(VOV5) - Trên mạng Internet những ngày gần đây, một nhóm người tự xưng là “mạng lưới blogger Việt Nam” đã phát tán cái gọi là“Tuyên bố 258”, cho rằng Việt Nam thiếu tự do ngôn luận và đòi áp dụng hình mẫu tự do ngôn luận kiểu phương Tây vào Việt Nam. Tuy nhiên, một điều hiển nhiên mà ai cũng biết là tự do ngôn luận ở bất cứ quốc gia nào đều có giới hạn của nó.
|
Hội thảo kinh nghiệm châu Âu về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người diễn ra tháng 6 năm 2013 tại Quảng Ninh. (Ảnh: Bảo Trâm, cổng thông tin điện tử của Bộ tư pháp) |
Cho đến nay, cộng đồng quốc tế đã thoả thuận với nhau những chuẩn mực chung về các quyền cơ bản của con người, trong đó có quyền tự do ngôn luận. Điều 10 Công ước Nhân quyền Châu Âu, có hiệu lực từ ngày 3-9-1953, ghi rõ “Tất cả mọi người đều có quyền tự do bày tỏ ý kiến. Quyền này bao gồm việc được tự do bày tỏ ý kiến và tự do trao đổi các thông tin mà không cần phải nhận được bất kỳ việc cho phép nào từ phía các cơ quan công quyền và không phân biệt biên giới.
Tuy nhiên, điều luật này không có nghĩa ngăn cấm các quốc gia thành viên đưa ra các biện pháp kiểm soát đối với các doanh nghiệp kinh doanh phát thanh, truyền hình, điện ảnh. Việc thực hiện các quyền nói trên, bao gồm cả các nghĩa vụ và trách nhiệm, hình thức, điều kiện, các hạn chế hoặc các biện pháp trừng phạt cần phải được ghi rõ trong các văn bản pháp luật có cân nhắc đến việc cần thiết đối với một xã hội dân chủ, vì lợi ích đối với an ninh quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, duy trì trật tự công cộng và ngăn ngừa tội phạm, bảo vệ sức khoẻ và đạo đức, nhân phẩm hoặc danh dự của con người, ngăn ngừa việc phát tán các thông tin mật hoặc để bảo đảm quyền lực và tính độc lập của các cơ quan tư pháp”.
Như vậy, Công ước Nhân quyền Châu Âu quy định nguyên tắc chung về tự do ngôn luận, theo đó ai cũng có quyền được bày tỏ, trao đổi quan điểm của mình mà không phân biệt địa vị xã hội, giới tính, biên giới. Song Công ước đồng thời quy định việc thực thi các quyền đó và các hạn chế được cụ thể hoá trong pháp luật của mỗi quốc gia. Vì mỗi quốc gia đều cân nhắc tình hình thực tế của mình để đưa ra các đạo luật nhằm cụ thể hoá việc thực hiện quyền tự do ngôn luận của công dân.
Nói về điều 258 Bộ Luật Hình sự Việt Nam. Điều này quy định các “tội lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”.
Từ trước tới nay, các nhà lập pháp, hành pháp của Việt Nam luôn có đủ căn cứ khẳng định tính khoa học của điều luật. Nghĩa là điều luật chỉ xác định hành vi phạm pháp đối với trường hợp “ lợi dụng” và hành vi này phải “ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”. Nếu hành vi không lợi dụng, chỉ là hoạt động tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp và các quyền tự do dân chủ khác thì được Hiến pháp và pháp luật Việt Nam ủng hộ.
Như vậy, quy định trong điều 258 của Bộ Luật Hình sự Việt Nam hoàn toàn phù hợp với Công ước về Nhân quyền Châu Âu.
Phải khẳng định thêm là điều 258 của Bộ Luật Hình sự Việt Nam còn phù hợp với Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966. Theo đó, tự do ngôn luận không phải là một quyền vô hạn, không biên giới. Tự do ngôn luận phải tôn trọng quyền của người khác và phải đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khoẻ và đạo đức xã hội. Như vậy, không thể phủ nhận rằng tính pháp lý, khoa học của điều luật 258 rõ ràng là đã tuân thủ tối đa nguyên tắc này của Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 và các công ước quốc tế khác có liên quan đến tự do ngôn luận.
Về việc trên mạng Internet, “nhóm blogger Việt Nam” đòi áp dụng hình mẫu tự do ngôn luận kiểu phương Tây vào Việt Nam. Nhóm người này quên rằng không thể có tự do không giới hạn, kể cả ở các quốc gia châu Âu vốn tham gia soạn thảo các Công ước quốc tế có liên quan đến tự do ngôn luận và được coi là hình mẫu về tự do ngôn luận. Pháp luật về tự do ngôn luận của Pháp đưa ra các chế tài nghiêm khắc trừng trị người nào lạm dụng quyền tự do ngôn luận làm ảnh hưởng tới quyền, lợi ích hợp pháp của người khác. Pháp luật nước này cũng đưa ra các quy định nhằm bảo vệ một số lợi ích cơ bản của quốc gia, như cấm xuất bản một số tài liệu liên quan đến an ninh quốc gia, hoặc các tài liệu liên quan đến các vụ án đang trong quá trình xét xử, ca ngợi tội phạm chiến tranh và tội ác chống lại loài người.
Trên thực tế, không chỉ ở Việt Nam mới có chế tài đối với hành vi lợi dụng tự do ngôn luận, tự do báo chí để vi phạm pháp luật, mà ở Pháp, hay Hoa kỳ, Cộng hoà Liên bang Đức, Hàn Quốc, Singapore… đều có luật và điều khoản luật xử lý nghiêm khắc hành vi lợi dụng tự do ngôn luận, tự do báo chí.
Rõ ràng là tự do ngôn luận ở bất cứ quốc gia nào cũng đều giới hạn trong khuôn khổ pháp luật. Điều này nằm trong khuôn khổ việc thực thi quyền con người theo đúng các công pháp và công ước quốc tế mà cộng đồng quốc tế đã thoả thuận với nhau./.
Thu Hoa