(VOV5) - Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC và các Hội nghị liên quan diễn ra từ ngày 19-21/10 tại Hội An, Quảng Nam.
Đây là sự kiện quan trọng nhất của Tiến trình Bộ trưởng APEC và cũng là một trong những hội nghị trù bị quan trọng cho Tuần lễ Cấp cao APEC sẽ diễn ra vào tháng đầu tháng 11.
Cùng các sự kiện khác, Hội nghị Bộ trưởng tài chính APEC cũng nhằm hướng tới các mục tiêu ưu tiên của Việt Nam trong năm APEC 2017 là tăng trưởng và phát triển bền vững các nền kinh tế.
Ông Lê Văn Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam phát biểu tại buổi họp báo |
Tham dự Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC và các Hội nghị liên quan sẽ có khoảng 500 đại biểu quốc tế và trong nước, trong đó bao gồm các Bộ trưởng Tài chính, lãnh đạo cơ quan tài chính và lãnh đạo ngân hàng trung ương của 21 nền kinh tế thành viên trong khu vực, lãnh đạo cấp cao của các tổ chức tài chính quốc tế như Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng thế giới (WBG), Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) và Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD).
Bốn chủ đề ưu tiên hợp tác
Trên cơ sở định hướng chủ đề APEC 2017 “Tạo thêm động lực mới, cùng vun đắp tương lai”, các Bộ trưởng Tài chính tập trung thảo luận về tình hình kinh tế và tài chính vĩ mô toàn cầu và khu vực tại hội nghị lần này. Theo đó, 4 chủ đề ưu tiên gồm: Đầu tư dài hạn cho cơ sở hạ tầng; Xói mòn cơ sở thuế và dịch chuyển lợi nhuận; Tài chính và Bảo hiểm rủi ro thiên tai; và Tài chính bao trùm. Ông Vũ Như Thăng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài chính, cho biết:
"4 chủ đề ưu tiên này là do Việt Nam đề xuất từ cuối năm 2016 sau khi đã có sự tham khảo các nước thành viên APEC. 4 chủ đề này đã được đưa ra thảo luận trong suốt tiến trình các hội nghị APEC 2017. Bên cạnh 4 nội dung ưu tiên, các Bộ trưởng cũng sẽ có phiên đối thoại “Tăng cường, gắn kết các nhà hoạch định chính sách với các nền kinh tế tư nhân, đối thoại giữa các Bộ trưởng kinh tế APEC với Hội đồng tư vấn doanh nghiệp APAC. Đây là một cơ chế để trao đổi những thông tin và lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp và tập đoàn lớn trong khu vực".
Kết quả hợp tác trong bốn lĩnh vực ưu tiên trên sẽ được báo cáo lên các Bộ trưởng vào ngày 21/10/2017, trên cơ sở đó các Bộ trưởng sẽ ra Tuyên bố chung thể hiện quan điểm về các vấn đề liên quan đến hợp tác tài chính khu vực, các chủ đề hợp tác ưu tiên trong năm, và định hướng của Tiến trình Bộ trưởng Tài chính APEC trong thời gian tới.
Việt Nam tích cực, chủ động đề xuất các sáng kiến
Ngay từ khi nhận đăng cai tổ chức, Việc Nam đã tích cực cùng các nền kinh tế thành viên xây dựng chương trình nghị sự cũng như các nội dung ưu tiên của năm APEC 2017, trong đó có các nội dung của Hội nghị Bộ trưởng tài chính. Các sáng kiến của Việt Nam nhận được sự quan tâm rất lớn của các đại biểu tài chính APEC khi tham dự các hội nghị từ đầu năm đến nay. Là chủ nhà của năm APEC 2017, Việt Nam cũng đóng góp tích cực để đưa các sáng kiến này vào thực tế cũng như tiến trình hội nghị APEC 2017. Ông Vũ Như Thăng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài chính, cho biết thêm:
"Việt Nam chúng ta khi dự kiến chương trình trao đổi hợp tác thì chúng ta cũng thấy rằng đây là các nội dung có tính kế thừa trong những giai đoạn trước đã thảo luận vào năm 2015 thảo luận tại Philippines và năm 2016 tại Peru. Tuy nhiên, lúc đó mới chỉ định hình được bộ khung của chính sách. Đối với mỗi nước sẽ lại có sự biến đổi tùy theo chính sách của mội quốc gia. Trên thực tế này, Việt Nam chúng ta đã chủ động đề xuất bổ sung sáng kiến. Trong năm 2017, Việt Nam với tư cách là nước chủ nhà và là nước đang phát triển nên chúng ta rất quan tâm tới một số nội dung trong sáng kiến, trong đó có gói hành động tối thiểu, liên quan đến những sáng kiến chính mà chúng ta tham gia. Trong các nước thành viên APEC cũng có những nước đang phát triển giống chúng ta. Và chúng ta thấy là cần phải chia sẻ những khó khăn và thách thức khi thực hiện một số sáng kiến tối thiểu, qua đó, để các nước trong diễn đàn có thể cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm cũng như kiểm điểm quá trình thực hiện ở quốc gia mình, cũng như cùng nhau khi thực hiện sáng kiến này"
Tiến trình các Bộ trưởng Tài chính có vai trò quan trọng then chốt và thiết yếu đối với hợp tác APEC. Mục tiêu mà Kế hoạch hành động Cebu tại Hội nghị cấp cao APEC năm 2015 đã đề ra về mục tiêu xây dựng một cộng đồng APEC gắn kết hơn, minh bạch, tự cường và kết nối hơn về tài chính, có ý nghĩa sống còn đối với thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững, bao trùm, cân bằng tại khu vực.
Từ đầu năm đến nay, Việt Nam, cụ thể là Bộ Tài chính đã hoàn thành được những nhiệm vụ quan trọng. Trong đó, Bộ Tài chính đã chủ trì thành công Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương tháng 2 tại Nha Trang; Chủ trì thành công Hội nghị Quan chức Tài chính Cao cấp tháng 5 tại Ninh Bình; Phối hợp với các đối tác quốc tế như Ngân hàng thế giới, Ngân hàng phát triển Châu Á tổ chức nhiều hội thảo quốc tế về các chủ đề ưu tiên, được các đối tác và các thành viên APEC đánh giá cao.
APEC 2017 là năm đầu tiên thực hiện Chiến lược Đổi mới Tiến trình Bộ trưởng Tài chính APEC. Triển khai mạnh mẽ bốn sáng kiến hợp tác tài chính APEC trong năm APEC 2017, Việt Nam vừa gắn với ưu tiên quốc gia, vừa thực hiện hiệu quả Chiến lược Đổi mới Tiến trình Bộ trưởng Tài chính APEC, thúc đẩy hợp tác và hội nhập kinh tế trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, hướng tới lợi ích thiết thực cho toàn khu vực.