(VOV5) - Việc triển khai luật đóng vai trò rất quan trọng, giúp các quy định tiên tiến của bộ luật phát huy tính ưu việt trong việc đảm bảo quyền và lợi ích của người lao động.
Bộ luật Lao động sửa đổi vừa được Quốc hội Việt Nam thông qua ngày 20/11, trong khuôn khổ kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV. Đây là 1 trong 5 Bộ luật của Việt Nam, có ý nghĩa lớn đối với vấn đề lao động và xã hội. Điều quan trọng sau khi Quốc hội thông qua là phải đảm bảo những nội dung được quy định trong luật đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người lao động và người sử dụng lao động.
Đưa các nội dung của Bộ Luật Lao động sửa đổi đi vào thực tiễn
Ảnh minh họa: daibieunhandan.vn |
Bộ luật Lao động sửa đổi có hiệu lực từ 01/01/2021. Quá trình sửa đổi bắt đầu từ năm 2016. Trước khi được trình tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, dự thảo Bộ luật lao động (sửa đổi) được tham khảo ý kiến các chuyên gia, các tổ chức quốc tế và lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân.
Những đánh giá tích cực
Từng quy định sửa đổi, bổ sung trong Bộ luật có sự tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động, người sử dụng lao động, đến mối quan hệ lao động, thị trường lao động và hơn cả sẽ tác động đến sự phát triển kinh tế, an sinh xã hội.
Những quy định sửa đổi về người lao động được cho là những dấu ấn đậm nét của lần sửa đổi này. Trong đó, phải kể đến chế định về hợp đồng lao động quy định theo hướng bảo vệ tốt hơn đối với người lao động như: Quy định hợp đồng lao động là sự thỏa thuận về việc làm có trả công, tiền lương...; quy định cụ thể về các trường hợp được tổ chức làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong 1 năm nhằm bảo đảm quyền lợi lâu dài cho người lao động. Ông Doãn Mậu Diệp, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao Động Thương Binh Và Xã Hội, cho biết: "Việc sửa đổi Bộ luật lao động nhằm đảm bảo mọi nhóm lao động có quyền có cơ hội có tiếng nói tham gia trong quá trình đối thoại tại nơi làm việc để giải quyết những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của mình trong quan hệ lao động. Đây là những vấn đề mới mà thực tiễn Việt Nam chưa từng thực hiện".
Đáng chú ý, quy định điều chỉnh nâng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình nhằm chuẩn bị, ứng phó với quá trình già hóa dân số, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Đồng thời quy định thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp không thuộc tổ chức Công đoàn Việt Nam được cho là phù hợp với các Công ước của Tổ chức lao động quốc tế, các cam kết quốc tế khác và tạo thuận lợi trong quá trình hội nhập quốc tế. Tổng thư ký ASEAN, ông Lim Jock Hoi đánh giá: "Đây là dấu ấn lớn, có ý nghĩa đối với vấn đề lao động và xã hội mà Cộng đồng ASEAN đã và đang lỗ lực thực hiện, đặc biệt là việc nâng cao tuổi nghỉ hưu, tăng số lượng các tổ chức người lao động trong doanh nghiệp. Những nội dung sửa đổi trong Bộ luật lao động sẽ giúp rất nhiều trong việc định hướng phát triển của Cộng đồng ASEAN trong thời gian tới, đặc biệt liên quan đến Tuyên bố ASEAN về Phát triển Nguồn nhân lực và Công tác xã hội".
Bên cạnh những điểm mới bảo đảm tốt hơn quyền lợi của người lao động, Bộ luật lao động sửa đổi cũng có 6 điểm mới đối với người sử dụng lao động như lần đầu tiên Luật hóa vai trò đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp và tham gia xây dựng quan hệ lao động tiến bộ hài hòa ổn định của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh hợp tác xã Việt Nam và các tổ chức đại diện của người sử dụng lao động khác; mở rộng quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động; Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp mà được thực hiện trên cơ sở thương lượng thỏa thuận giữa các bên...
Đẩy mạnh tuyên truyền
Để việc thực thi Bộ luật Lao động phát huy được những ưu việt trong việc bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích chính đáng của người lao động, người sử dụng lao động, bảo đảm thị trường lao động ổn định, cần đưa Bộ luật đến gần dân hơn. Đại biểu Nguyễn Huy Thái, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu, cho rằng: "Điều quan trọng là phải tuyên truyền từng quy định, đặc biệt là những điểm mới của Bộ luật lao động sửa đổi tới từng chủ thể trong mối quan hệ lao động. Cơ quan chức năng cần làm công tác truyền thông hiệu quả để người dân hiểu, chia sẻ, đi đến đồng thuận".
Đại biểu Lê Công Nhường, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định, đề nghị: "Tôi nghĩ để một bộ luật đi vào cuộc sống thì ngoài việc tuyên truyền luật, còn cần nhanh chóng ban hành các Nghị định, Thông tư về những vấn đề chưa quy định rõ trong luật. Ngoài ra, quá trình ban hành các văn bản dưới luật phải được giám sát chặt chẽ để đảm bảo lợi ích của người lao động".
Bộ luật lao động sửa đổi là một trong năm bộ luật cơ bản của hệ thống pháp luật Việt Nam. Việc triển khai luật đóng vai trò rất quan trọng, giúp các quy định tiên tiến của bộ luật phát huy tính ưu việt trong việc đảm bảo quyền và lợi ích của người lao động, người sử dụng lao động cũng như đảm bảo phát triển kinh tế, an sinh xã hội của đất nước.