(VOV5) - Các nước G77 lên tiếng mạnh mẽ về thực trạng thế giới hiện nay và đòi hỏi cần có những thay đổi căn bản về quản trị toàn cầu.
Hội nghị Thượng đỉnh nhóm các nước đang phát triển (G77) và Trung Quốc diễn ra cuối tuần qua (15-16/09) tại thủ đô La Havana của Cuba đã nhấn mạnh vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo như là động lực phát triển mới của các nước đang phát triển. Hội nghị cũng nêu cao thông điệp của G77 về việc cần phải thay đổi căn bản nhiều thiết chế lớn trên thế giới hiện nay.
Các đại biểu tham dự Hội nghị Thượng đỉnh nhóm các nước đang phát triển (G77) và Trung Quốc tại thủ đô La Havana, Cuba, ngày 15/9/2023. Ảnh: Ding Haitao/Xinhua |
Kết thúc hai ngày họp (15-16/09) tại thủ đô La Havana của Cuba, các quốc gia thành viên G77 đã ra Tuyên bố cuối cùng gồm 46 điểm, kêu gọi cộng đồng quốc tế, hệ thống Liên hiệp quốc và các tổ chức tài chính quốc tế hỗ trợ nỗ lực của các quốc gia phương Nam phát triển, củng cố hệ thống khoa học, công nghệ và đổi mới quốc gia. Tuyên bố cũng phản ánh ý nguyện chung của nhiều lãnh đạo G77 rằng thế giới cần có một trật tự mới về kinh tế và xã hội công bằng hơn.
Thu hẹp khoảng cách và bất bình đẳng về khoa học-công nghệ
Với chủ đề “Các thách thức phát triển hiện nay: Vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo”, hội nghị Thượng đỉnh nhóm G77 và Trung Quốc đã dành phần lớn thời gian của hai ngày họp để trao đổi, đề xuất các giải pháp nhằm biến hợp tác khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo thành chiến lược phát triển của các nước thành viên. Các nước G77 cũng nhấn mạnh đến việc thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước G77 với các nước phát triển, tiến tới loại bỏ sự phân biệt đối xử trong việc tiếp cận với các thành tựu khoa học, công nghệ của thế giới.
Chủ tịch nước chủ nhà Cuba, Miguel Diaz-Canel, cho biết dữ liệu của Liên hiệp quốc cho thấy 10 quốc gia trên thế giới chiếm 90% số bằng sáng chế và 70% xuất khẩu các công nghệ sản xuất kỹ thuật số tiên tiến. Nhà lãnh đạo Cuba nhấn mạnh các nước G77 phải đấu tranh loại bỏ sự bất công này, bởi các mục tiêu xây dựng một thế giới công bằng hơn sẽ không thể thực thi chừng nào một số ít nền kinh tế phát triển trên thế giới vẫn nắm giữ, chi phối phần lớn công nghệ tiên tiến và không chịu sẻ chia: “Chúng ta phải chiến đấu cho quyền được phát triển, vì đó cũng là quyền sinh tồn. Chỉ có khi đó chúng ta mới có được vị thế bình đẳng trong việc tham gia vào cuộc cách mạng khoa học và công nghệ”.
Chủ tịch nước chủ nhà Cuba, Miguel Diaz-Canel, phát biểu tại Hội nghị ngày 15/9/2023. Ảnh: Joaquin Hernandez/Xinhua |
Quan điểm của Chủ tịch Cuba được lãnh đạo nhiều quốc gia G77 ủng hộ, thể hiện trong 120 bài tham luận của hai ngày họp. Tổng thống Brazil, Lula da Silva, tuyên bố khi Brazil đảm nhiệm vai trò Chủ tịch nhóm các nền kinh tế mới nổi và hàng đầu thế giới - G20 trong năm 2024, Brazil sẽ đề xuất thành lập các nhóm công tác về khoa học, công nghệ và đổi mới nhằm thúc đẩy lợi ích của các quốc gia đang phát triển trong lĩnh vực này.
Kết thúc Hội nghị Thượng đỉnh, các thành viên G77 đã cùng ra Tuyên bố Havana, thể hiện nhận thức chung và sự đồng thuận của khối về một số chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. G77 nhấn mạnh khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vừa là động lực, vừa là chất xúc tác cho tăng trưởng bao trùm. Các nước G77 cam kết tăng cường hợp tác Bắc -Nam về tài chính cho phát triển, thúc đẩy hợp tác Nam - Nam, thúc đẩy các mô hình ba bên và các cơ chế hợp tác mới trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Đáng chú ý, Hội nghị đã nhất trí ủng hộ sáng kiến của nước Chủ tịch Cuba về việc đưa ngày 16/9 hằng năm trở thành “Ngày Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo của các nước phương Nam”.
Thiết lập một trật tự mới công bằng hơn
Bên cạnh việc thúc đẩy hợp tác khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, các nước G77 cũng đã lên tiếng mạnh mẽ về thực trạng thế giới hiện nay và đòi hỏi cần có những thay đổi căn bản về quản trị toàn cầu.
Tổng thống Argentina, Alberto Fernandez, cho rằng đại dịch Covid-19 đã đánh dấu một bước ngoặt thời đại khi phơi bày sự bất bình đẳng trong việc tiếp cận vắc-xin giữa các quốc gia, bởi 90% lượng vắc-xin ngừa Covid-19 nằm trong tay khoảng 10 quốc gia. Tổng thống Palestine, Mahmoud Abbas và Tổng thống Colombia, Gustavo Petro thì chỉ trích các tiêu chuẩn kép của nhiều cường quốc khi giải quyết các xung đột lớn trên thế giới, đồng thời yêu cầu Liên hiệp quốc coi trọng hơn tiếng nói từ các quốc gia phương Nam.
Tổng thư ký Liên hiệp quốc, Antonio Guterres, phát biểu tại Hội nghị ngày 15/9/2023. Ảnh: Joaquin Hernandez/Xinhua |
Lời kêu gọi này nhận được sự ủng hộ của Tổng thư ký Liên hiệp quốc, Antonio Guterres. Người đứng đầu Liên hiệp quốc đánh giá nhiều thập kỷ qua, các quốc gia phương Nam bị cuốn vào, và trở thành các nạn nhân lớn nhất của nhiều cuộc khủng hoảng xuất phát từ các nước phát triển. Do đó, Tổng thư ký Liên hiệp quốc hoan nghênh các nỗ lực cải thiện vị thế của thế giới phương Nam trên trường quốc tế và cho rằng thế giới cần sửa chữa bất công với các nước đang phát triển: “Đói nghèo đang gia tăng, giá cả đang gia tăng, các khoản nợ cao ngất ngưởng và các thảm hoạ khí hậu thì đang ngày càng trở nên phổ biến hơn. Các hệ thống và các khuôn khổ toàn cầu đã thất bại. Kết luận là rất rõ ràng: thế giới đang khiến các nước đang phát triển thất bại”.
Trong thông cáo chính thức đưa ra sau phiên bế mạc Hội nghị, nước chủ nhà Cuba cho biết Chủ tịch Cuba, Miguel Diaz-Canel sẽ mang tới Tuần lễ Cấp cao (19-26/09) của Đại hội đồng Liên hiệp quốc lần thứ 78 (UNGA-78) tại New York các thông điệp của G77. Cuba tuyên bố trên cương vị Chủ tịch luân phiên của G77, Cuba sẽ đại diện để bảo vệ các lợi ích và yêu cầu chính đáng của khối, bắt đầu từ phiên đối thoại cấp cao về tài chính cho phát triển ngày 20/09.
Giới quan sát cho rằng việc Hội nghị Thượng đỉnh G77 ra một Tuyên bố mạnh mẽ chỉ ít ngày trước Tuần lễ Cấp cao của Đại hội đồng Liên hiệp quốc cho thấy các quốc gia phương Nam đang ngày càng quyết tâm xác lập vai trò quan trọng và vị thế độc lập hơn của các nước này trong hệ thống quản trị toàn cầu. Ngoài ra, sự bức xúc của các nước G77 cũng sẽ làm gia tăng sức ép, buộc nhiều thể chế chính trị và tài chính quốc tế phải cải tổ thực chất để có thể ứng phó tốt hơn với các thách thức toàn cầu.