(VOV5) - Hơn 10 năm kể từ khi tỉnh Quảng Trị kết nghĩa với hai tỉnh Savanakhet và Salavan của Lào, diện mạo đời sống nhân dân nơi đây có nhiều thay đổi.
Mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam và Lào là mối quan hệ thủy chung, trong sáng hiếm có trên thế giới, là nhân tố quan trọng trong sự phát triển của hai nước. Song song với quan hệ hợp tác toàn diện cấp nhà nước, các hình thức hợp tác và kết nghĩa giữa các địa phương của hai nước cũng không ngừng được mở rộng.
Lãnh đạo ba tỉnh Quảng Trị (Việt Nam), Savanakhet và Salavan (Lào) ký kết văn bản hợp tác trong vấn đề bảo vệ đường biên giới - Ảnh tư liệu: nguồn: dantri |
Việt Nam và Lào có chung đường biên giới quốc gia với chiều dài khoảng trên 2.300 km, đi qua 10 tỉnh biên giới của Việt Nam và tiếp giáp với 10 tỉnh biên giới của Lào. Nhiều địa phương hai nước thời gian qua đã ký kết hợp tác, kết nghĩa và hoạt động này đã trở thành hình thức phổ biến, được mở rộng trên nhiều lĩnh vực và đem lại hiệu quả ngày càng cao, góp phần thắt chặt tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước, đáp ứng những yêu cầu cụ thể, thiết thực về sản xuất, đời sống và việc làm cũng như tình cảm láng giềng của mỗi bên.
Hợp tác kết nghĩa mang lại những hiệu quả thiết thực
Từ truyền thống cho đến hiện tại, sự hợp tác và những hoạt động kết nghĩa giữa các địa phương của hai nước phát triển mạnh và rất sôi động. Các hoạt động trao đổi kinh nghiệm, giao lưu nhằm thúc đẩy phát triển hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực: kinh tế - thương mại, đầu tư, du lịch, văn hóa, khoa học - kỹ thuật, giáo dục, y tế, quốc phòng - an ninh… Hơn 10 năm kể từ khi tỉnh Quảng Trị kết nghĩa với hai tỉnh Savanakhet và Salavan của Lào, diện mạo đời sống nhân dân nơi đây có nhiều thay đổi. Anh Nguyễn Viết Sinh, người dân thị trấn Lao Bảo, Quảng Trị, cho biết: “Trong thời gian kết nghĩa vừa qua, có rất nhiều thuận lợi.Thứ nhất là phát triển kinh tế giữa hai bên. Thứ hai là vấn đề chính trị, an ninh quốc phòng giữa hai bên biên giới. Thuận lợi thứ ba là hai bên có sự tương thân, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau, xây đắp tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Về hiệu quả kinh tế, tạo điều kiện thêm công ăn việc làm cho nhân dân biên giới. Từ khi mới lên đây thì nhà tranh vách nứa, cơm không đủ ăn, đời sống thiếu thốn nhiều. Nhưng đến nay, nói chung đời sống nhân dân rất ổn định”.
Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị - Ảnh: dantri |
Không chỉ giúp nhau làm kinh tế, cải thiện đời sống, hai bên còn phối hợp rất tốt để bảo đảm an ninh vùng biên, xây dựng biên giới Việt Nam - Lào thành biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển lâu dài. Điện Biên là tỉnh có đường biên giới dài thứ 2 trên toàn tuyến biên giới Việt Nam-Lào. Nhờ có sự giao lưu, hợp tác chặt chẽ thường xuyên giữa hai bên, cụ thể là tỉnh Điện Biên với tỉnh Luông pha băng và Phong sa lỳ của Lào, nên đây là địa phương đi đầu trong cả nước về tiến độ hoàn thành công tác tăng dày, tôn tạo mốc quốc giới Việt Nam-Lào Ông Lê Thành Đô, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên, khẳng định: “Hai bên thường xuyên bàn các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, thống nhất cơ chế tiến hành trong quá trình triển khai. Mặc dù khó khăn như địa hình chia cắt, dân cư thưa thớt, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, giao thông đi lại khó khăn nhất trên toàn tuyến biên giới Việt Lào. Nhưng nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan ban ngành Điện Biên và phía bạn Lào, đặc biệt là sự ủng hộ đồng thuận của nhân dân hai bên biên giới nên công tác tăng dày tôn tạo mốc quốc giới Việt – Lào của tỉnh đã hoàn thành xuất sắc”.
Hợp tác tiếp tục là nhu cầu tự thân, là xu thế tất yếu
Hiện nay, nhân dân hai nước đang tích cực hoàn thành Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Việt Nam phấn đấu thực hiện mục tiêu đến năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Lào cũng đang tập trung khai thác các tiềm năng và thế mạnh trong nước bằng cách phát huy sức mạnh các thành phần kinh tế theo cơ chế thị trường, kết hợp với việc mở rộng quan hệ hợp tác với bên ngoài để đến năm 2020 thoát khỏi tình trạng kém phát triển, tạo tiền đề cần thiết đưa đất nước vững bước tiến lên theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Trên chặng đường tiến lên văn minh hiện đại, cùng chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu, sự hợp tác toàn diện, những hoạt động kết nghĩa giữa các địa phương không ngừng được mở rộng tiếp tục là những minh chứng cho tình đoàn kết keo sơn, gắn bó hữu nghị đặc biệt của hai nước Việt Nam - Lào. Đồng thời, đây cũng là một trong những sự thành công của công tác ngoại giao nhân dân giữa hai nước trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, là một trong những yếu tố tác động tích cực, thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước, Việt Nam - Lào lên tầm cao mới.