(VOV5) - húc đẩy quan hệ hợp tác chặt chẽ với hai Ủy viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc đầy quyền lực là Nga và Trung Quốc, được giới phân tích đánh giá là tính toán chiến lược của Iran.
Trước áp lực to lớn từ sự biến đổi mạnh mẽ của cục diện địa chính trị toàn cầu cũng như những thách thức nghiêm trọng về kinh tế và xã hội do đại dịch Covid-19 gây ra, quốc gia Hồi giáo Iran được cho là đang có sự điều chỉnh lớn về chiến lược đối ngoại đã duy trì khá ổn định chính từ sau cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979 là không liên minh với các cường quốc. Theo đó, Iran đang tích cực thúc đẩy các mối quan hệ “gắn kết chặt chẽ chưa từng có” với Nga và Trung Quốc, hai trong số những cường quốc giàu tiềm lực và có tầm ảnh hưởng lớn trên thế giới.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani và người đồng cấp Nga Vladimir Putin điện đàm ngày 16/7. - Nguồn: Oana
|
Thúc đẩy quan hệ hợp tác chặt chẽ với hai Ủy viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc đầy quyền lực là Nga và Trung Quốc, được giới phân tích đánh giá là tính toán chiến lược của Iran để phục vụ các mục tiêu chiến lược và lợi ích cốt lõi của mình, đứng đầu là việc vực dậy nền kinh tế quốc gia đang bị tàn phá nặng nề bởi cấm vận quốc tế và dịch bệnh.
Những thỏa thuận hợp tác tham vọng
Nhiều nguồn tin khu vực và quốc tế khẳng định, Iran đang tìm cách gia hạn một thỏa thuận hợp tác 20 năm với Nga, đồng thời cũng đang đàm phán một thỏa thuận có thời hạn lên tới 25 năm với Trung Quốc.
Về hợp tác với Nga, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javid Zarif ngày 21/7 đã đến Moscow để đàm phán về việc “làm mới” một thỏa thuận hợp tác song phương trong hai thập kỷ tới, cụ thể hơn là gia hạn thỏa thuận lịch sử về hợp tác dầu mỏ, vũ khí và hạt nhân được Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Iran Mohammed Khatami ký kết ngày 12/3/2001. Đây cũng là một trong những trọng tâm thảo luận trong cuộc điện đàm ngày 16/7 giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Iran Hassan Rouhani, bên cạnh các vấn đề đại dịch Covid-19, thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 và cuộc chiến ở Syria. Ngoại trưởng Iran khẳng định thỏa thuận đã được cả hai bên "nhất trí hoàn tất", dù nội dung chi tiết chưa được công khai.
Trước đó chỉ khoảng một tuần, một văn bản chi tiết dài 18 trang về một kế hoạch hợp tác đầy tham vọng giữa Iran và Trung Quốc cũng đã bị tiết lộ trên mạng. Dù chưa rõ nguồn, song văn bản này hoàn toàn trùng khớp với nội dung công bố trong phiên họp Quốc hội Iran ít ngày trước đó của Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif, nói rằng Chính phủ Iran đang “rất tự tin” vào các cuộc đàm phàn về kế hoạch xây dựng quan hệ đối tác 25 năm với Trung Quốc, trọng tâm là khoản đầu tư trị giá lên tới 400 tỷ USD của Trung Quốc vào nền kinh tế Iran, tập trung trên các lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng và năng lượng.
Các bước đi này được giới phân tích nhìn nhận như một phần của các nỗ lực mà Iran đang thúc đẩy để xây dựng một liên minh quốc tế chống lại các sức ép kinh tế và chính trị nặng nề từ Mỹ.
Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif và người đồng cấp Nga Sergey Lavrov (phải) trong cuộc gặp ở Moscow, Nga ngày 21/7. - Ảnh: Bộ Ngoại giao Nga
|
“Thời cơ vàng” để Iran đối phó áp lực từ Mỹ
Trong bối cảnh phải chịu nhiều sức ép lớn từ Mỹ, (thể hiện qua hàng loạt lệnh cấm vận và trừng phạt vẫn đang có hiệu lực và liên tục được bổ sung mới), việc Iran xích lại gần hơn với những cường quốc quốc vừa có tiềm lực, vừa có sức ảnh hưởng toàn cầu, lại vừa có quan điểm gần gũi trong nhiều vấn đề khu vực và quốc tế như Nga và Trung Quốc, là điều dễ lý giải. Trên thực tế, từ nhiều năm trước, dư luận quốc tế đã nhìn nhận về chiều hướng quan hệ ngày càng tốt lên giữa Iran với cả Nga và Trung Quốc và giữa ba nước với nhau. Thậm chí, cuối năm 2019, ba nước đã tiến hành cuộc tập trận hải quân chung đầu tiên tại Vịnh Oman và Ấn Độ Dương kéo dài 4 ngày. Cuộc tập trận thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận quốc tế, do diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa mỗi quốc gia trong nhóm với Mỹ đều đang gia tăng, làm dấy lên đồn đoán về khả năng hình thành liên minh quân sự mới hoặc một dạng thức hợp tác có sự gắn kết chặt chẽ giữa ba nước để đối trọng với Mỹ.
Theo giới phân tích, cục diện đối đầu căng thẳng chưa từng có giữa Mỹ và Trung Quốc trên mọi mặt trận và tình trạng quan hệ Nga-Mỹ “ở mức thấp nhất” như hiện nay, chính là “thời cơ vàng” để Iran thúc đẩy quan hệ gắn kết chặt chẽ với hai cường quốc theo hướng có lợi cho Chính phủ Iran, đó là chống lại sức ép của Mỹ, đồng thời vực dậy nền kinh tế đang kiệt quệ vì cấm vận quốc tế và ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.