(VOV5) - Trong hơn 10 cơ chế hợp tác hiện có tại Tiểu vùng Mekong, MLC đang nổi lên với nhiều lợi thế và những kỳ vọng lớn.
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hợp tác Mekong – Lan Thương (MLC) lần thứ 7 vừa kết thúc tại Bagan, Myanmar với sự tham dự của các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam.
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hợp tác Mekong – Lan Thương (MLC) lần thứ 7 đã diễn ra tại Bagan, Myanmar. Ảnh: Báo Thế giới và Việt Nam |
Qua 7 lần tổ chức, cơ chế hợp tác MLC ngày càng chứng tỏ tính hiệu quả, hợp tác bao trùm trên mọi lĩnh vực, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế xã hội của các nước thành viên, xây dựng Cộng đồng ASEAN và thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững 2030.
Hợp tác Mekong - Lan Thương (MLC) được thành lập ngày 23/3/2016. Trong hơn 10 cơ chế hợp tác hiện có tại Tiểu vùng Mekong, MLC đang nổi lên với nhiều lợi thế và những kỳ vọng lớn. Đây là cơ chế có sự tham gia của đủ 6 quốc gia ven dòng sông Mekong - Lan Thương là Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Trung Quốc.
Đà hợp tác MLC duy trì thực chất và hiệu quả
Tiếp nối đà hợp tác của 6 lần tổ chức, MLC lần thứ 7 tại Myanmar chứng kiến những đóng góp tích cực của MLC đối với hợp tác và phát triển ở khu vực nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp. Hội nghị đã thông qua Thông cáo báo chí chung và 4 tuyên bố chung về tăng cường hợp tác nông nghiệp, phòng chống thiên tai, hải quan và tạo thuận lợi thương mại và giao lưu giữa các nền văn minh MLC.
Theo đó, hợp tác MLC trong thời gian tới sẽ chú trọng các nội dung: Phục hồi và phát triển kinh tế thông qua tăng cường kết nối, thương mại, kinh tế số, năng lực sản xuất, chuỗi cung ứng tự cường, tạo thuận lợi thương mại và thông quan; Quản lý thiên tai, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu, sử dụng bền vững tài nguyên nước; Củng cố an ninh y tế, nhất là nâng cao khả năng kiểm soát và phòng chống dịch bệnh, năng lực cho đội ngũ y tế và thúc đẩy hợp tác y học cổ truyền; Giao lưu nhân dân thông qua các hoạt động văn hoá, du lịch, truyền thông, thể thao, giáo dục và phát triển nguồn nhân lực.
Trong bối cảnh khu vực và thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, Hội nghị nhấn mạnh các nguyên tắc hợp tác đồng thuận, bình đẳng, tham vấn lẫn nhau, chia sẻ lợi ích, tôn trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế, cũng như phù hợp với các quy định và luật pháp mỗi nước. Các bộ trưởng MLC nhất trí thúc đẩy hợp tác MLC theo hướng củng cố quan hệ láng giềng hữu nghị, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế xã hội của các nước thành viên, xây dựng Cộng đồng ASEAN và thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững 2030.
Hội nghị có sự tham dự của các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam. Ảnh: Báo Thế giới và Việt Nam |
Những năm gần đây, khu vực Mekong đang chứng kiến những thay đổi to lớn. Cùng với sự phát triển kinh tế ở các quốc gia thành viên, lưu vực sông Mekong đang đứng trước những thách thức lớn về môi trường. Hàng loạt giải pháp về kinh tế, kỹ thuật đã được đề xuất. Nhiều dự án hạ tầng lớn đã được hoàn thành; hàng trăm dự án hỗ trợ kỹ thuật được triển khai. Các nước thành viên cũng thành lập các trung tâm hợp tác chuyên ngành, tổ chức các diễn đàn đối thoại chính sách thu hút sự tham gia của đông đảo bộ, ngành và địa phương các nước thành viên.
Kể từ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hợp tác Mekong-Lan Thương lần thứ 6, trong bối cảnh dịch COVID-19, hợp tác Mekong-Lan Thương vẫn ghi nhận những kết quả tích cực. Trong đó, phải kể đến việc tổ chức thành công Diễn đàn nguồn nước Mekong-Lan Thương lần thứ 2; Triển khai các nghiên cứu chung về khí tượng thủy văn và phòng chống thiên tai; Hội thảo liên minh các thành phố du lịch; Nhiều dự án sử dụng Quỹ đặc biệt Mekong-Lan Thương năm 2021 đã được ký kết và triển khai...Đáng chú ý, kim ngạch thương mại hai chiều giữa các nước Mekong và Trung Quốc năm 2021 đạt gần 400 tỷ USD, tăng 23% so với năm 2020, bất chấp những khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra.
Việt Nam luôn khẳng định sự coi trọng và đóng góp hiệu quả đối với hợp tác MLC
Ngay từ khi cơ chế MLC được thành lập, Việt Nam đã tích cực thúc đẩy việc MLC tăng cường hợp tác bảo vệ, quản lý, sử dụng hiệu quả và bền vững nguồn nước và coi đây là một trọng tâm hợp tác giữa 6 nước. Trong quá trình tham gia MLC, Việt Nam đã đề xuất nhiều sáng kiến cụ thể, như thiết lập kênh liên lạc (đường dây nóng) trong hợp tác xử lý các tình huống khẩn cấp trên sông Mekong, được các nước ủng hộ và đã đi vào triển khai thực tế.
Tại Hội nghị lần này, Việt Nam đề xuất 4 nhóm hợp tác cụ thể. Đó là tăng cường hợp tác hải quan và tạo thuận lợi thương mại nhằm giải quyết tắc nghẽn hàng hoá, bảo đảm lưu thông hàng hoá và dịch vụ; Nâng cao năng lực sản xuất và lưu trữ năng lượng sạch, ứng dụng công nghệ cao vào phát triển nông nghiệp thông minh, thích ứng khí hậu; Đẩy mạnh hợp tác quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên nước, đặc biệt là đẩy nhanh việc xây dựng Kế hoạch hành động hợp tác tài nguyên nước MLC giai đoạn 2023-2027; Tăng cường kết nối nhân dân thông qua khôi phục và mở rộng hoạt động du lịch, hợp tác giữa các chính quyền địa phương và các chương trình văn hoá, thể thao, truyền thông, trao quyền phụ nữ và thanh niên.
Duy trì đà hợp tác luôn là thách thức đối với các cơ chế đa phương, đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng của tất cả các thành viên. Chú trọng hợp tác thực chất, nhằm tạo ra những chuyển biến tích cực trong những vấn đề cốt lõi của tiểu vùng, nhất là vấn đề an ninh nguồn nước, thúc đẩy sự phát triển bền vững, cân bằng luôn là ưu tiên của Việt Nam.