(VOV5) - Các đại biểu cho rằng những quyết sách đúng đắn, kịp thời, quyết tâm của toàn hệ thống chính trị, kinh tế đất nước sẽ tăng tốc, tăng trưởng cao hơn kỳ vọng.
Trong khuôn khổ kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận 2 ngày (27/10 - 28/10/2022) về tình hình kinh tế - xã hội năm 2022 và kế hoạch năm 2023.
Trước đó, tại phiên thảo luận ở tổ cuối tuần qua, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ tin tưởng những kết quả tích cực trong tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Các đại biểu cho rằng những quyết sách đúng đắn, kịp thời, quyết tâm của toàn hệ thống chính trị, kinh tế đất nước sẽ tăng tốc, tăng trưởng cao hơn kỳ vọng.
Phiên họp sáng ngày 24/10/2022, kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Ảnh: quochoi.vn |
Minh chứng rõ ràng về hiệu quả của các cơ chế, chính sách đã ban hành
Các đại biểu đánh giá kinh tế trong 9 tháng năm 2022 phục hồi tích cực, toàn diện. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm trong điều kiện gặp nhiều khó khăn. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng tăng nhẹ 2,73%. Tăng trưởng GDP 9 tháng năm 2022 ở mức cao là 8,83%. Nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá cao kết quả và triển vọng của nền kinh tế Việt Nam.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân, đoàn Thành phố Hồ Chí Minh, nêu ý kiến: "Năm nay chúng ta hoàn thành đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu. Đó là một nỗ lực rất đáng trân trọng và giúp chúng ta tiếp tục có động lực phấn đấu hoàn thành mục tiêu kinh tế xã hội mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra".
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt, đoàn tỉnh Đắk Lắk đánh giá trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, Chính phủ đã điều hành tích cực, triển khai có hiệu quả chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội. Theo nhiều đại biểu, cùng với việc tập trung các giải pháp ngắn hạn, trung hạn, Chính phủ đã triển khai các giải pháp dài hạn đảm bảo phát triển bền vững. Điển hình như các cam kết tại hội nghị COP26, hoàn thiện thể chế ứng phó với biến đổi khí hậu.
Nâng cao khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế
Đề cập định hướng phát triển kinh tế-xã hội năm 2023, nhiều đại biểu cho rằng trong điều kiện hiện nay, thách thức đặt ra tương đối lớn. Mặc dù chỉ số lạm phát được kiểm soát, song giá xăng dầu thế giới tăng đã gây khó khăn cho doanh nghiệp và đời sống người dân. Các đại biểu đề nghị có giải pháp ứng phó kịp thời, phù hợp khi giá xăng dầu thế giới nhiều khả năng tiếp tục có những diễn biến bất lợi.
Các đại biểu tham dự phiên họp. Ảnh: quochoi.vn |
Đại biểu Hoàng Đức Thắng, đoàn tỉnh Quảng Trị, nêu ý kiến: "Riêng về câu chuyện xăng dầu nên có một báo cáo với Quốc hội và nên có chiến lược bài bản về câu chuyện này. Chắc chắn trong tương lai chúng ta phải đứng trước những vấn đề rất khó lường về tình hình kinh tế thế giới, trong đó là tác động của dầu mỏ và xăng dầu".
Theo dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu đẩy mạnh thực hiện thực chất, hiệu quả cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, tính tự chủ, khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế. Theo đó, ưu tiên bố trí vốn đầu tư công có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho các dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm, chiến lược, bảo đảm hài hòa giữa các địa phương, vùng, miền; tạo điều kiện phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Tổng đầu tư công trong năm 2023 là rất cao, do đó nhiệm vụ đặt ra cho năm sau là phải đổi mới trong cơ chế quản lý đầu tư công.
Ông Hoàng Văn Cường, đại biểu quốc hội thành phố Hà Nội, đề nghị: "Tôi cho rằng là đặt hàng là một trong những giải pháp mà chúng ta nói đến rất nhiều bấy lâu nay, nhưng chưa được thực hiện. Nếu như bây giờ đầu tư công, chúng ta lại thực hiện tốt được cơ chế, trong đó có cơ chế đặt hàng, không phải là chờ theo các dự án nữa. Nếu thực hiện theo cơ chế đặt hàng, tôi cho rằng đây sẽ là một bước ngoặt trong phương thức thực hiện đầu tư công".
Kinh tế Việt Nam đã có sự phục hồi mạnh mẽ trong 9 tháng qua. Việc các đại biểu Quốc hội phân tích, đề xuất những nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới góp phần quan trọng để Quốc hội quyết định các định hướng, các mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu cơ bản cho năm 2023, góp phần hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025.