(VOV5) - 27 nhà lãnh đạo của Liên minh Châu Âu (EU) hôm nay bắt đầu nhóm họp tại Brusell, Bỉ, để thảo luận những vấn đề nóng gây nhiều chia rẽ trong khối này từ nhiều tháng qua. Câu chuyện khủng hoảng nợ công tại Hy Lạp, yêu cầu cải cách thể chế của Anh, việc tiếp tục “mặt lạnh” với nước Nga hay vấn đề nhập cư trái phép đang làm EU rối như canh hẹ.
Nguyên thủ các nước tham dự Hội nghị
Hy Lạp là chủ đề nóng nhất được bàn thảo trước thềm hội nghị và là chủ đề trung tâm trong cuộc họp của các nguyên thủ châu Âu. Sau khi kết thúc Hội nghị thượng đỉnh khu vực Đồng tiền chung Châu Âu khẩn cấp hôm 22/6 vừa qua, Chủ tịch EU Jean-Claude Juncker bày tỏ lo ngại về tiến triển trong các cuộc đàm phán giữa Hy Lạp với nhóm chủ nợ, gồm EU, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Ông Juncker kêu gọi các bên cần nhanh chóng nắm bắt lại cơ hội đàm phán. Cho đến tận giờ phút này, tảng băng về khoản cứu trợ trị giá 7,2 tỷ Euro (tương đương khoảng 8 tỷ USD) vẫn chưa được phá. EU đã yêu cầu Hy Lạp cần phải bổ sung thêm những cải cách mới theo yêu cầu của các chủ nợ để tránh một nguy cơ phá sản.
Hy Lạp nóng từng giờ
Hiện, các nước EU, đặc biệt là Đức - đầu tàu kinh tế của khu vực, đang duy trì sức ép lớn lên chính phủ Hy Lạp. Nhóm chủ nợ của Hy Lạp cho rằng chính phủ hiện nay của Hy Lạp không có chính sách rõ ràng và thiếu thái độ xây dựng trong các cuộc đàm phán. Do đó, họ kiên quyết không nhượng bộ và cho biết “muốn giữ Hy Lạp ở lại khu vực đồng euo (eurozone) nhưng không phải bằng bất cứ giá nào”. Điều này đồng nghĩa với việc Hy Lạp có thể bị loại khỏi eurozone nếu chính phủ Hy Lạp không chịu tiến hành những cải cách quyết liệt theo yêu cầu của nhóm chủ nợ.
Tuy nhiên, chỉ ít giờ trước khi Hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra, các nước EU đã phát đi một tín hiệu có thể sẽ nhượng bộ hơn với Hy Lạp nếu nước này đưa ra một số giải pháp mới có thể chấp nhận được tương đối. Sự nhượng bộ này có thể là một thỏa thuận để giãn nợ cho Hy Lạp trong ngắn hạn. Thế nhưng, cho dù một thỏa thuận ngằn hạn có được đưa ra đi chăng nữa thì cũng chỉ có thể giúp Hy Lạp tránh nguy cơ ra khỏi khu vực Đồng tiền chung Châu Âu chứ khó giúp nước này giải quyết núi nợ công đã lên tới 177% GDP.
Làm sâu sắc thêm liên minh tiền tệ
Cuộc khủng hoảng nợ công ở Hy Lạp, cũng như ở nhiều quốc gia thành viên trước đó đã che mờ tầm nhìn về một EU thịnh vượng trong những thập kỷ tới. Nhưng tranh cãi triền miên liên quan đến “cứu trợ” hay “không cứu trợ”, tiếp tục thắt lưng buộc bụng hay nới lỏng nền kinh tế đã cho thấy một “sức khỏe không được tốt” của nền kinh tế Liên minh Châu Âu. Các nhà lãnh đạo EU tin rằng sự ổn định của khu vực đồng Euro phụ thuộc vào quá trình hội nhập sâu hơn, cũng như đặt ra mục tiêu cụ thể lâu dài hơn. Chính vì vậy, tại Hội nghị Thượng đỉnh EU lần này, các nhà lãnh đạo thành viên tập trung thảo luận về một kế hoạch được cho là khá chi tiết về hội nhập khu vực Đồng tiền chung Châu Âu do chủ tịch EU Jean-Claude Juncker và Chủ tịch Ngân hàng trung ương Châu Âu Mario Draghi đề xuất. Trong đó tập trung vào kế hoạch phát triển một liên minh ngân hàng đầy đủ với nhiều quy định mới, phát hành trái phiếu chung cũng như thảo luận về việc thay đổi Hiệp ước chung Châu Âu, văn bản pháp lý cao nhất của khối này.
Mặc dù là một thị trường thống nhất, song đến nay EU vẫn tồn tại hai hệ thống tiền tệ: Đồng Euro và một số đồng nội địa như bảng Anh, krone Đan Mạch, zloty Balan… Nhiều chuyên gia nhìn nhận, để EU có thể trở thành một khu vực thống nhất thịnh vượng thì các nước thành viên nên hợp nhất thành khối tiền tệ. Bởi sẽ khó có thể đạt được sự đồng thuận trong việc xây dựng các thể chế tài chính chung EU nếu tiếp tục tồn tại các quy tắc cho các thị trường đơn lẻ.
Cải cách thể chế hay để nước Anh ra đi
Những yêu cầu cấp bách về giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công ở Hi Lạp, tăng cường sự hội nhập của EU tại Hội nghị thượng đỉnh EU lần này cũng không nằm ngoài những chuyện đi hay ở của nước Anh.
Vấn đề này trở nên nóng khi Thủ tướng Anh David Cameron và đảng Bảo thủ của ông phải đối mặt với những thách thức trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu năm 2014 và cuộc bầu cử ở Anh năm 2015. Sự hội nhập ngày càng tăng của Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã tạo ra những mối đe dọa đối với các ngành công nghiệp, dịch vụ tài chính của Anh. Điều này đòi hỏi phải có các biện pháp mang tính pháp lý nhằm đảm bảo quyền của những nước thành viên EU không nằm trong Eurozone. Các cuộc khảo sát gần đây tại Anh cho thấy, phần lớn người Anh mong muốn sẽ rút khỏi Liên minh châu Âu nếu trưng cầu ý dân diễn ra. Tuy nhiên, yêu cầu này của Anh dự kiến sẽ đối mặt với nhiều chỉ trích của các nước thành viên trong khối. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso cáo buộc các nước như Anh đã đưa ra những ý tưởng “hẹp hòi” để bảo vệ lợi ích cá nhân.
Trước khi Hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra, Thủ tướng Anh Cameron đã có một chuyến công du vòng quanh Châu Âu để yêu cầu thu xếp một cuộc thảo luận về vấn đề này trong chương trình nghị sự. Việc một quốc gia rời khỏi Liên minh châu Âu được cho là một vấn đề khá nhạy cảm. Tuy vậy, dù muốn hay không những tuyên bố của Thủ tướng Anh cho thấy Liên minh châu Âu có thể sẽ không tránh khỏi khả năng ra đi của Anh.
Bên cạnh đó, một loạt các vấn đề liên quan mật thiết đối với nhiều quốc gia thuộc EU như di cư, quan hệ căng thẳng với Nga….cũng sẽ được EU bàn thảo tại Hội nghị thượng đỉnh lần này. Chương trình của Hội nghị đầy tham vọng nhưng kết quả đạt được có thể không như mục tiêu đặt ra./.