Hội nghị bộ tứ cho hòa bình Ukraina: Hồi kết không suôn sẻ

(VOV5)- Cuộc gặp thượng đỉnh 4 bên Nga, Pháp, Đức, Ukraina để tìm giải pháp cho cuộc chiến đang ngày càng căng thẳng ở miền Đông Ukraina bắt đầu ngày 11/2 và vẫn đang diễn ra tại thủ đô Minsk của Belarus. Dù chưa có kết quả cuối cùng nhưng giới phân tích nhận định kết quả đạt được có thể sẽ không được như mong đợi và việc tìm ra giải pháp để vãn hồi tình hình xung đột ở Ukraine sẽ còn phải mất rất nhiều thời gian nữa. 


Cuộc hội đàm được bắt đầu bằng phiên mở rộng với sự tham dự của cả các Ngoại trưởng 4 bên và đại diện của Nhóm tiếp xúc và sau đó là họp hẹp gồm lãnh đạo 4 nước Nga, Pháp, Đức và Ukraina. Bên ngoài phòng họp khoảng hơn 500 phóng viên vẫn chờ để lập tức đưa tin, cho thấy Ukraine đã trở thành tâm điểm sự kiện, thu hút sự quan tâm của dư luận toàn cầu.  


Hội nghị bộ tứ cho hòa bình Ukraina: Hồi kết không suôn sẻ - ảnh 1
Lãnh đạo 4 nước Nga, Pháp, Ukraine, Đức có mặt tại hội nghị Minsk, Belarus (ảnh: Reuters)


Bất đồng trong chủ trương giải quyết xung đột


Sự chia rẽ sâu sắc giữa các cường quốc có liên quan đến khủng hoảng chính trị ở Ukraina dường như đang ngày càng gia tăng. Tuần trước, Mỹ tuyên bố đang cân nhắc việc cung cấp các loại vũ khí sát thương cho chính quyền Kiev như tên lửa chống tăng, radar chống pháo cối và các thiết bị khác. Theo Washington, phương Tây cần hỗ trợ vũ khí để Kiev tự vệ đã gây ra những phản ứng mạnh mẽ của các bên. Moscow tuyên bố nếu Mỹ quyết định cung cấp vũ khí cho Ukraine, Nga sẽ trả đũa bằng cách hỗ trợ quân sự mạnh mẽ cho lực lượng ly khai ở miền đông Ukraina. Nhưng không chỉ có thế, Nga sẽ phản công ở cả các “mặt trận” khác bên ngoài Ukraine. Một trong những biện pháp trả đũa mà điện Kremlin đang xem xét là cung cấp cho Trung Quốc các công nghệ quốc phòng nhạy cảm để giúp nước này phát triển vũ khí công nghệ cao. Ngoài ra, Iran cũng là một quốc gia có mối quan hệ tốt đẹp với Nga. Do các lệnh cấm vận của Liên hợp quốc, Nga không thể công khai bán vũ khí hoặc chuyển giao công nghệ vũ khí cho Iran. Tuy nhiên, các hành động leo thang của Mỹ ở Ukraina hoàn toàn dẫn đến khả năng Nga phá bỏ các lệnh cấm vận này.


Trong khi đó, Đức, Pháp cũng lên tiếng phản đối việc Mỹ cung cấp vũ khí cho Ukraina, cho rằng việc phương Tây cung cấp vũ khí quân sự cho Ukraina sẽ chỉ dẫn đến cục diện cuộc chiến kéo dài dai dẳng và ẩn chứa rất nhiều bất trắc sau này, ảnh hưởng đến an ninh của cả khu vực. Tại Hội nghị An ninh Munich vừa diễn ra mới đây ở Đức, thông Berlin và Paris đã gửi thông điệp rõ ràng rằng việc cung cấp vũ khí cho Kiev sẽ đi ngược lại với sứ mệnh hòa giải của Đức và Pháp.


Có hay không một văn kiện được ký kết


Một tuyên bố chung được ký kết, tiến tới ngừng bắn và có thể đặt nền móng cho đối thoại quốc gia là điều được trông đợi tại Hội nghị lần này. Về cơ bản, mẫu số chung không ngoài dự đoán. Đó là ngừng bắn ngay lập tức, thiết lập một khu vực phi quân sự và rút toàn bộ vũ khí hạng nặng, đưa ra quy chế cho các khu vực do lực lượng nổi dậy thuộc hai nước cộng hòa tự xưng Donestk và Lougansk trong khi vẫn duy trì được sự toàn vẹn lãnh thổ cho Ukraina. Kế hoạch hòa bình mới sẽ phải cụ thể hơn, ràng buộc hơn, bởi vấn đề khó giải quyết nhất từ trước đến nay giữa các bên lại nằm ở các chi tiết. 


Trước hết, những căng thẳng hiện nay có thể được chế ngự phụ thuộc rất nhiều vào quyết định của Tổng thống B.Obama về việc có hay không cung cấp vũ khí cho Ukraina. Tuy nhiên, bản thân Tổng thống B.Obama cũng đang chịu sức ép rất lớn từ nhiều phía, trước hết là những tiếng nói trong chính Quốc hội Mỹ yêu cầu chính quyền của ông phải nhanh chóng hành động một cách quyết đoán hơn.


Một vấn đề gai góc khác là quy chế của các khu vực nổi dậy. Thỏa thuận hòa bình Minsk từng được ký kết hồi tháng 9/2014, trong đó khuyến khích đối thoại dân tộc và thiết lập chế độ phân quyền. Nhưng lực lượng ly khai lại bác bỏ đề xuất này, tự đứng ra tổ chức bầu cử cơ quan lập pháp và Tổng thống tháng 11/2014, trước khi yêu cầu sáp nhập vào Nga. Moscow đã bất ngờ từ chối giải pháp này, nhưng lại bảo lưu quan điểm muốn lực lượng nổi dậy ở Ukraina “cắm chốt” trên các vùng đất mới giành được, thay vì trả lại nguyên trạng. Mỹ trước thềm cuộc gặp 4 bên khẳng định ủng hộ sáng kiến chung của Pháp và Đức, nhưng lại không hoàn toàn tin tưởng sẽ thành công. Mỹ tỏ ý nghi ngờ thỏa thuận hòa bình nếu đạt được sẽ không được Nga thực tâm tuân thủ. 


Đến nay, vẫn chưa có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy có giải pháp triệt để nào, dù là ngắn hạn cho cuộc xung đột nghiêm trọng nhất ở phương Tây kể từ sau Chiến tranh lạnh khiến hơn 5.300 người thiệt mạng. Cuộc gặp 4 bên lần này được cho là một trong những cơ hội cuối cùng bởi nếu không tìm ra một thỏa thuận hòa bình, kịch bản xung đột vũ trang leo thang là hoàn toàn có thể xảy ra./. 

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác