(VOV5) - Sau 20 phiên đàm phán căng thẳng, ngày 4/2, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết tại Auckland-New Zealand. Hiệp định này là cú hích lớn, tạo đà phát triển cho nền kinh tế đất nước. Tuy nhiên, đi cùng với những cơ hội sẽ là những thách thức không nhỏ.
TPP được ký kết, sau khi được Quốc hội 12 đối tác tham gia Hiệp định thông qua, sẽ là khu vực thương mại tự do lớn nhất, với 800 triệu dân, tổng GDP lên tới 28 nghìn tỷ USD, chiếm 30% kim ngạch thương mại toàn cầu và gần 40% sản lượng kinh tế thế giới. Đây là hiệp định toàn diện, chất lượng cao trên cơ sở cân bằng lợi ích và lưu ý tới trình độ phát triển khác nhau giữa các nước tham gia Hiệp định sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại tất cả các nước TPP trong đó có Việt Nam.
Cú hích để tăng trưởng xuất khẩu, đặc biệt với ngành dệt may
Theo tính toán của các chuyên gia độc lập, Hiệp định TPP giúp tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam tăng thêm 23,5 tỷ đô la Mỹ vào năm 2020 và 33,5 tỷ đô la Mỹ vào năm 2025. Cùng với đó, xuất khẩu sẽ tăng thêm được 68 tỷ đô la Mỹ vào năm 2025.Việc các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản và Canada giảm thuế nhập khẩu về 0% sẽ giúp tạo ra “cú hích” lớn đối với hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Các ngành xuất khẩu quan trọng như dệt may, giày dép, thủy sản... nhiều khả năng sẽ có bước phát triển vượt bậc về kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường này. TPP cũng sẽ tạo thuận lợi cho Việt Nam trong việc thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp, các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp lớn của các nước TPP, nhất là những lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn. Một trong những ngành được hưởng lợi nhiều nhất là dệt may. Bà Đặng Phương Dung, Tổng Thư ký Hiệp hội dệt may Việt Nam, cho biết: "TPP là hiệp định có tính thế kỷ, mang lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp của Việt Nam nói chung, trong đó có các doanh nghiệp trong ngành dệt may của chúng ta nói riêng. Đối với các FTA hay TPP khi được ký kết thường mang lại những lợi ích đầu tiên đó là được giảm thuế đối với hàng nhập khẩu mà cụ thể là đối với ngành dệt may".
Cơ hội đến cùng những thách thức
Với kim ngạch xuất nhập khẩu của các nước trong TPP lên đến 230 tỷ USD, dự báo việc tham gia hiệp định này sẽ giúp Việt Nam tăng trưởng thương mại lên tới 20 – 30%. Để có thể hưởng lợi một cách tốt nhất từ TPP, tận dụng được mọi ưu thế của mình sau khi hội nhập thì trước hết, Việt Nam cần phải có những thay đổi về chính sách và pháp luật để thúc đẩy phát triển những ngành có lợi thế so sánh. Với những ngành sẽ được lợi sau khi TPP có hiệu lực như: dệt may, thủy sản, nông sản…cần chủ động các nhân tố lao động, vốn, đất đai và các tài nguyên khác. Còn với các ngành kém được lợi thế như chăn nuôi, lâm nghiệp, công nghiệp…thì cần tái cơ cấu để tăng năng suất, hiệu quả hơn.
Hiệp định TPP đặt ra những tiêu chuẩn cao, những cam kết sâu rộng, điều kiện thực thi ngặt nghèo liên quan đến không chỉ thương mại, đầu tư, mà còn cả các lĩnh vực mới, quan trọng như quyền sở hữu trí tuệ, chính sách cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm của Chính phủ, lao động và môi trường…đòi hỏi nền kinh tế Việt Nam phải đẩy nhanh tái cấu trúc từ bên trong. Tiến sỹ Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, cho rằng: "Phần lớn các chương của Hiệp định TPP là liên quan đến chính sách bên trong lòng quốc gia, đằng sau đường biên giới. Vấn đề là phi thuế quan, chính sách, điều tiết…là những cản trở thương mại, đầu tư lớn nhất. Vì vậy, còn phụ thuộc vào việc Việt Nam sẽ cải cách đến đâu thì những lợi ích mà chúng ta có thể đạt được từ Hiệp định TPP đến đó. Sự cải cách đó phải bao gồm các vấn đề liên quan đến thể chế, gắn với các chương trình tái cơ cấu trọng điểm là đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tín dụng; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phân bổ lại nguồn lực hiệu quả hơn để hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường".
Nhanh chóng chuẩn bị thực thi Hiệp định
Đánh giá về những tác động của Hiệp định TPP, Bộ Trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng nhận định TPP sẽ giúp nâng cao vị thế của đất nước trong khu vực cũng như trên trường quốc tế. Trải qua 5 năm nỗ lực đàm phán, cho đến khi kết thúc và đi đến ký kết chính thức, nội dung Hiệp định vẫn giữ được những lợi ích cho các đối tượng tham gia, trong đó người dân, doanh nghiệp Việt Nam. Mặc dù là nước hưởng lợi nhiều nhất từ TPP, song ngay từ bây giờ, phải chuẩn bị tốt các điều kiện trước khi hiệp định chính thức có hiệu lực. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh: "Việc đầu tiên là phải tổ chức thông tin tuyên truyền các nội dung của hiệp định đến cộng đồng doanh nghiệp là những đối tượng và thực hiện những cam kết đó để tận dụng được ưu đãi do hiệp định mang lại. Đồng thời chủ động ứng phó với các thách thức. Thứ hai là hoàn thiện khung khổ pháp luật, tiếp tục ban hành một số luật mới hoặc sửa đổi bổ sung một số luật chưa phù hợp. Thứ ba là công tác thực thi, ngành Công Thương phải đi đầu trong thực hiện nội dung hiệp định, phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành trong thực hiện cam kết. Đồng thời là tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp tham gia một cách có hiệu quả".
Dự kiến sau năm 2018, Hiệp định TPP sẽ được thực thi. Ngay sau khi Hiệp định được ký kết chính thức, để đáp ứng mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp cũng như người dân, các nhà hoạch định chính sách Việt Nam đã có những động thái tích cực và hiệu quả để không lỡ “cơ hội vàng” của đất nước trong thời kỳ hội nhập.