(VOV5) - Việt Nam nằm trong 10 nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu trong 20 năm qua vì bão, lũ và sạt lở đất.
Một trong những nội dung của Khóa họp lần thứ 42 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đang diễn ra tại Geneva từ ngày 10- 27/9 là tập trung vấn đề biến đổi khí hậu. Là quốc gia chịu tác động sâu sắc của biến đổi khí hậu, Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách và những việc làm thực tế nhằm giảm thiểu tác hại từ biến đổi khí hậu và nâng cao quyền con người.
Việt Nam nằm trong 10 nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu trong 20 năm qua vì bão, lũ và sạt lở đất. Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam là 1 trong 3 đồng bằng trên thế giới dễ bị tổn thương nhất do nước biển dâng. Tác động của biến đổi khí hậu đến Việt Nam rất nghiêm trọng, là nguy cơ hiện hữu đối với mục tiêu xoá đói giảm nghèo, mục tiêu thiên niên kỷ và sự phát triển bền vững. Biến đổi khí hậu tại Việt Nam còn đe dọa nghiêm trọng đến an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp. Dưới tác động của biến đổi khí hậu, chỉ trong 10 năm gần đây, các loại thiên tai như: bão, lũ, sạt lở đất, úng ngập, hạn hán, xâm nhập mặn... đã gây thiệt hại đáng kể, làm chết và mất tích hơn 9.500 người, thiệt hại về tài sản ước tính 1,5% GDP/năm.
Chủ trương, chính sách thích hợp
Nhận thức được các nguy cơ và thách thức của biến đổi khí hậu, Việt Nam đã chủ động triển khai xây dựng và ban hành một cách hệ thống các chủ trương, chính sách nhằm ứng phó có hiệu quả với tác động của biến đổi khí hậu. Từ rất sớm, Việt Nam đã có Nghị quyết về “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”, là cơ sở cho việc thống nhất nhận thức và hành động, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật, bố trí nguồn lực của Nhà nước về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, hướng tới mô hình phát triển mới để đạt được nền kinh tế xanh, phát triển bền vững ở Việt Nam.
Khóa họp lần thứ 42 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. - TTXVN |
Cùng với đó, Việt Nam còn ban hành Chương trình hành động nhằm mục tiêu đến 2020, về cơ bản chủ động được trong thích ứng với biến đối khí hậu, phòng tránh thiên tai, giảm phát thải khí nhà kính; đạt được những chuyển biến cơ bản trong khai thác, sử dụng tài nguyên theo hướng hợp lý, hiệu quả và bền vững… hướng tới nền kinh tế xanh, thân thiện với môi trường. Việt Nam cũng đã xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững nhằm kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội và bảo vệ tài nguyên, môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu với đồng bằng sông Cửu Long, Chính phủ cũng đã có Nghị quyết về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu long thích ứng với biến đổi khí hậu.
Chủ động ứng phó
Căn cứ vào các chủ trương, chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu đã có, thời gian qua, các cơ quan trung ương và địa phương hành động tích cực hiện thực các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu như: tuyên truyền, phổ biến, tạo sự chuyển biến về nhận thức, nâng cao ý thức ứng phó với biến đổi khí hậu; đổi mới, hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực thi chính sách, phát luật về ứng phó với biến đổi khí hậu; kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước, phát triển nguồn nhân lực về ứng phó với biến đổi khí hậu; phát huy vai trò của khoa học và công nghệ trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Đặc biệt, Việt Nam đã đẩy mạnh hợp tác, hội nhập quốc tế và mở rộng đối tác chiến lược về ứng phó với biến đổi khí hậu như đẩy mạnh tham gia các điều ước quốc tế, thỏa thuận song phương, đa phương về biến đổi khí hậu, chủ động xây dựng các thỏa thuận, hiệp định đa phương và song phương, tăng cường vai trò của Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế về biến đổi khí hậu cũng như chủ động hợp tác với các quốc gia phát triển về biến đổi khí hậu như Hà Lan để xây dựng kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu để phát triển đồng bằng sông Cửu long... Việt Nam cũng đã tăng cường huy động nguồn lực tài chính cho ứng phó với biến đổi khí hậu như tăng đầu tư và chi thường xuyên từ ngân sách Nhà nước cho công tác ứng phó biến đổi khí hậu, khai thác hiệu quả nguồn hỗ trợ phát triển chính thức cho mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu.
Để thích ứng với biến đổi khí hậu, Việt Nam đã triển khai rất nhiều mô hình nhà đa năng tránh bão, lũ; kè, kênh thủy lợi kết hợp đường giao thông nông thôn; xử lý nước mặn thành nước ngọt; trồng rừng ngập mặn ven biển, trồng rừng và bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn, xây dựng hệ thống cảnh báo thiên tai… kết hợp giải pháp sinh kế cho người dân. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tăng cường nâng cao nhận thức cho cộng đồng bằng các hoạt động bảo vệ môi trường; tuyên truyền kiến thức về biến đổi khí hậu đến rộng rãi nhân dân, giúp họ hiểu đúng bản chất của biến đổi khí hậu để thích nghi, chủ động điều chỉnh hành vi, tiến tới sống chung với biến đổi khí hậu.
Nhìn chung, chính sách pháp luật ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam đã và đang hướng tới bảo đảm, bảo vệ quyền con người được sống trong môi trường an toàn, bảo đảm sinh kế, lương thực, thực phẩm, bảo đảm sự sống và sức khỏe của người dân, nhất là người dân ở những vùng chịu ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu. Trên thực tế, việc thực thi những chính sách này cho thấy Việt Nam đã và đang tích cực bảo đảm quyền con người theo các công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.