(VOV5) - Năm 2019, công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục được Đảng và Nhà nước Việt Nam duy trì, đẩy mạnh, với cách làm bài bản, quyết liệt
Ủy ban Tư pháp của Quốc hội vừa họp phiên toàn thể để thẩm tra và thảo luận báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019. Theo báo cáo của Chính phủ, công tác phòng chống tham nhũng năm 2019 đến nay đạt kết quả khả quan, góp phần nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Năm 2019, công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục được Đảng và Nhà nước Việt Nam duy trì, đẩy mạnh, với cách làm bài bản, quyết liệt, đồng bộ, đi vào chiều sâu, hiệu quả hơn, được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân hoan nghênh, đồng tình, đánh giá cao. Qua đó, tiếp tục khẳng định quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Dư luận đánh giá cao kết quả phòng chống tham nhũng
Trong nhiều kết quả nổi bật của công tác phòng chống tham nhũng, đáng chú ý là kết quả từ công tác phát hiện và xử lý tham nhũng. Theo đó, cơ quan điều tra Bộ Công an đã thụ lý 420 vụ án, 876 bị can phạm tội về tham nhũng; đã kết luận điều tra đề nghị truy tố 217 vụ, 653 bị can. Tội phạm chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực: “Tham ô tài sản”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, “Nhận hối lộ”… Nhiều vụ án lớn đã được phát hiện, khởi tố, điều tra. Những kết quả trong công tác phòng chống tham nhũng năm 2019 được nhân dân cả nước đánh giá cao. Bà Phạm Thị Kim Loan, đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh, nêu rõ: Sự việc 2 cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông bị bắt và trước đó cũng đã xử lý nhiều đảng viên vi phạm và có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Là một đảng viên, cá nhân tôi rất đồng tình với việc xử lý cán bộ vi phạm như vậy. Điều này có nghĩa là cho dù cán bộ đó có về hưu hay “hạ cánh an toàn” hoặc đang đương chức thì khi vi phạm pháp luật vẫn phải bị xử lý như mọi người dân bình thường. Có như vậy thì mới có tính răn đe phải làm sao cho đúng và sống theo hiến pháp, pháp luật.
Phòng chống tham nhũng tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm
Để công tác phòng, chống tham nhũng hiệu quả hơn, năm 2020, Chính phủ tiếp tục xác định phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ trọng tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ cụ thể. Trong đó, tập trung chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, quy định của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; chế độ kiểm tra, giám sát công tác cán bộ; trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân; quy định xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, đơn vị; quy định về cho thôi, miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý; cơ chế kiểm soát quyền lực trong phòng, chống tham nhũng…
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga kết luận nội dung thảo luận phiên họp. (Nguồn: quochoi.vn) |
Về công tác phòng chống tham nhũng ở địa phương mình, ông Trần Quốc Trung, Bí thư thành ủy Cần Thơ, cho biết Cần Thơ sẽ tập trung nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, đặc biệt là chủ động nắm tình hình, tăng cường công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ cơ quan, đơn vị và địa phương: Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát cũng được thực hiện thường xuyên, xác định được trọng tâm, trọng điểm. Trong việc chúng ta kiểm tra giám sát cũng kịp thời phát hiện, uốn nắn những cái yếu kém, thiếu sót và khi phát hiện sai phạm thì chúng ta xử lý nghiêm. Từ đó chúng ta xiết chặt được kỷ luật, kỷ cương, có tác dụng răn đe, phòng ngừa tham nhũng lãng phí.
Tình hình tham nhũng ở Việt Nam “đang từng bước được kiềm chế và có chiều hướng thuyên giảm” nhưng vẫn diễn ra phức tạp. Việc đưa hàng loạt vụ việc sai phạm nghiêm trọng của cán bộ cao cấp ra ánh sáng trong thời gian qua và đề ra nhiệm vụ phòng chống tham nhũng trong năm 2020 đã tỏ rõ quyết tâm của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong phòng chống tham nhũng, lãng phí.