(VOV5) - Những ngày qua, quan hệ giữa các nước phương Tây, cụ thể là Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), với Trung Quốc trở nên căng thẳng nghiêm trọng.
Hàng loạt các biện pháp cứng rắn nhằm vào nhau đã được đưa ra, đẩy quan hệ giữa hai bên rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ qua.
Trên thực tế, chiều hướng đi xuống của quan hệ giữa phương Tây và Trung Quốc là kịch bản đã được giới phân tích nói đến từ khá sớm, đặc biệt là sau khi ông Joe Biden trở thành Tổng thống Mỹ. Theo thời gian, kịch bản này dần dần trở thành hiện thực khi Tổng thống cường quốc số một thế giới liên tiếp có các phát ngôn cùng hành động cứng rắn với Trung Quốc, đồng thời ra sức lôi kéo các đồng minh châu Âu tham gia nỗ lực đối phó Bắc Kinh. Kết quả là hai bên đang bị cuốn vào một vòng xoáy đối đầu căng thẳng chưa từng có với hàng loạt các biện pháp trừng phạt trả đũa nhằm vào nhau được tung ra.
Một trung tâm đào tạo nghề theo cách gọi của Chính phủ Trung Quốc tại Tân Cương - Ảnh: AFP |
Những đòn trừng phạt “ăn miếng trả miếng”
Ngày 22/3, EU và Vương quốc Anh công bố các lệnh trừng phạt nhằm vào các cá nhân và tổ chức tại Trung Quốc với cáo buộc vi phạm nhân quyền tại Tân Cương. Theo đó, EU áp đặt lệnh trừng phạt cấm đi lại và đóng băng tài sản với 4 quan chức Trung Quốc là những người giữ các chức vụ lãnh đạo tại vùng Tân Cương, và một tổ chức là một công ty xây dựng tại Tân Cương, Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1989, châu Âu tiến hành các lệnh trừng phạt nhằm vào Trung Quốc với các cáo buộc nhân quyền. Chỉ ít giờ sau quyết định của EU, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab cũng thông báo nước này áp dụng các lệnh trừng phạt tương tự của EU nhằm vào Trung Quốc.
Ngay lập tức, Trung Quốc đã đưa ra hành động đáp trả với việc ra thông báo trừng phạt 10 cá nhân và 4 tổ chức tại EU, trong đó có một số nghị sĩ, Tiểu ban nhân quyền trong Nghị viện châu Âu, Ủy ban chính trị và an ninh trực thuộc Hội đồng châu Âu, Viện Mercator nghiên cứu về Trung Quốc đặt tại Berlin và “Liên minh dân chủ”, một tổ chức phi chính phủ của Đan Mạch. Theo các nhà phân tích, biện pháp trả đũa của Trung Quốc có quy mô và tính chất quyết liệt vượt hơn hẳn so với các lệnh trừng phạt của EU.
Trước đó, Trung Quốc cũng đã chỉ trích mạnh mẽ, đồng thời tuyên bố áp đặt biện pháp trả đũa thích đáng đối với lệnh trừng phạt mà Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken công bố hôm 17/3 nhằm vào hàng loạt các quan chức Trung Quốc đại lục và Hong Kong với cáo buộc có vai trò trong việc thay đổi hệ thống bầu cử tại Đặc khu Hong Hong. Bước đi này cùng với những kết quả được giới phân tích đánh giá là “nghèo nàn” tại phiên đối thoại cấp cao Mỹ-Trung ở Alaska (Mỹ) trong hai ngày 18-19/3, tiếp tục đẩy quan hệ Mỹ-Trung lún sâu hơn vào khủng hoảng.
Thông điệp và triển vọng
Theo các nhà phân tích, các động thái cứng rắn nhằm vào nhau của các bên phản ánh cục diện mâu thuẫn phức tạp và khó hóa giải giữa phương Tây và Trung Quốc. Trong đó, việc Bắc Kinh đáp trả vượt ngoài dự tính trước các lệnh trừng phạt của EU, đồng thời phản ứng quyết liệt với các động thái của Washington, đặc biệt là tại phiên đối thoại Alaska, mang những thông điệp rất rõ ràng. Theo đó, Trung Quốc sẽ không khuất phục, mà sẽ đáp trả tương xứng, thậm chí là bất tương xứng (tức quyết liệt hơn) đối với mọi hành động từ Mỹ và EU.
Thông điệp này khiến cho cả Mỹ và EU phải xem xét, đánh giá lại chiến lược đối phó với Trung Quốc của mình. Tuy nhiên, khả năng điều chỉnh hành vi theo hướng nhân nhượng hay xuống thang, được giới phân tích nhận định là khó xảy ra vì nhiều lý do. Trong đó, lý do đơn giản nhưng quan trọng nhất là vấn đề thể diện, cả về mặt đối nội lẫn đối ngoại. Bởi vậy, khả năng rất cao là Mỹ và EU sẽ phải tiếp tục cứng rắn với Trung Quốc, và tất nhiên, Trung Quốc sẽ đáp lại tương ứng, thậm chí khốc liệt hơn.
Thực tế đó khiến cho triển vọng cải thiện quan hệ giữa phương Tây và Trung Quốc trong ngắn hạn trở nên bấp bênh, phi thực tế. Có nghĩa là cuộc chiến thương mại, đúng hơn là cuộc cạnh tranh chiến lược và đối đầu trên hàng loạt mặt trận giữa Mỹ và Trung Quốc, chưa thể sớm hạ nhiệt. Đồng thời, Hiệp định toàn diện về đầu tư mới đạt được cuối năm 2020 giữa EU và Trung Quốc, vốn được coi là thành quả to lớn của sự hợp tác giữa hai bên, ngày càng đối mặt nguy cơ không được Nghị viện châu Âu thông qua.