành phố Yên Bái, bày tỏ: “Dự thảo sửa đổi Hiến pháp nêu rõ con người được quyền sống trong môi trường trong lành và cũng quy định rõ quyền và nghĩa vụ của xã hội cũng như của mỗi công dân trong việc bảo vệ môi trường. Cá nhân tôi thấy đây là những điểm mới hết sức kịp thời và sát thực trong hoàn cảnh môi trường có xu hướng ngày càng ô nhiễm. Hiến pháp quy định như vậy rồi thì đã là công dân Việt Nam ai cũng phải thực hiện, tương lai môi trường sinh thái Việt Nam sẽ sạch, đẹp hơn.”.
Việc chỉnh sửa hay bổ sung những quy định mới xung quanh nội dung về kinh tế, môi trường, đất đai trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đang nhận được sự phản hồi tích cực người dân. Điều này cho thấy sự kỳ vọng, quan tâm của nhân dân về những nội dung của văn bản quan trọng này đồng thời chứng tỏ dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 bảo đảm với quyền lợi của người dân./.