Hội nghị Biến đổi khí hậu 2014: Chung tay hành động vì một thế giới ngày mai

(VOV5) - Ngày 23/9, Hội nghị chống biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc khai mạc tại thành phố New York (Mỹ). Hơn 120 nguyên thủ quốc gia, hàng trăm tập đoàn kinh tế lớn, các tổ chức tài chính và tổ chức xã hội nghề nghiệp tham dự Hội nghị. Với quy mô lớn nhất trong lịch sử về biến đổi khí hậu, Hội nghị lần này hy vọng đạt được một thỏa thuận mang tính ràng buộc pháp lý, tiến tới ký kết một Hiệp định chống biến đổi khí hậu vào năm 2015.


Hội nghị Biến đổi khí hậu 2014: Chung tay hành động vì một thế giới ngày mai - ảnh 1
Khoảng 600.000 nghìn người ở hơn 2.000 địa điểm trên khắp thế giới ngày 21/9 tham gia chiến dịch tuần hành nhằm kêu gọi hành động bảo vệ Trái Đất và chống biến đổi khí hậu. Hình ảnh, khẩu hiệu, băng rôn xuất hiện dày đặc trên các con phố, trong khi dòng người hòa mình tham gia hoạt động này mỗi lúc một đông. Ảnh: AP

 Hội nghị New York 2014 là hội nghị về khí hậu quy mô lớn nhất kể từ Hội nghị Copenhagen năm 2009. Hội nghị lần này diễn ra trong bối cảnh liên tiếp những nghiên cứu về khoa học, môi trường và kinh tế học chỉ ra rằng, thế giới cần đầu tư càng sớm càng tốt cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu bởi nếu chậm trễ, thì trong vòng 15 năm tới, cả thế giới sẽ phải đối mặt với thảm họa khôn lường. Chính vì vậy, mục tiêu của Hội nghị lần này là nhằm thiết lập khuôn khổ cho các cuộc đàm phán về một hiệp ước cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào cuối năm nay tại Peru và tại Pháp năm sau, thay thế cho Nghị định thư Kyoto hết hiệu lực.

Cái giá phải trả cho nhân loại khi chưa chung tay hành động

Theo số liệu của Ngân hàng thế giới, ước tính thiệt hại kinh tế do các thảm họa thời tiết gây ra trong vòng 10 năm qua đã lên đến gần 200 tỉ USD/năm và con số này đang tiếp tục tăng. Những hậu quả do thiên tai gây ra không chừa một quốc gia nào. Bão lũ ngày càng khốc liệt hơn, trái đất ngày một nóng hơn và theo một công bố gần đây của các nhà khoa học Anh, một tảng băng khổng lồ, to bằng diện tích cả khu vực Manhattan của Mỹ, đã tách khỏi Nam Cực để chu du trên biển. Rõ ràng thế giới đang đối mặt với những thảm họa cận kề, song những gì mà các nước cam kết hành động nhiều năm qua vẫn chỉ dừng lại ở những lời nói suông. Cứ mỗi kỳ Hội nghị biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc diễn ra, người ta lại chứng kiến những màn đấu khẩu giữa các quốc gia phát triển và đang phát triển trong vấn đề cam kết cắt giảm khí thải nhà kính, cơ chế đóng góp tài chính, chuyển giao công nghệ…

Hội nghị Copenhagen về biến đổi khí hậu năm 2009 từng là sự kiện thu hút sự quan tâm của mọi quốc gia, với sự tham gia của gần 100 nguyên thủ. Nhưng phần triển khai thực hiện không đạt được kết quả bởi thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ. Gần đây nhất là Hội nghị biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2013 tổ chức tại Ba Lan. Tại Hội nghị này, những giọt nước mắt của Trưởng đoàn Philippines khi nhắc đến những đồng bào ở quê nhà đang chịu thảm họa của cơn bão Haiyan, cũng chỉ đủ để làm lay động lòng người mà chưa đưa ra được những hành động phối hợp hiệu quả. Hành động tuyệt thực trong 12 ngày diễn ra Hội nghị cùng lời khẩn thiết kêu gọi thế giới hãy làm gì đó trước khi quá muộn của vị Trưởng đoàn Philippines, dù nhận được nhiều sự đồng cảm của nhiều đại biểu, cũng chưa thức tỉnh được nhân loại cùng chung tay hành động.

Từ quyết tâm đến hành động: khoảng cách còn xa

Mặc dù thừa nhận những thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra đang trở thành vấn đề nhức nhối toàn cầu, song hiện nay các nước vẫn không thể tìm ra được tiếng nói chung để giải quyết những vấn đề còn tồn tại.

Phải có một sự công bằng trong trách nhiệm, bổn phận và nghĩa vụ giữa các quốc gia trên thế giới trong vấn đề chung về biến đổi khí hậu. Câu khẩu hiệu này được lặp lại rất nhiều lần tại mỗi kỳ Hội nghị, nhưng làm thế nào để biến quyết tâm thành hành động lại là điều không có câu trả lời. Chính vì vậy, người ta cũng không quá trông chờ sẽ có được thỏa thuận quan trọng tại Hội nghị lần này. Tuy nhiên, dư luận hy vọng có thể hình thành được một kế hoạch chi tiết để bắt đầu tìm lời giải cho những khúc mắc hiện nay. Rất nhiều nỗ lực đang được thực hiện nhằm đem lại một kết quả cụ thể từ New York. Cuộc chiến gây sức ép từ phía cộng đồng đang dâng cao hơn bao giờ hết. Ngay trước thềm Hội nghị, khoảng 600.000 người đã xuống đường tuần hành tại hơn 2.000 địa điểm ở 161 quốc gia kêu gọi thế giới hành động khẩn cấp chống biến đổi khí hậu.

Chung tay hành động vì một thế giới ngày mai

Theo nghiên cứu của các chuyên gia, trong vòng 15 năm tới là thời gian quyết định để chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng sạch. Nếu chậm trễ, nhân loại sẽ phải trả giá bằng thảm họa khôn lường. Ước tính trong vòng 15 năm tới, thế giới cần đầu tư 90.000 tỷ USD, trong đó tập trung vào 3 lĩnh vực chủ chốt là năng lượng xanh, xây dựng thành phố ít cacbon và sử dụng đất đai hợp lí. Và nếu kinh tế thế giới vẫn vận hành như cách hiện nay, thì riêng ô nhiễm không khí sẽ gây thiệt hại tới 4,4% GDP toàn cầu, sức khỏe người dân bị ảnh hưởng, kéo theo là chi phí điều trị y tế do ô nhiễm.

Với các bằng chứng khoa học này, rõ ràng là để có cuộc sống tốt đẹp, kinh tế phát triển không thể thiếu việc bảo vệ môi trường, giảm khí thải. Nhưng làm sao vừa tăng trưởng kinh tế vừa chống biến đổi khí hậu, vừa tạo việc làm, giảm nghèo đói, đồng thời với việc giảm khí thải carbon…? Đây quả thực là bài toán khó có lời giải. Tuy nhiên không có gì là không thể. Nếu tất cả các quốc gia đồng lòng, bớt nghĩ đến lợi ích kinh tế riêng, chắc chắn sự thay đổi về công nghệ và cải cách cơ cấu trong kinh tế toàn cầu sẽ giúp thế giới xây dựng nền kinh tế ít carbon, đồng thời vẫn đạt tăng trưởng tốt. Đây cũng là chính là điều mà mọi dân tộc, mọi quốc gia hy vọng những vấn đề đặt ra tại Hội nghị lần này sẽ được triển khai./.  

 

Tin liên quan

Phản hồi

Tran Xuan Xanh

Thế giới có thể xây dựng cho tương lai của đất nước họ những thành phố xa hoa và tuyệt đẹp, nhưng... Xem thêm

Các tin/bài khác