(VOV5) - Trong bối cảnh cục diện địa chính trị toàn cầu biến động phức tạp, cộng đồng quốc tế hối thúc các bên liên quan hành động trách nhiệm và xây dựng, vì hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới.
Trong một tuyên bố chính thức ngày 24/11, bà Kim Yo-jong, em gái nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, cho rằng căng thẳng sẽ gia tăng nếu Hàn Quốc áp đặt các lệnh trừng phạt chống Triều Tiên. Lời cảnh báo được đưa ra hai ngày sau khi Bộ Ngoại giao Hàn Quốc thông báo đang xem xét các lệnh trừng phạt độc lập với Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng tiến hành thử hạt nhân.
Tên lửa Hwasong-17 Triều Tiên rời bệ phóng trong vụ thử ngày 18/11. Ảnh: KCNA |
Cục diện căng thẳng
Thống kê của các nguồn tin khu vực và quốc tế cho biết, chỉ trong 4 ngày đầu tháng này (từ 2-5/11), Triều Tiên phóng tổng cộng hơn 80 tên lửa các loại, trong đó riêng ngày 3/11 phóng tới 23 quả, bằng số tên lửa mà nước này phóng trong cả năm 2017. Lần phóng gần nhất là hôm 18/11 với một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) có khả năng tấn công lãnh thổ Mỹ.
Giới chức và truyền thông Triều Tiên khẳng định các vụ phóng tên lửa và thử nghiệm vũ khí này nhằm đáp trả các cuộc tập trận và động thái quân sự quy mô lớn do Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản tiến hành tại khu vực.
Đáng chú ý nhất trong đó là cuộc tập trận Mỹ-Hàn mang tên Ulchi Freedom Shield (Lá chắn Tự do Ulchi) diễn ra cuối tháng 8/2022 với sự tham gia của hàng nghìn binh sĩ cùng các tàu chiến, máy bay; cuộc tập trận phòng thủ chung Mỹ-Hàn quy mô lớn với tên gọi Hoguk được tiến hành trong nửa cuối tháng 10/2022; và đặc biệt là cuộc tập trận không quân Mỹ-Hàn có biệt danh Vigilant Storm diễn ra hồi đầu tháng này với sự tham gia của hơn 200 máy bay các loại…
Vigilant Storm là cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc có quy mô lớn nhất trong 5 năm qua, được cho là nguyên nhân chính khiến Triều Tiên tiến hành đợt phóng tên lửa với số lượng nhiều chưa từng có hôm 3/11, đẩy căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên lên mức cao nhất kể từ năm 2017 khi Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 6.
Bà Kim Yo-jong. Ảnh: KCNA |
Nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng
Theo các nhà phân tích quốc tế, trong bối cảnh cục diện địa chính trị toàn cầu diễn biến phức tạp, căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên có nguy cơ tạo thêm hiệu ứng cộng hưởng bất lợi nghiêm trọng đối với các nỗ lực quốc tế về thiết lập hòa bình, ổn định trên toàn thế giới.
Trước thực tế đáng lo ngại đó, Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế và các quốc gia đã nhiều lần kêu gọi các bên liên quan trong vấn đề Triều Tiên kiềm chế hành động, không để tình hình leo thang, đồng thời nỗ lực tìm kiếm giải pháp cho vấn đề. Trong đó, riêng Hội đồng bảo an Liên hợp quốc đã tiến hành tới 9 cuộc họp chuyên biệt về vấn đề Triều Tiên tính đến thời điểm này của năm 2022. Tại cuộc họp mới nhất hôm 4/11, Trợ lý Tổng thư ký Liên hợp quốc về các vấn đề chính trị Khaled Khiari hối thúc Hội đồng Bảo an làm hết sức có thể để ngăn căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên. Trước đó, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi Bình Nhưỡng tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế được nêu rõ trong các nghị quyết có liên quan của Hội đồng Bảo an, đồng thời Bình Nhưỡng cần thực hiện các bước đi cần thiết để nối lại đàm phán hướng tới mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Trong khi đó, các cường quốc trên thế giới như Nga, Mỹ, Trung Quốc… dù chưa tìm được tiếng nói chung cuối cùng để hóa giải căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, cũng liên tục nhấn mạnh sự cần thiết phải thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao, đối thoại chính trị và tránh mọi hành động leo thang căng thẳng, vì hòa bình, ổn định của khu vực Đông Bắc Á và thế giới.