(VOV5) Ngày 19/12, Phó tổng thống Iraq Tatriq al-Hashemi, quan chức cấp cao nhất của người Hồi giáo dòng Sunni trong bộ máy nhà nước, đã bị phát lệnh truy nã với những cáo buộc liên quan đến các vụ khủng bố nhằm vào quan chức chính phủ và an ninh. Động thái này đánh dấu sự leo thang đột ngột của tình trạng căng thẳng phe phái và làm dấy lên những lo ngại sẽ có một cuộc đổ máu lớn để tranh giành quyền lực tại Iraq, nhất là sau khi lực lượng an ninh Mỹ rút đi hoàn toàn.
Lệnh bắt giữ được đưa ra sau khi nhiều vệ sĩ của ông Hashemi khai báo rằng ông này có liên quan tới những vụ ám sát và tấn công nhằm vào một số quan chức an ninh và chính phủ Iraq, trong đó có vụ ám sát nhằm vào Thủ tướng Mouri al Maliki hôm 3-12 vừa qua. Một đoạn băng ghi âm lời thú tội của 3 phần tử khủng bố là thành viên trong mạng lưới an ninh của ông Hashemi cũng đã được công bố. Đáp trả lại ngay lập tức, ông Hashemi đã bác bỏ những cáo buộc trên và cho rằng những bằng chứng công bố rõ ràng mang động cơ chính trị và Thủ tướng Nouri al-Maliki chính là người đứng đằng sau những cáo buộc này.
Cho đến thời điểm này, chưa ai có thể khẳng định ông Hashemi có liên quan tới các cáo buộc trên hay không và liệu đây có phải là kịch bản chính trị được dàn dựng, nhưng xem ra lệnh bắt giữ này đã thổi bùng lên ngọn lửa xung đột phe phái vốn vẫn tiềm ẩn tại quốc gia Trung Đông này. Kể từ khi quân đội Mỹ lật đổ cựu Tổng thống Saddam Hussein, cộng đồng người Hồi giáo dòng Sunni – vốn chiếm tỷ lệ thiểu số trong dân số Iraq - thường xuyên cáo buộc cộng đồng dòng Shiite tìm cách gạt họ ra khỏi chính trường. Chia rẽ giữa những người Sunni và Shiite lại có dịp bùng phát khi mới đây khối chính trị của người Sunni (Iraqiya) đã tuyên bố tẩy chay quốc hội nhằm phản đối Thủ tướng N. Maliki chậm trễ trong giải quyết những bế tắc chính trị khi hướng tới thành lập một chính phủ chia sẻ quyền lực. Lãnh đạo Saddam Hussein trước đây của Iraq vốn là một người Sunni và nhiều người Sunni tin rằng họ đang bị người Hồi giáo Shiite, vốn đang ngày càng gia tăng ảnh huởng kể từ khi Mỹ tấn công Iraq, lấn lướt. Phe Sunni cũng tố cáo Thủ tướng Maliki đã điều hành chính phủ một cách độc đoán bởi cho đến nay một số vị trí chủ chốt trong bộ máy chính phủ Iraq vẫn để trống. Thêm vào đó, Thủ tướng Maliki lại yêu cầu quốc hội bỏ phiếu bất tín nhiệm một lãnh đạo chủ chốt của cộng đồng người Sunni là Phó thủ tướng Saleh al-Mutlaq vì thiếu trung thực khiến nhóm chính trị của người Sunni, khối Iraqiya, rất tức giận và đã đình chỉ việc tham gia quốc hội. Khối Iraqiya hiện có 82/325 ghế tại Quốc hội và chỉ kém số ghế của Liên minh Dân tộc do Thủ tướng N. Maliki đứng đầu. Cả ông Hashemi và ông Mutlaq đều là lãnh đạo của khối Iraqiya, một nhóm được phe thiểu số Sunni ủng hộ. Và lệnh bắt giữ Phó tổng thống Hashemi như một đòn giáng mạnh vào cộng đồng hồi giáo dòng Sunni, vốn đã luôn cảm thấy bị lép vế trong chính phủ đoàn kết dân tộc. Theo giới quan sát, các vụ việc này không chỉ có nguy cơ thổi bùng ngọn lửa căng thẳng phe phái tại Iraq, mà còn khiến thoả thuận chia sẻ quyền lực mong manh tại Iraq giữa cộng đồng người Shiite, người Sunni và người Kurd có thể đổ vỡ bất cứ lúc nào, đẩy đất nước đứng bên bờ vực nội chiến.
Lo ngại trước nguy cơ vụ việc sẽ kéo Iraq trở lại xung đột bè phái, các chính trị gia cấp cao của nước này đã họp với Thủ tướng Maliki và các lãnh đạo khác để kiềm chế tranh chấp. Hội đồng Thẩm phán Tối cao Iraq đã thành lập một uỷ ban để điều tra những cáo buộc trên. Tổng thống Jalal Talabani cũng lên tiếng chỉ trích quyết định vội vàng của Hội đồng Thẩm phán Tối cao Iraq. Còn lãnh đạo của người Kurd ở Iraq, ông Massoud Barzani cũng cảnh báo tình hình đang dẫn tới khủng hoảng sâu sắc, quan hệ giữa các đảng cầm quyền đang bị đe dọa và kêu gọi tiến hành các cuộc đàm phán để ngăn chặn ‘sự sụp đổ’ của chính phủ thống nhất quốc gia. Đại sứ Mỹ tại Baghdad cũng ngay lập tức liên lạc với các lãnh đạo cấp cao của Iraq. Còn từ Nhà Trắng, người phát ngôn Jay Carney nhấn mạnh Mỹ đang nỗ lực thúc giục tất cả các phe phái làm việc với nhau ‘để giải quyết các khác biệt một cách hòa bình, thông qua đối thoại, phù hợp với nền pháp trị và tiến trình chính trị dân chủ’.
Rõ ràng những lo ngại bấy lâu nay của cộng đồng quốc tế về sự căng thẳng chính trị tại Iraq sau khi Mỹ rút quân là hoàn toàn có cơ sở. Với những bất ổn hiện nay, Iraq đang đối mặt với cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng nhất kể từ khi chính phủ đoàn kết dân tộc ra đời cách đây một năm. Thỏa thuận chia sẻ quyền lực giữa phe đa số dòng Shiite và phe thiểu số dòng Sunni có thể sụp đổ bất cứ lúc nào và khơi mào cho bạo lực quay trở lại./.