(VOV5) - Việc G7 mời Ngoại trưởng các nước ASEAN lần đầu tiên tham dự hội nghị cấp Ngoại trưởng của nhóm G7 cho thấy vai trò ngày càng lớn hơn của ASEAN trên trường quốc tế.
Hội nghị các Ngoại trưởng Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) chứng kiến một dấu mốc mới khi lần đầu tiên có sự tham dự của Ngoại trưởng các nước ASEAN, trừ Myanmar, trong phiên họp trực tiếp kết hợp trực tuyến ngày 12/12, tại Anh. Sự kiện này cho thấy nỗ lực nhằm xây dựng mối quan hệ kinh tế, chính trị bền chặt hơn giữa các nước G7 và các quốc gia Đông Nam Á.
Từng công bố chiến lược “Nước Anh toàn cầu” với điểm nhấn Châu Á - Thái Bình Dương, nước Anh với vai trò Chủ tịch luân phiên của G7 đã thể hiện sự tự chủ chiến lược với EU khi thúc đẩy kết nối giữa G7 và ASEAN tại hội nghị Ngoại trưởng G7.
Ngoại trưởng ASEAN dự Hội nghị Ngoại trưởng G7 theo hình thức trực tuyến ngày 12/12/2021. Ảnh: TTXVN |
Vai trò ngày càng lớn của ASEAN trên trường quốc tế
Việc G7 mời Ngoại trưởng các nước ASEAN lần đầu tiên tham dự hội nghị cấp Ngoại trưởng của nhóm G7 cho thấy vai trò ngày càng lớn hơn của ASEAN trên trường quốc tế cả về kinh tế và sức mạnh địa chính trị. ASEAN không chỉ là tập hợp của những nền kinh tế phát triển năng động và ổn định trong nhiều năm qua mà còn được dự báo sẽ tiếp tục là một trong những khu vực phát triển kinh tế mạnh mẽ trên thế giới trong tương lai. Với dân số gần 700 triệu người và tổng GDP hiện khoảng trên 2.500 tỷ USD, ASEAN là một thị trường rộng lớn, nhiều tiềm năng. Tầm quan trọng của ASEAN càng được củng cố rõ hơn trong giai đoạn sống chung với COVID – 19 bởi các nền kinh tế lớn trên thế giới đều đã nhìn thấy nhu cầu cấp bách của việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu, tránh phụ thuộc quá nhiều vào 1-2 đối tác và ASEAN đáp ứng rất tốt nhu cầu đó. Do đó, về mặt kinh tế, vai trò của ASEAN vốn đã được đánh giá rất cao từ nhiều năm qua, càng trở nên quan trọng hơn trong bối cảnh các nước bắt đầu phải tái cơ cấu chuỗi cung ứng chiến lược.
Tuy nhiên, điểu quan trọng hơn, việc G7 coi trọng ASEAN vào thời điểm này còn là nguyên nhân địa chính trị. Trong bối cảnh cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc đang ngày càng quyết liệt, ASEAN được coi như là nơi để hai bên thể hiện sự ảnh hưởng. Các nước G7, mà Mỹ - Anh hiện đang tích cực nhất, muốn cải thiện quan hệ với ASEAN để phục vụ các mục tiêu địa chính trị lớn hơn của các nước này. Ngoài ra, Mỹ hay Anh cũng thấy cần trao đổi với các nước ASEAN về việc ra đời liên minh an ninh AUKUS, dẫn đến việc trang bị cho Australia, một nước cận kề ASEAN, các tàu ngầm mang động cơ hạt nhân. Giới phân tích cho rằng Hội nghị Ngoại trưởng G7- ASEAN lần này chỉ là bước đi đầu tiên để G7 có thể có được sự ủng hộ của ASEAN. Ngay sau Hội nghị, Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken cũng công du Đông Nam Á và dự kiến, đầu năm 2022, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ mời các lãnh đạo ASEAN họp Thượng đỉnh tại Mỹ. Đây đều là các dấu hiệu rõ ràng cho thấy vai trò ngày càng quan trọng của ASEAN đối với các nước G7.
Những thỏa thuận thiết thực
G7 hiện chiếm khoảng 50% GDP toàn cầu. Trong số các nước G7 có Nhật Bản ở khu vực châu Á vốn từ nhiều năm qua đã là một đối tác chiến lược quan trọng của hầu hết các nước ASEAN. Do đó, sự kết nối giữa G7 và ASEAN có các điều kiện thuận lợi để thành công. Trước tiên, ASEAN là lựa chọn lý tưởng để các nước G7 đa dạng hóa chuỗi cung ứng chiến lược, để tránh bị tổn thương khi phụ thuộc quá nhiều vào một số đối tác. Tiếp đến, một lĩnh vực có tiềm năng hợp tác rất cao là cơ sở hạ tầng. Tại Thượng đỉnh G7 vào tháng 06/2021 tại Anh, G7 đã công bố chiến lược “Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn” (B3W), với dự kiến huy động tổng cộng khoảng 40.000 tỷ USD trong nhiều năm tới để hỗ trợ các dự án cơ sở hạ tầng, công nghệ, quản trị theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường, minh bạch tài chính. Chiến lược này sẽ hữu ích với ASEAN bởi đa số các nước thành viên ASEAN đều là các nước đang phát triển, rất cần nguồn vốn, công nghệ, kỹ năng quản trị tiên tiến. Do đó, hợp tác G7-ASEAN có thể tập trung vào lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư, tài trợ phát triển năng lượng sạch và tái tạo nhằm đảm bảo thực hiện đúng các cam kết của các nước ASEAN về giảm khí thải các-bon.
Tại hội nghị ngày 12/12, lĩnh vực y tế cũng là ưu tiên hợp tác mà G7 có thể đẩy mạnh cùng ASEAN, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 chưa hoàn toàn bị đẩy lùi. Trong thời gian qua, G7 đã cam kết tài trợ vaccine cho nhiều nước ASEAN nhưng về lâu dài, G7 có thể chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine, lập các trung tâm sản xuất vaccine tại khu vực Đông Nam Á, tăng cường hợp tác giữa các trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh. Các bên cũng nhất trí sẽ đầu tư cho công nghệ mới và đổi mới sáng tạo để tạo động lực cho phục hồi và tăng trưởng, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, ứng phó hiệu quả biến đổi khí hậu.
Đồng thời các nước cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông, ủng hộ đối thoại và xây dựng lòng tin, tự kiềm chế, giải quyết hòa bình tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.
Tháng trước, trong thông báo mời 21 Ngoại trưởng các nước dự hội nghị Ngoại trưởng G7 diễn ra tại Liverpool từ 10 đến 12/12, Ngoại trưởng Anh Liz Truss nêu rõ thông qua hội nghị, London muốn xây dựng một mạng lưới hợp tác quốc tế và "khuyến khích các quốc gia cùng chí hướng làm việc cùng nhau bằng thế mạnh của mình". Với những thỏa thuận vừa đạt được tại hội nghị Ngoại trưởng G7 cũng như nguồn lực đa dạng, sự hợp tác giữa G7 và ASEAN sẽ ngày càng chặt chẽ, có bước phát triển mới trong tương lai.