(VOV5) - Thực tế, khả năng Mỹ áp đặt trừng phạt chống Nga đã được dự báo từ khi ông Joe Biden đang trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng.
Những ngày đầu tháng 3, quan hệ vốn “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” bấy lâu nay giữa phương Tây và Nga tiếp tục bị “đốt nóng” bởi một loạt biện pháp mới do Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) áp đặt chống Moscow.
Với cáo buộc liên quan đến nhân vật chính trị đối lập tại Nga Alexei Navalny, ngày ngày 2/3, Chính quyền Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào 7 quan chức cấp cao của Nga. Đây là biện pháp trừng phạt đầu tiên của chính quyền Mỹ nhằm vào nước Nga dưới thời Tổng thống Joe Biden.
Tuy nhiên, điều đáng nói hơn là biện pháp trừng phạt này được tiến hành chỉ một ngày sau khi EU tuyên bố áp đặt lệnh cấm đi lại và phong tỏa tài sản của 4 quan chức cấp cao trong chính quyền Nga. Theo giới phân tích, với đòn trừng phạt hội đồng này, phương Tây đang muốn gửi thông điệp đến điện Kremlin.
Tổng thống Joe Biden. Ảnh: New York Times |
Đòn trừng phạt hội đồng
Đáng chú ý nhất trong danh sách các quan chức Nga bị chính quyền Mỹ áp đặt trừng phạt là người đứng đầu Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) Alexander Bortnikov. Ngoài áp đặt trừng phạt nhằm vào các quan chức Nga, chính quyền Mỹ còn tăng cường kiểm soát xuất khẩu đối với một số thực thể kinh doanh liên quan đến sản xuất các tác nhân sinh học của Nga. Theo đó, Bộ Thương mại Mỹ sẽ bổ sung 14 nhóm vào danh sách các thực thể bị trừng phạt vì sản xuất tác nhân sinh học và hóa chất, bao gồm 9 tổ chức thương mại ở Nga, 3 ở Đức và 1 ở Thụy Sĩ.
Quyết định trừng phạt được đưa ra sau khi một đánh giá của cộng đồng tình báo Mỹ kết luật “với độ tin cậy cao” rằng các sỹ quan của Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) đã sử dụng chất độc thần kinh Novichok để đầu độc ông Navalny. Đây là các biện pháp trừng phạt đầu tiên của Mỹ đối với các cá nhân và thực thể của Nga liên quan tới vụ Navalny.
Trong khi đó, hai nhân vật đứng đầu danh sách trừng phạt do EU đưa ra là Chủ tịch Ủy ban Điều tra Liên bang Nga Alexander Bastrykin và Tổng công tố Igor Krasnov. Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Charles Michel tuyên bố các lệnh trừng phạt cho thấy EU hoàn toàn đoàn kết trong việc bảo vệ các giá trị và lợi ích của mình.
Các nhà quan sát cho rằng, xét về mặt thời gian, đối tượng và nội dung các lệnh trừng phạt, đây rõ ràng là đòn đánh mang tính chất hội đồng của phương Tây với những thông điệp nhất định gửi tới Nga. Thực tế, ngay trong ngày 2/3, hãng tin Reuters (Anh) cũng đã dẫn lời các quan chức Mỹ khẳng định: biện pháp trừng phạt của chính quyền Tổng thống Joe Biden được thực hiện với sự phối hợp của EU.
Tổng thống Joe Biden. Ảnh: New York Times
|
Thông điệp
Thực tế, khả năng Mỹ áp đặt trừng phạt chống Nga đã được dự báo từ khi ông Joe Biden đang trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng. Bởi vậy, áp đặt trừng phạt Nga trước hết nhằm gửi đi thông điệp về sự nhất quán chủ trương đối phó với Nga của tân Tổng thống Joe Biden cũng như chính sách cứng rắn với Moscow trong suốt nhiều năm qua của Washington. Thông điệp này không chỉ dành riêng cho Nga, mà với cả các đối thủ hiện hữu hay tiềm tàng khác của Mỹ, cũng như với chính nội bộ nước Mỹ. Thứ hai, Mỹ muốn trấn an các đồng minh toàn cầu, đặc biệt là EU, rằng Washington vẫn luôn sát cánh cùng đồng minh trên mọi mặt trận, trong đó có vấn đề đối phó với Moscow.
Tuy nhiên, xét về mức độ và đối tượng trừng phạt, trong đó có việc không nhắm vào đích danh Tổng thống Nga Vladimir Putin hay các nhân vật chủ chốt trong Chính phủ Nga, rõ ràng chính quyền Mỹ chưa hoặc không muốn làm căng thái quá với Nga. Điều đó cho thấy Mỹ vẫn muốn duy trì đối thoại với Nga để xử lý hàng loạt hồ sơ quốc tế quan trọng như vấn đề hạt nhân Iran, Triều Tiên, kiểm soát vũ khí hạt nhân, chống khủng bố, biến đổi khí hậu..., thậm chí là cả đối phó với Trung Quốc. Ngoài ra, hướng đi này cũng nhằm cân bằng với thái độ của EU đối với Nga đó là vừa coi Nga là đối tác, vừa là đối thủ.
Thế nhưng, bất kể dưới góc độ tính toán nào, các biện pháp trừng phạt mới của phương Tây, đặc biệt là của chính quyền Mỹ nhằm vào Nga, cũng là bước đi làm gia tăng căng thẳng quan hệ giữa hai bên, hoàn toàn không có lợi cho bầu không khí hợp tác và hòa giải toàn cầu, đồng thời tạo điều kiện cho chính những đối thủ của các bên trong vòng xoáy căng thẳng này, vươn lên.