(VOV5) - Động lực được coi là lớn nhất với toàn cuộc chiến chống biến đổi khí hậu tuần cầu nói chung và COP26 nói riêng, là sự trở lại của nước Mỹ.
Được tổ chức sau nhiều bước chuẩn bị kỹ lưỡng, Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu năm 2021 (COP26) với sự tham dự của hơn 120 nguyên thủ và lãnh đạo Chính phủ, được kỳ vọng có thể đạt bước tiến quan trọng trong cuộc chiến chống biến biến đổi khí hậu toàn cầu.
Tuy nhiên, thách thức đặt ra với các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị cũng là rất lớn, khi thế giới không còn nhiều sự lựa chọn trước tình trạng biến đổi khí hậu đáng báo động hiện nay.
Lễ khai mạc Hội nghị COP26 tại Glasgow, Scotland ngày 31/10. Ảnh: AFP/TTXVN |
COP26 diễn ra trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu diễn biến ngày càng tồi tệ hơn. Báo cáo mở đầu Hội nghị cho thấy, mực nước biển trung bình đã tăng 2,3 mét trong 30 năm qua do sự tan chảy của các dòng sông băng, trong khi các kỷ lục về khí gây hiệu ứng nhà kính liên tục được thiết lập.
Trước thềm Hội nghị, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres khẳng định, tình hình khí hậu hiện nay là “tấm vé 1 chiều dẫn tới thảm họa”. Thực tế này khiến COP26 được kỳ vọng đặt ra các mục tiêu mang tính quyết định về tương lai lâu dài của thế giới trước những đe dọa của khí hậu và biến đổi khí hậu do con người gây ra.
Những tín hiệu khả quan
Một ngày trước khi COP26 khai mạc, Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các quốc gia phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã đạt được thỏa thuận quan trọng trong nỗ lực kiềm chế sự nóng lên của trái đất. Theo đó, lần đầu tiên lãnh đạo G20 đạt được thống nhất về ủng hộ mục tiêu giữ trái đất không nóng thêm quá 1,5 độ C so với thời kỳ trước cách mạng công nghiệp theo như tinh thần Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015. Với tiềm lực và sức ảnh hưởng của mình, cam kết của G20 được coi là một động lực tích cực để các nhà lãnh đạo COP26 đưa ra quyết định.
Tuy nhiên, động lực được coi là lớn nhất với toàn cuộc chiến chống biến đổi khí hậu tuần cầu nói chung và COP26 nói riêng, là sự trở lại của nước Mỹ. Sau khi lên lãnh đạo nước Mỹ (tháng 1/2021), Tổng thống Joe Biden đã quyết định tham gia trở lại hàng loạt công ước quốc tế, trong đó có Hiệp định Paris 2015. Tổng thống Biden cũng cam kết sẽ đưa nước Mỹ đến năm 2025 giảm khoảng 50-52% khí thải so với số liệu thống kê của năm 2005, trở thành tấm gương về chống biến đổi khí hậu. Thông điệp này tiếp tục được người đứng đầu nước Mỹ nhấn mạnh trong bài phát biểu tại ngày họp chính thức đầu tiên của COP26 hôm 1/11.
Cũng trong ngày họp COP26 đầu tiên, một trong những quốc gia có lượng phát thải hàng đầu thế giới là Ấn Độ đã cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2070. Ấn Độ là quốc gia phát thải carbon lớn cuối cùng trên thế giới công bố mục tiêu phát thải ròng bằng 0. Trước đó, trung Quốc tuyên bố sẽ đạt được mục tiêu này vào năm 2060, trong khi Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đặt mục tiêu là năm 2050.
Còn nhiều thách thức và cần nhiều nỗ lực
Có thể thấy rằng, những tiến triển đạt được tại COP26 đến thời điểm này là rất tích cực. Tuy nhiên, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu tuần cầu được cho là vẫn còn rất nhiều thách thức. Trong đó, vai trò lãnh đạo của nước Mỹ vẫn chưa được đảm bảo. Bởi lẽ đến nay, kế hoạch dành 555 tỷ USD trong gói chi tiêu xã hội để cắt giảm khí thải nhà kính từ nền kinh tế Mỹ mà Tổng thống Biden đề xuất, vẫn chưa được Quốc hội Mỹ thông qua. Trong đó, chương trình trị giá 150 tỷ USD nhằm thúc ép các công ty điện lực tăng cường chuyển đổi sang sử dụng năng lượng sạch, thậm chí đã bị loại khỏi gói đề xuất ngân sách.
Bên cạnh đó, nguy cơ các quốc gia không thể hoặc không chịu thực hiện cam kết hoàn toàn có thể xảy ra vì nhiều lý do khác nhau. Trong đó, việc các nền kinh tế trên toàn thế giới phải dành nguồn lực ứng phó và khắc phục hậu quả do đại dịch Covid-19 gây ra, có thể ảnh hưởng đến nguồn lực chống biến đối khí hậu.
Điều này lý giải vì sao nhiều nhà lãnh đạo tham dự COP26 đã đặc biệt nhấn mạnh vấn đề ưu tiên nguồn lực chống biến đổi khí hậu. Trong đó, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính nhấn mạnh: ứng phó với biến đổi khí hậu, phục hồi tự nhiên phải trở thành ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển, là tiêu chuẩn đạo đức cao nhất của mọi cấp, mọi ngành, mọi doanh nghiệp và người dân. Thủ tướng Việt Nam kêu gọi tất cả các quốc gia cam kết mạnh mẽ về giảm phát thải khí nhà kính trên cơ sở nguyên tắc trách nhiệm chung nhưng có khác biệt, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và năng lực của từng quốc gia, phải có công bằng, công lý về biến đổi khí hậu