(VOV5) - Diễn đàn Bộ trưởng OECD-Đông Nam Á năm 2022, thu hút hàng trăm quan khách cấp cao đại diện của 38 nền kinh tế thuộc OECD và các quốc gia Đông Nam Á tham gia.
Chiều 17/10, tại Hà Nội, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) phối hợp Bộ Ngoại giao Việt Nam và Đại sứ quán Australia tại Việt Nam tổ chức Diễn đàn Bộ trưởng OECD-Đông Nam Á năm 2022.
Diễn đàn là một trong loạt hoạt động quan trọng thuộc Chương trình Đông Nam Á (SEARP) năm 2022 của OECD diễn ra trong hai ngày 17-18/10 tại Hà Nội, thu hút hàng trăm quan khách cấp cao đại diện của 38 nền kinh tế thuộc OECD và các quốc gia Đông Nam Á tham gia.
Thượng nghị sĩ Tim Ayres, đồng Bộ trưởng phụ trách Thương mại và sản xuất Australia nhấn mạnh tầm quan trọng của Diễn đàn. Ảnh: Nguyễn Hồng/ baoquocte.vn |
Loạt sự kiện thuộc SEARP 2022 được tổ chức theo sáng kiến của Australia và Việt Nam trên cương vị đồng Chủ tịch, đánh dấu bước phát triển mới trong tiến trình hợp tác ngày càng khăng khít, hiệu quả vì thịnh vượng chung và sự phát triển bền vững giữa OECD, tổ chức với đa số thành viên là các nền kinh tế phát triển và Đông Nam Á, một khu vực kinh tế năng động có vai trò hết sức quan trọng trong bản đồ địa kinh tế của khu vực và thế giới, khu vực tâm điểm của các hiệp định thương mại tự do có quy mô lớn nhất thế giới như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định Kinh tế toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)…
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị hợp tác giữa OECD và Đông Nam Á cần bảo đảm phương châm ổn định, bền vững, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và cùng có lợi. Ảnh: Nguyễn Hồng/ baoquocte.vn |
Tiến trình hợp tác ngày càng khăng khít giữa OECD-Đông Nam Á
Nhận thức được vai trò, vị thế địa kinh tế quan trọng của Đông Nam Á cũng như mỗi quốc gia thành viên trong khu vực, từ năm 2007, OECD đã thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác với khu vực Đông Nam Á, coi khu vực này là ưu tiên chiến lược. Đến năm 2014, theo sáng kiến của Nhật Bản, “Chương trình Đông Nam Á của OECD” (SEARP) được thiết lập và trở thành một trong 6 chương trình khu vực của OECD. SEARP nhằm mục tiêu hỗ trợ tiến trình cải cách kinh tế của các nước khu vực Đông Nam Á thông qua việc chia sẻ kinh nghiệm phát triển, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và bao trùm trên 13 lĩnh vực hợp tác. Đến nay, hàng loạt thành quả hợp tác quan trọng từ chương trình này đã được hai bên ghi nhận, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Tại Chương trình SEARP 2022, hai bên tiếp tục thể hiện mong muốn và quyết tâm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa tiến trình hợp tác hiệu quả hiện nay. Theo đó, OECD và Đông Nam Á đã nhất trí thành lập mạng lưới doanh nghiệp với mục tiêu tăng cường hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp cũng như đối thoại giữa doanh nghiệp với Chính phủ các nước trong nỗ lực thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế của khu vực Đông Nam Á. Hai bên cũng nhất trí một số định hướng hợp tác quan trọng khác về thuế, năng lượng sạch, chính sách đầu tư, tài chính tiêu dùng; đồng thời thông qua kế hoạch hành động hợp tác ASEAN – OECD và kế hoạch hành động hợp tác Việt Nam – OECD giai đoạn 2022 – 2026.
Như vậy, chỉ trong năm 2022 này, OECD và Đông Nam Á đã đạt được nhiều thỏa thuận hợp tác quan trọng. Trước đó, ngày 9/2, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và OECD đã ký Biên bản ghi nhớ (MoU) bên lề Hội nghị Bộ trưởng “Chương trình Đông Nam Á của OECD” (SEARP) được tổ chức trực tuyến, dưới sự chứng kiến của các đồng Chủ tịch SEARP là Hàn Quốc và Thái Lan (nhiệm kỳ 2018-2022), Việt Nam và Australia (nhiệm kỳ 2022-2025). Biên bản ghi nhớ này cũng nhằm mục tiêu tăng cường quan hệ đối tác toàn diện, bao trùm và hướng tới tương lai giữa ASEAN và OECD, đồng thời hỗ trợ triển khai các Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN và Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN 2025.
Các đại biểu trao đổi bên lề Diễn đàn. Ảnh: Nguyễn Hồng/ baoquocte.vn |
Vị thế và dấu ấn Việt Nam
Có thể thấy rằng, tiến trình hợp tác với nhiều thành quả quan trọng giữa OECD và Đông Nam Á những năm qua có dấu ấn đậm nét cùng đóng góp quan trọng của Việt Nam.
Kể từ khi Chương trình SEARP được thiết lập (năm 2014), Việt Nam luôn là thành viên tích cực của Chương trình. Hàng năm, Việt Nam đều cử đoàn tham dự và đóng góp tại các Diễn đàn khu vực của OECD trong khuôn khổ Chương trình SEARP. Trong giai đoạn 2016-2020, Việt Nam đã phối hợp với OECD tổ chức nhiều sự kiện, hội thảo quan trọng. Năng lực và những đóng góp quan trọng của Việt Nam với Chương trình SEARP đã được ghi nhận bằng việc Việt Nam lần đầu được tín nhiệm trao giữ chức Đồng Chủ tịch Chương trình nhiệm kỳ 2022-2025 cùng Australia. Đây được coi là một dấu mốc quan trọng và đầy ý nghĩa, bởi nó là lần đầu tiên Việt Nam đảm nhiệm vị trí chủ trì một cơ chế tiêu chuẩn cao của một tổ chức mà Việt Nam không phải là thành viên (OECD).
Chia sẻ tại Diễn đàn Bộ trưởng OECD-Đông Nam Á năm 2022 hôm 17/10, Tổng thư ký OECD Mathias Cormann đánh giá cao việc Việt Nam lần đầu tiên đảm nhiệm vị trí đồng Chủ tịch SEARP nhiệm kỳ 2022-2025. Điều này khẳng định sự tin tưởng của các nước thành viên OECD và các nước trong khu vực đối với năng lực của Việt Nam trong việc gắn kết hiệu quả OECD với khu vực. Tổng thư ký OECD cũng đánh giá cao sự đóng góp tích cực của Việt Nam đối với Chương trình SEARP trên cương vị đồng Chủ tịch, đặc biệt là trong việc chủ trì tổ chức chuỗi sự kiện của OECD tại Việt Nam; khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp với Việt Nam thúc đẩy hợp tác OECD với các nước Đông Nam Á và triển khai Kế hoạch Hành động OECD-ASEAN.
Về phần mình, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh nhấn mạnh, trên cương vị Đồng Chủ tịch Chương trình SEARP giai đoạn 2022-2025, Việt Nam sẵn sàng đóng góp để thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa OECD và khu vực Đông Nam Á ngày càng toàn diện, hiệu quả, thực chất và bền vững hơn.
SEARP 2022 là minh chứng mới và rõ nét nhất cho tiến trình hợp tác ngày càng chặt chẽ, hiệu quả giữa hai tổ chức/cơ chế hợp tác kinh tế lớn của thế giới; đồng thời khẳng định vai trò, đóng góp ngày càng quan trọng của Việt Nam trong tiến trình hợp tác vì hòa bình và phát triển bền vững này.