(VOV5) - Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) lần thứ 146 diễn ra tại thủ đô Manama của Bahrain từ 11 - 15/3.
Với chủ đề "Thúc đẩy sự chung sống hòa bình và các xã hội bao trùm: Chống lại sự bất khoan dung", IPU năm nay hướng tới việc thúc đẩy sự chung tay của cộng đồng quốc tế và các cơ quan lập pháp để cùng hành động nhằm xoa dịu những điểm nóng hiện nay trên thế giới, vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững.
Được thành lập năm 1889 với trụ sở chính đặt tại Geneva (Thụy Sĩ), IPU là một trong những tổ chức đa phương lâu đời nhất thế giới. IPU hiện có 179 nghị viện thành viên và 14 tổ chức nghị viện khu vực, với sứ mệnh thúc đẩy hòa bình, dân chủ và phát triển bền vững trên toàn thế giới.
Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) lần thứ 146 diễn ra tại thủ đô Manama của Bahrain từ 11 - 15/3. Ảnh: IPU |
Chỉ số Hòa bình Toàn cầu hiện đã ở mức thấp nhất trong 15 năm qua
Phát biểu tại Đại hội đồng IPU-146, đại diện các nước thành viên đều thừa nhận sự phức tạp và khó lường trong bối cảnh thế giới hiện nay. Thế giới vẫn đang bị ảnh hưởng bởi sự thù địch, chiến tranh và thiên tai. Các cuộc xung đột sắc tộc, tôn giáo, chiến tranh cục bộ, tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ và tài nguyên vẫn chưa được giải quyết và tình trạng xung đột vũ trang vẫn tiếp diễn tại nhiều khu vực trên thế giới. Chỉ số Hòa bình Toàn cầu hiện đã ở mức thấp nhất trong 15 năm qua.
Cùng với đó, những thách thức toàn cầu liên quan đến biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh…tiếp tục diễn biến phức tạp, làm chậm quá trình phục hồi và phát triển kinh tế, ảnh hưởng đến đời sống của người dân trên toàn thế giới.
Những thách thức như vậy đặt ra cho các nhà lãnh đạo, các chính phủ và quốc hội của các quốc gia trách nhiệm to lớn để đạt được sự công bằng, bình đẳng và gắn kết hơn về kinh tế dựa trên nền tảng của tình hữu nghị, tôn trọng lẫn nhau và cùng chung sống hòa bình.
Và mục tiêu “cùng chung sống hòa bình và các xã hội bao trùm” của IPU - 146 càng có ý nghĩa cấp thiết hơn bao giờ hết, đòi hỏi nỗ lực và sự chung tay của cộng đồng quốc tế và các cơ quan lập pháp cùng đoàn kết, hành động nhằm hiện thực hóa Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc và Chiến lược hành động của IPU vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững.
Hành động vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững
Trong số các văn kiện được trình tại Đại hội đồng IPU lần thứ 146, có Nghị quyết về Tấn công mạng và tội phạm mạng: Những rủi ro mới đối với an ninh toàn cầu; và Nghị quyết Những nỗ lực của Nghị viện trong việc đạt được tiêu cực cân bằng carbon của rừng. Đây là 2 vấn đề nổi cộm, liên quan mật thiết đến việc đảm bảo hòa bình và phát triển bền vững.
Các đại biểu tham dự Đại hội đồng. Ảnh: IPU |
Theo đó, Đại hội đồng IPU nhận định loài người đang sống trong thế giới mạng. Hàng tỉ người tương tác với nhau qua internet, kết nối sử dụng tất cả các loại thiết bị và chia sẻ dữ liệu, thông tin cá nhân, danh tính và hoạt động hằng ngày với thế giới. Khi công nghệ đã phát triển và sự phụ thuộc của con người vào công nghệ ngày càng tăng, tội phạm mạng lợi dụng điều này để tiến hành các cuộc tấn công mạng, chống lại các nhóm dễ bị tổn thương, các tổ chức, chính phủ hoặc các quốc gia.
Trong bối cảnh đó, dự thảo Nghị quyết về “Tấn công mạng và tội phạm mạng: Những rủi ro mới đối với an ninh toàn cầu” hướng tới bảo vệ mọi người khỏi một không gian mạng thù địch và nâng cao nhận thức của cộng đồng về sự cần thiết phải giải quyết tội phạm mạng bằng cách cùng hợp tác và chia sẻ. Dự thảo kêu gọi các quốc hội ban hành luật và tăng cường hợp tác quốc tế để chống lại tội phạm mạng và các cuộc tấn công mạng. Văn kiện cũng kêu gọi các quốc hội tận dụng tối đa các công cụ giám sát của mình để đảm bảo rằng các chính phủ kiểm soát được sự gia tăng nhanh chóng của tội phạm mạng đồng thời bảo vệ quyền riêng tư của người dùng unternet; kêu gọi Ban thư ký IPU giúp đỡ các nghị viện tổ chức các hội thảo, hội nghị chuyên ngành về sự phát triển của tội phạm mạng và các cuộc tấn công mạng.
Trong lĩnh vực chống biến đổi khí hậu, nhắc lại Lời kêu gọi năm 2019 của Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres rằng: “đẩy lùi nạn phá rừng” là một nghĩa vụ đối với cộng đồng quốc tế, dự thảo nghị quyết “Những nỗ lực của Nghị viện trong việc đạt được tiêu cực cân bằng carbon của rừng” khẳng định tầm quan trọng của việc giữ rừng với đời sống loài người.
Mất rừng đang tác động ngày càng nghiêm trọng đến các khía cạnh khác nhau của cuộc sống con người và các cơ hội an ninh và phát triển, và trong nhiều khía cạnh, đang làm trầm trọng thêm các cuộc khủng hoảng hiện có (làm gia tăng biến đổi khí hậu; ảnh hưởng đến đa dạng sinh học, mất nguồn gen…). Do đó, dự thảo Nghị quyết nêu rõ chống lại nạn phá rừng và tác động của nó đối với nhân loại là một cuộc đấu tranh chung, sẽ được cộng đồng quốc tế chung tay giải quyết. Trên nhận thức chung đó, dự thảo Nghị quyết cho rằng các quốc hội cần đoàn kết để đảm bảo tất cả loài người có thể sống tốt trên hành tinh này.
Dự thảo kêu gọi các Nghị viện thành viên công nhận sự cần thiết của các chính sách quốc gia và quốc tế để ứng phó với các rủi ro ổn định khí hậu do phá rừng gây ra, bao gồm hỗ trợ các nhóm dễ bị tổn thương và các khu vực dễ bị tổn thương, đồng thời đảm bảo rằng các chủ thể có liên quan được tạo điều kiện đầy đủ để đối phó hiệu quả với các mối đe dọa hiện hữu của nạn phá rừng; khuyến khích các Nghị viện thành viên đầu tư vào các chiến lược phòng ngừa....
Cùng chung sống hòa bình là mục tiêu mà con người luôn hướng tới, nhất là trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động phức tạp như hiện nay. Những nội dung được thảo luận và thông qua tại Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) lần thứ 146 là nỗ lực mới của các cơ quan lập pháp các nước vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững.