Dự án Luật Thực hiện Dân chủ cơ sở được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 10/11/2022 trong kỳ họp thứ 4 tại Hà Nội, nhằm hoàn thiện pháp luật về thực hiện dân chủ cơ sở trong bối cảnh Việt Nam tăng cường hội nhập quốc tế.
Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, sáng 27/5/2022. Ảnh: quochoi.vn |
Dự án Luật Thực hiện Dân chủ cơ sở có ý nghĩa chính trị xã hội sâu sắc, mang tính đặc thù của thể chế chính trị và pháp luật Việt Nam, thể chế hóa quan điểm của Đảng, cũng như tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về dân chủ xã hội chủ nghĩa, đảm bảo quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân.
Dân chủ vừa là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa, vừa là mục tiêu và động lực của sự phát triển đất nước. Vì vậy, trong từng giai đoạn cách mạng, Đảng cộng sản Việt Nam luôn coi trọng phát huy dân chủ trong tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị, bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân.
Hoàn thiện pháp luật về thực hiện dân chủ cơ sở
Trong những năm đổi mới đất nước, Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 18/02/1998 của Bộ Chính trị đã xác định phát huy quyền làm chủ của Nhân dân ở cơ sở, là khâu quan trọng, then chốt trong xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân.
Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV ngày 10/11/2022. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Sau gần 25 năm triển khai thực hiện Chỉ thị, bối cảnh chính trị, kinh tế, xã hội trong nước và quốc tế đã có nhiều thay đổi, đặt ra yêu cầu hoàn thiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở. Theo đó, nhu cầu hội nhập quốc tế đòi hỏi Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhà nước, hoàn thiện hệ thống pháp luật, củng cố hệ thống chính trị, đồng thời đảm bảo mở rộng và phát huy dân chủ, củng cố độc lập, tự chủ để giữ vững ổn định chính trị và nâng cao vị thế trên trường quốc tế.
Cùng với sự phát triển của điều kiện kinh tế và mức sống được cải thiện, trình độ dân trí của người dân được nâng lên đáng kể, ý thức về trách nhiệm chính trị và trách nhiệm cộng đồng được vun đắp đặt ra yêu cầu ngày càng cao về đảm bảo quyền dân chủ và tạo ra tiền đề thuận lợi cho quá trình hiện thực hóa các quyền dân chủ của người dân.
Cùng với đó, tính tất yếu trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đặt ra yêu cầu về hoàn thiện tổ chức bộ máy nhà nước, đổi mới phương thức vận hành của Nhà nước theo hướng hoàn thiện thể chế, phát huy dân chủ, bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân; giải quyết mối quan hệ giữa Nhà nước và xã hội, quan hệ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân một cách hài hòa, cùng có lợi.
Đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV thông qua dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Khi trình bày Tờ trình về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định Dự luật được xây dựng theo hướng hoàn thiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở nhằm bảo đảm quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; tiếp tục khẳng định bản chất của Nhà nước Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân và nhân dân là người chủ của đất nước.
Dự Luật đồng thời bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động và trách nhiệm giải trình của chính quyền cơ sở, cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp; cụ thể hóa đầy đủ các chính sách nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập phát sinh trong thực tiễn thi hành quy định của pháp luật hiện hành về thực hiện dân chủ ở cơ sở…
Những điểm mới của Dự Luật Thực hiện Dân chủ cơ sở
Dự thảo Luật Thực hiện Dân chủ cơ sở gồm 7 chương với 74 điều với các quy định cụ thể về: Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; thực hiện dân chủ trong cơ quan, đơn vị; thực hiện dân chủ trong doanh nghiệp; trách nhiệm tổ chức thực hiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở. Về những điều khoản cụ thể, Dự án Luật bổ sung nguyên tắc mọi công dân đều bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở và quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Dự án Luật cũng có những điểm mới về thực hiện dân chủ tại xã, phường, thị trấn, bao gồm: mở rộng phạm vi công khai thông tin ở cấp xã phù hợp với quy định của Luật Tiếp cận thông tin và pháp luật hiện hành; đa dạng hóa hình thức công khai thông tin ở cấp xã; mở rộng dân chủ trực tiếp tại cấp xã theo hướng bổ sung các vấn đề Nhân dân bàn và quyết định trực tiếp; quy định về sáng kiến đề xuất của Nhân dân; quy định về hình thức văn bản của cộng đồng dân cư, việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ các nghị quyết của cộng đồng dân cư.
Dự án Luật Thực hiện Dân chủ cơ sở cũng có các điểm mới về thực hiện dân chủ trong nội bộ cơ quan, đơn vị, bao gồm: công khai thông tin là thông báo qua hệ thống thông tin nội bộ hoặc đăng trên cổng, trang thông tin của cơ quan, đơn vị; bổ sung hình thức kiểm tra, giám sát thông qua hoạt động lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với chức danh lãnh đạo, quản lý trong cơ quan, đơn vị theo quy định của cơ quan có thẩm quyền… Về trách nhiệm tổ chức thực hiện dân chủ ở cơ sở, Dự thảo Luật quy định cụ thể trách nhiệm của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp xã, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, người sử dụng lao động trong thực hiện dân chủ ở cơ sở; quy định kết quả thực hiện dân chủ tại cơ quan, đơn vị là căn cứ để đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, khen thưởng, kỷ luật, đánh giá và xếp loại chất lượng đảng viên đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị; quy định cụ thể trách nhiệm quản lý nhà nước của Chính phủ, Bộ Nội vụ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và chế độ báo cáo về thực hiện dân chủ ở cơ sở; quy định trách nhiệm của UBND cấp tỉnh, cấp huyện trong việc thực hiện các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Việc Quốc hội thông qua Luật Thực hiện Dân chủ cơ sở đã kịp thời thể chế hóa chủ trương phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giảm sát, dân thụ hưởng" như tinh thần Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, cụ thể hóa quyền làm chủ của Nhân dân được quy định trong Hiến pháp năm 2013, trên cơ sở đó góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.