(VOV5)- Giỗ Tổ Hùng Vương, ngày Quốc giỗ của cả dân tộc Việt Nam, luôn in đậm trong trái tim của mỗi người dân đất Việt. Dù ở phương trời nào, cứ đến ngày 10/03 âm lịch, người Việt Nam đều hướng về vùng đất cội nguồn tại khu di tích đền thơ Vua Hùng, ở xã Hy Cương, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Nơi đây chính là biểu tượng của khối đại đoàn kết dân tộc Việt Nam.
|
Lễ hội đền Hùng - Ảnh: internet |
Giỗ Tổ Hùng Vương và Lễ hội Đền Hùng là sự kiện thường niên tại đền thờ các Vua Hùng, ở tỉnh Phú Thọ, nhằm giáo dục các thế hệ người Việt Nam về truyền thống yêu nước “Uống nước nhớ nguồn”, biết ơn sâu sắc các Vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân kiên cường chống giặc ngoại xâm giữ nước. Ngày giỗ Tổ Hùng Vương là ngày hội chung của toàn dân.
Cội nguồn của tình đoàn kết dân tộc
Thời kỳ Hùng Vương là một giai đoạn quan trọng trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Chính thời kỳ này đã xây dựng nên nền tảng của dân tộc, văn hóa Việt Nam và truyền thống yêu nước. Ngày giỗ Tổ Hùng Vương là một trong những ngày Quốc lễ của Việt Nam thể hiện rõ đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây" như một tinh thần văn hóa Việt. Có lẽ không một dân tộc nào trên thế giới có chung một gốc gác tổ tiên, một ngày giỗ Tổ như dân tộc Việt Nam. Từ huyền thoại mẹ Âu Cơ đẻ ra trăm trứng, 50 con trai theo cha xuống biển, 50 con gái theo mẹ lên rừng đã khơi dậy ý thức về dân tộc, nghĩa đồng bào và gắn kết người dân Việt Nam thành một khối đại đoàn kết. Hai chữ "đồng bào", có nghĩa là "cùng sinh ra từ một bọc trứng của mẹ Âu Cơ, là khởi nguồn của yêu thương, đùm bọc, của sức mạnh Việt Nam. Bà Katherine Muller Marin, trưởng đại diện Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) tại Việt Nam, cho rằng: "Cộng đồng người Việt Nam tin rằng họ cùng được sinh ra từ quả trứng thần kỳ của mẹ Âu Cơ nên mọi người Việt Nam đều có chung một cội nguồn tổ tiên. Giỗ tổ Hùng Vương là sự nhắc nhở tầm quan trọng của sự đoàn kết và thống nhất đối với dân tộc Việt Nam cũng như tầm quan trọng đối với việc công nhận những giá trị của sự đa dạng được thống nhất bởi một cội nguồn duy nhất, một mối quan hệ huyết thống duy nhất vốn được hình thành từ tình yêu, giữa Âu Cơ, một vị tiên trẻ trung xinh đẹp, và Lạc Long Quân, một vua rồng từ biển cả. Niềm tin này sẽ mãi gắn kết dân tộc Việt Nam và định hướng cho mọi người dân cùng nhau chung sống bền vững, đồng thời bảo tồn và phát huy sự đa dạng văn hóa."
Lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong buổi trò chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên phong, ngày 19/09/1954, ngay tại Đền Hùng: "Các Vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước" luôn được người dân Việt Nam ghi nhớ.
Ở phương diện xã hội, giá trị của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là sự thể hiện tính cố kết cộng đồng, truyền thống đoàn kết dân tộc. Với những giá trị văn hóa truyền thống và ý nghĩa lịch sử nổi bật, tháng 12/2012, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) chính thức công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Quyết định của UNESCO nêu rõ: “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” thể hiện lòng tôn kính đối với các bậc Tổ tiên và từ đó nâng lên lòng tự hào dân tộc và gắn kết cộng đồng”.
Gắn kết người dân Việt Nam từ tiềm thức đến mọi việc làm
Trong tâm thức của mỗi người dân Việt, đền Hùng là nơi của bốn phương tụ hội, nơi con cháu phụng thờ công đức Tổ tiên. Đền Hùng là một di tích vô giá của nhân dân Việt Nam, là biểu tượng của Tổ tiên dân tộc Việt, một dân tộc đã có truyền thống dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm. Trong ngày giỗ Tổ, nhân dân Việt Nam ở khắp mọi miền Tổ quốc và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cùng tham gia các hoạt động văn hóa thể hiện lòng thành kính tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân đã cùng toàn dân dựng và giữ nước. Đền thờ Vua Hùng ở trên ngọn núi Nghĩa Lĩnh, Phú Thọ, và các đền thờ Vua Hùng ở nhiều địa phương trong cả nước cũng như ở nước ngoài đã trở thành điểm tựa tinh thần, là nguồn sức mạnh, niềm tin của toàn thể con dân đất Việt. Là con dân đất Việt, không quản ngại xa xôi, ai cũng mong được một lần đặt chân lên mảnh đất thiêng Phú Thọ, thắp một nén tâm nhang ghi nhớ công lao các Vua Hùng. Chị Kiều Anh, đến từ tỉnh Quảng Bình, chia sẻ đây là lần đầu tiên về với đất Tổ, khi về đến đây trong chị có cảm giác như của một người con xa quê lâu ngày về với quê hương. "Là người dân Việt Nam, được về đất tổ, thắp nén hương dâng hương lên tưởng niệm các Vua Hùng là niềm vinh hạnh rất lớn khi được đặt chân lên mảnh đất của cha ông. Tôi cũng như mọi người, ai ai cũng bồi hồi, xúc động khi được về với cội nguồn".
Ngày giỗ Tổ cũng là dịp các gia đình sum vầy, tưởng nhớ tới tổ tiên, nguồn cội. Ông Nguyễn Tuấn Anh, ở Mai Hắc Đế, Hà Nội, cho biết: "Mình là con dân đất Việt nên lúc nào cũng phải nhớ đến người có công dựng nước. Mỗi người đều có cách thể hiện tình cảm đó ở một góc độ có thể khác nhau. Năm nào cũng vậy, đến ngày giỗ Tổ thì gia đình tôi mua một số thứ để thắp hướng. Trong đó phải có bánh dày, bánh chưng, hoa quả. Việc này đã trở thành truyền thống gia đình."
Câu ca: “Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ Tổ mồng Mười tháng Ba” đã trở thành lời nhắn gửi, nhắc nhở mọi người dân Việt tìm về lễ giỗ Tổ Hùng Vương thiêng liêng với tất cả lòng thành kính. Hướng về cội nguồn dân tộc đã trở thành tình cảm thiêng liêng, sâu đậm trong tâm khảm của những "con Rồng, cháu Tiên" từ bao đời nay./.