Hội thảo về tác động tiêu cực của việc xây dựng công trình nhân tạo trên Biển Đông

(VOV5) - Việc Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo trên Biển Đông sẽ gây những hệ lụy khó lường.

Hội thảo quốc tế  “Xây dựng công trình nhân tạo trên Biển Đông và tác động đối với hòa bình, an ninh, kinh tế, thương mại của khu vực” vừa diễn ra ngày 25/7 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Khoảng 200 chuyên gia luật pháp, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đã làm sáng tỏ các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) về xây dựng công trình nhân tạo trên biển nói chung và ở Biển Đông nói riêng.


Hội thảo về tác động tiêu cực của việc xây dựng công trình nhân tạo  trên Biển Đông - ảnh 1
Phát biểu tại Hội thảo, phần lớn các chuyên gia đều đánh giá về tác động tiêu cực của hoạt động xây dựng công tình nhân tạo trên Biển Đông đến môi trường. Ảnh:H. D.


Các học giả đến từ nhiều nước trên thế giới và các học giả của Việt Nam đã phân tích, nghiên cứu đánh giá các quy định của Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), cũng như việc Trung Quốc xây dựng một số đảo nhân tạo trên biển Đông hiện nay. Theo đó, việc Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo trên Biển Đông sẽ gây những hệ lụy khó lường.

Vùng an toàn hợp lý

Những vấn đề pháp lý liên quan đến đảo nhân tạo, hoặc đảo nhân tạo có khả năng tạo ra những “quyền” gì trên biển, không chỉ là vấn đề học thuật mà còn là vấn đề thời sự đang được dư luận quan tâm, chú ý do những động thái gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông.Tiến sỹ Ngô Hữu Phước, Trưởng bộ môn Công pháp quốc tế, khoa Luật Quốc tế, Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng việc xây dựng đảo nhân tạo trên các vùng biển phải tuân thủ các quy định của UNCLOS 1982 nhằm tôn trọng các quyền tự do hàng hải, tự do hàng không, bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học về biển của các quốc gia khác. Ông cũng nhấn mạnh rằng đảo nhân tạo không có lãnh hải, tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Cùng quan điểm với Tiến sỹ Ngô Hữu Phước, Giáo sư, Tiến sỹ Erik Franckx, Trọng tài viên của Tòa trọng tài thường trực La Hay, khẳng định theo quy định của UNCLOS 1982, các đảo nhân tạo chỉ được hưởng một “vùng an toàn hợp lý”, vốn thông thường không được vượt quá 500m tính từ mép ngoài của đảo. Bên cạnh đó, thẩm quyền trong vùng an toàn đó không phải tùy nghi mà còn phải tôn trọng các hoạt động hàng hải quốc tế: “Có điều đã quy định rất rõ trong Luật Biển quốc tế là chúng ta không được thay đổi hiện trạng ảnh hưởng đến môi trường theo quy định của Luật Biển quốc tế năm 1982. Trong tự nhiên có những mỏm đá, những bãi cạn, những hòn đảo, chúng ta không thể cố tình thay đổi hiện trạng đó vì nó ảnh hưởng đến những quy định của pháp luật quốc tế về khai thác tự nhiên. Nguyên tắc thứ hai tôi muốn nhấn mạnh và nó là nội dung của hội thảo này đấy là việc xây dựng các đảo nhân tạo nó sẽ không thể tạo nên những quyền mới, sẽ vẫn phải coi đó là những đảo nhân tạo theo quy định của pháp luật quốc tế”.

Những  tác động tiêu cực

Giáo sư, tiến sỹ Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng Trung Quốc không có quyền xây dựng các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa. Đồng thời,  chỉ rõ Trung Quốc đã sử dụng vũ lực tấn công, chiếm đóng một số đá ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Luật pháp quốc tế không bao giờ thừa nhận chủ quyền của một quốc gia đối với lãnh thổ có được bằng hành động sử dụng vũ lực. Do vậy, hành vi xây dựng các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa của Trung Quốc là hoàn toàn trái với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982.


Hội thảo về tác động tiêu cực của việc xây dựng công trình nhân tạo  trên Biển Đông - ảnh 2


Việc Trung Quốc ồ ạt xây dựng với quy mô lớn nhằm biến một số bãi đá chiếm đóng phi pháp ở quần đảo Trường Sa thành đảo nhân tạo đã, đang, sẽ cản trở và đe dọa tự do hàng hải, hàng không, thương mại khu vực và thế giới. Bởi vì, nhằm mục đích bảo vệ các đảo nhân tạo phi pháp, Trung Quốc đã tuyên bố thiết lập một vùng biển 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo và cấm tàu thuyền, máy bay của các quốc gia khác hoạt động trong vùng biển và vùng trời trên các đảo nhân tạo đó. Luật sư Đặng Văn Minh, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh, nêu quan điểm: “Trung Quốc muốn các vấn đề không tranh chấp trở thành tranh chấp và Trung Quốc đã tôn tạo các đảo chìm trở thành các đảo. Để từ đó Trung Quốc nêu chủ quyền của mình trên các đảo này, để hiện thực hóa “đường lưỡi bò” của Trung Quốc. Không phải chỉ có Việt Nam lên tiếng mà các nước G7, trong đó có Mỹ, cũng đã lên tiếng phản đối về việc làm của Trung Quốc. Việc Trung Quốc tôn tạo các đảo ấy là vi phạm chủ quyền của Việt Nam, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam”.

Hành động xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc trên quần đảo Trường Sa cũng tác động tiêu cực đến môi trường biển, hệ sinh thái và đa dạng sinh học biển. Theo Tiến sỹ Phạm Văn Võ, Phó trưởng Khoa Luật Thương mại, Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, hoạt động của Trung Quốc đã vi phạm Luật Môi trường quốc tế. Bên cạnh đó, nó còn trái với tinh thần nguyên tắc 2 của Tuyên bố Stockom, cũng như không phù hợp với nguyên tắc 7 của Tuyên bố Rio De Janeiro về môi trường và phát triển. Mặt khác, việc tàn phá các rạn san hô và những tác động của nó đến hệ sinh thái biển là vi phạm nghĩa vụ bảo vệ môi trường theo Điều 192 và Điều 193 của UNCLOS 1982. Trong khi đó, Giáo sư, tiến sỹ Jay Batongbaca, Giám đốc Viện Quan hệ Hàng hải và Luật Biển Philippine cho rằng các hoạt động cải tạo đảo của Trung Quốc trong vùng Biển Đông được thực hiện với tốc độ đáng báo động cùng với tác động to lớn đến môi trường biển, đang tạo ra một thách thức trực tiếp đối với việc giải quyết công bằng và khách quan các tranh chấp trên Biển Đông. 

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác