Hội nhập ASEAN: Biến nhận thức thành hành động

(VOV5)- Ngày mai (31/12/2015), Cộng đồng ASEAN chính thức ra đời, một dấu mốc quan trọng trong tiến trình hình thành và phát triển của Hiệp hội gần 5 thập kỷ. 

Hội nhập ASEAN: Biến nhận thức thành hành động - ảnh 1
20 năm tham gia, ASEAN đã chứng kiến quá trình trưởng thành của Việt Nam trên sân chơi hội nhập. (ảnh: KT)


Sự trưởng thành của Hiệp hội mang lại lợi ích to lớn cho cả khu vực, trong đó có từng quốc gia thành viên. Đối với Việt Nam, hội nhập ASEAN với tư cách từ một thành viên Hiệp hội đến thành viên của Cộng đồng, dù Việt Nam đã có sự chuẩn bị từ rất sớm, cũng đang đặt ra rất nhiều thách thức, đòi hỏi quá trình nỗ lực lâu dài. 


Việc hình thành Cộng đồng ASEAN mang lại môi trường thuận lợi hơn rất nhiều, phục vụ cho sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước của Việt Nam. Riêng trong lĩnh vực kinh tế, rõ ràng Cộng đồng ASEAN tạo cho Việt Nam cơ hội tiếp cận thị trường rộng lớn hơn. Không chỉ thị trường 625 triệu dân trong ASEAN mà còn mở rộng ra các nước ngoài khu vực. 


Cơ hội song hành thách thức
Đã có rất nhiều phân tích, đánh giá về những cơ hội của Việt Nam khi tham gia Cộng đồng ASEAN. Cơ hội đầu tiên đó là cơ hội về thị trường, về lao động, về thu hút vốn đầu tư trong nội tại ASEAN và bên ngoài ASEAN, và cuối cùng là cơ hội lấy ASEAN làm bàn đạp để tiếp cận thị trường, tiếp cận nguồn vốn từ các đối tác bên ngoài ASEAN như Mỹ, EU, Nhật.. Trên hết, lợi ích lớn nhất khi tham gia Cộng đồng ASEAN là đem lại cho Việt Nam sự ổn định kinh tế vĩ mô. Đại sứ Vũ Đăng Dũng, trưởng phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại ASEAN, cho biết: Trong ASEAN có cơ chế đảm bảo cho các nước thành viên giữ được sự ổn định kinh tế vĩ mô trước những cú sốc của tình hình kinh tế thế giới. Ngoài ra, chúng ta có điều kiện tái cơ cấu nền kinh tế của mình. Lợi ích nữa là thông qua cộng đồng kinh tế ASEAN buộc chúng ta điều chỉnh, thay đổi hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, thông thoáng phù hợp với thông lệ quốc tế. 


Lợi ích mà Cộng đồng ASEAN mang lại cho Việt Nam là quá rõ ràng, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế. Tuy nhiên, cho đến nay, mức độ hội nhập trong ASEAN được các nhà phân tích kinh tế chỉ ra mới chỉ ở một phía từ Chính phủ, các cơ quan chức năng còn bản thân doanh nghiệp thì chưa có sự vào cuộc tích cực. PGS, TS Trịnh Thị Thu Hương, Phó chủ nhiệm khoa kinh tế và kinh doanh quốc tế, Đại học ngoại thương Hà Nội cho rằng: Cơ hội thị trường quá rõ ràng với doanh nghiệp Việt Nam. Thị trường ở đây là thị trường lớn thứ 3 trên thế giới. Và thị trường này lại ngay bên cạnh chúng ta, tức là khoảng cách địa lý giữa Việt Nam và các nước trong khu vực không quá xa. Cho nên doanh nghiệp phải nhìn thấy ngay bên cạnh mình có một thị trường lớn như vậy thì tại sao mình lại không vào thị trường đó trước. Cái này là cái mà doanh nghiệp Việt Nam chúng ta chưa hoàn toàn nhận thức được. 


Đồng quan điểm, Nguyên thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Lê Công Phụng, khẳng định bên cạnh những chính sách, những hoạt động của Chính phủ thì bản thân các doanh nghiệp cũng cần phải chủ động trong tiến trình này. Mà một trong những bước chủ động đó là nhận thức được đầy đủ những lợi ích và cơ hội mà Cộng đồng ASEAN mang lại, đồng thời: Để giải quyết vấn đề này, tôi cho rằng chúng ta phải đẩy mạnh tuyên truyền, tuyên truyền về ý nghĩa lợi ích trong hợp tác kinh tế ASEAN. Thứ hai là phải thay đổi cơ cấu, phát triển dạy nghề bài bản mới có cơ hội hội nhập với các nền kinh tế khu vực.


Trong khi đó, chỉ ra những điểm yếu cần khắc phục của Việt Nam khi hội nhập ASEAN, Đại sứ Vũ Đăng Dũng, trưởng phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại ASEAN nhấn mạnh đến yêu cầu chất lượng nguồn lao động, đặc biệt là trình độ ngoại ngữ của lao động Việt Nam: Tôi muốn nhấn mạnh đến đào tạo tiếng Anh. Tại sao người lao động Philippines họ có thể đi khắp thế giới và nhiều nước đều muốn nhận người lao động Philippines thay vì lao động nước khác, trong đó có Việt Nam, bởi vì lao động Philippines có tiếng Anh rất tốt, thậm chí cả người lao động chân tay bình thường nhất. Do vậy, chúng ta muốn cạnh tranh trong khu vực trước hết phải có tiếng Anh, đó là phương tiện giao tiếp để bước vào thị trường lao động. Hiện nay nếu nhìn vào tính phổ cập tiếng Anh của toàn xã hội thì còn rất thấp so với nhiều nước trong khu vực.


Biến nhận thức thành hành động
Cộng đồng ASEAN sẽ đem lại nhiều cơ hội phát triển cho Việt Nam và các nước thành viên cả về chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội, nhưng đi kèm với đó là những thách thức không nhỏ. Càng có nhận thức đúng về Cộng đồng ASEAN, từ đó có các bước hành động phù hợp để tranh thủ được cơ hội và hóa giải được thách thức. Cùng với Cộng đồng, ở cấp quốc gia, Việt Nam cũng đang đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao năng lực của nền kinh tế, của giới doanh nghiệp cũng như của từng cán bộ, người dân khi tham gia ASEAN, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển với khu vực. Bên cạnh đó, Việt Nam nỗ lực tham gia cùng các nước đóng góp xây dựng Tầm nhìn phát triển của ASEAN sau năm 2015 nhằm giúp liên kết ASEAN sâu rộng hơn nữa. 

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác