(VOV5)- Cuộc chiến tranh hóa học mà quân đội Hoa Kỳ tiến hành ở Việt Nam đã làm cho môi trường sinh thái Việt Nam bị hủy hoại nặng nề. Cùng với đó, khoảng 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm chất da cam/điôxin, 3 triệu người Việt Nam là nạn nhân trực tiếp, hàng trăm nghìn người đã chết, nhiều nạn nhân còn sống đang phải vật lộn với bệnh tật hiểm nghèo. Di chứng của chất da cam/điôxin vẫn còn dai dẳng hủy hoại nhiều thế hệ người Việt Nam.
|
Các em nạn nhân da cam đang được hướng dẫn học văn hóa. Ảnh: Anh Tuấn – TTXVN |
Hủy hoại môi trường, sức khỏe con người
Chất độc da cam/điôxin tàn phá môi trường, làm đảo lộn các hệ sinh thái, gây tổn thất lớn về tài nguyên gỗ, nhiều loài động, thực vật quý hiếm bị tuyệt chủng. Hệ thống rừng ngập mặn và rừng đầu nguồn của 28 con sông chính ở Việt Nam bị phá hủy nặng nề, do đó thiên tai, lũ lụt, xói mòn, hạn hán ngày càng thường xuyên hơn. Tại các căn cứ trước kia quân đội Mỹ dùng làm kho chứa, pha trộn chất độc hóa học, lượng điôxin còn tồn tại cao gấp hàng nghìn lần nồng độ cho phép, trong đó có 3 điểm nặng nhất được khảo sát có số liệu tương đối đầy đủ là sân bay Biên Hòa, sân bay Đà Nẵng và sân bay Phù Cát. Các địa điểm còn tồn lưu lượng điôxin cao này gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người. Ông Vũ Chiến Thắng, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam, cho biết: “Thực tế nghiên cứu một số mẫu đất, mẫu thực phẩm lấy ở các điểm nóng như: sân bay Đà Nẵng, Biên Hòa, Phù Cát cho thấy nguy cơ phơi nhiễm đối với những người sống ở các vùng này là còn hiện hữu. Đấy là vấn đề môi trường. Ngoài ra, điôxin còn gây bệnh tật cho con người với các dị tật bẩm sinh. Hiện nay, theo các nghiên cứu khoa học thì con, cháu của người bị phơi nhiễm sinh ra có tỷ lệ nhất định bị dị tật bẩm sinh. Hơn nữa, những người bị phơi nhiễm trước kia cũng phát những bệnh liên quan đến điôxin.”
Như đã thống kê, có khoảng 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, trong đó gần 3 triệu người là nạn nhân của chất độc da cam/điôxin. Không kể hàng trăm nghìn người đã chết, hàng vạn nạn nhân còn sống đang vật lộn với những khó khăn về đời sống, với bệnh tật, trong đó nhiều bệnh hiểm nghèo. Ông Yukio Hatoyama, cựu Thủ tướng Nhật Bản, chia sẻ: “Vào dịp tháng 10/2013, tôi đi thăm bệnh viện quốc tế Phúc Lâm ở Hà Nội. Tại đó, tôi đã gặp nhiều trẻ em bị tổn thương bởi chất da cam/điôxin đang được điều trị tại bệnh viện. Tôi cũng được biết rằng hàng chục ngàn trẻ em địa phương vẫn phải tiếp tục vật lộn bới tật nguyền do tác động của chất da cam/điôxin mà quân đội Hoa kỳ đã rải trong chiến tranh Việt Nam. Những thách thức của họ bao gồm cả các rối loạn ở tay, chân, não, năm giác quan và nhiều hơn nữa.”
Nỗ lực khắc phục hậu quả da cam/dioxin
Chính phủ Việt Nam ban hành các kế hoạch hành động quốc gia khắc phục hậu quả của chất độc da cam/dioxin qua các giai đoạn; đầu tư nhiều công trình khảo sát, nghiên cứu khoa học, tiến hành một số dự án xử lý khu vực đất nhiễm dioxin, chống lan tỏa chất độc hóa học. Việt Nam đã phối hợp với Hoa Kỳ tẩy độc tại sân bay Đà Nẵng; phối hợp với Quỹ Môi trường toàn cầu quốc tế (GEF) xử lý đất ô nhiễm ở sân bay Phù Cát và một phần ở sân bay Biên Hòa. Ông Nguyễn Thế Lực, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, cho biết: “Chúng ta xử lý ở sân bay Phù Cát bằng công nghệ chôn lấp. Chúng ta cũng dùng phương pháp ngăn, chắn và than hoạt tính để xử lý rồi gom những vùng đất bị ô nhiễm lại nhằm hạn chế lan tỏa. Những việc làm đó đã giảm bớt phần nào hậu quả của chất độc da cam/dioxin đối với môi trường. Tuy nhiên, vấn đề xử lý cơ bản cần phải nghiên cứu, áp dụng các công nghệ tiên tiến nhất. Vừa rồi, với sự hỗ trợ của Hoa Kỳ, Việt Nam tiến hành thành công tẩy độc sân bay Đà Nẵng ở giai đoạn 1 và đang tiếp tục giai đoạn hai.”
|
Nạn nhân da cam Trần Xuân Hợp ở huyện Cẩm Xuyên. Ảnh: Nguyễn Thủy - TTXVN |
Cùng với đó, Chính phủ Việt Nam đã ban hành và luôn bổ sung hoàn thiện các chế độ chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam/dioxin, gồm chính sách với người hoạt động kháng chiến bị phơi nhiễm và chính sách với các đối tượng khác bị phơi nhiễm. Chính phủ Việt Nam cũng huy động nhiều nguồn lực thực hiện các dự án hỗ trợ nạn nhân về sản xuất, y tế, giáo dục, phục hồi chức năng. Việt Nam phối hợp với nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế (gồm cả Hoa Kỳ) chăm sóc giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Ông Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội nạn nhân chất đọc da cam/dioxin Việt Nam, cho biết: “Đối với con người, đây là một vấn đề lớn, có rất đông nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Chính phủ đã có những chính sách hỗ trợ về trợ cấp hàng tháng và bảo trợ xã hội; đầu tư cho sức khỏe con người để giảm thiểu những tác hại của chất độc da cam/dioxin, đồng thời giúp họ vươn lên trong cuộc sống.”
Cùng với Chính phủ, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam góp phần quan trọng giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam/dioxin vượt qua nỗi đau thể xác và tinh thần. Ông Nguyễn Thế Lực, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, cho biết thêm: “Trong 12 năm qua kể từ khi thành lập đến nay, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã vận động quyên góp được 1.115 tỷ đồng, trong đó quốc tế hỗ trợ 90 tỷ đồng cho các nạn nhân. Chúng tôi hỗ trợ cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin bằng cả tiền và hiện vật, đáp ứng nhu cầu cấp thiết của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin như xây dựng trung tâm nuôi dưỡng, hỗ trợ làm nhà, tìm việc làm, hỗ trợ sản xuất, khám chữa bệnh, tặng quà thường xuyên cho nạn nhân.”
Nỗ lực to lớn của Chính phủ và nhân dân Việt Nam, cùng với sự hỗ trợ của quốc tế đã khắc phục đáng kể hậu quả nặng nề của chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam; đồng thời hỗ trợ các nạn nhân chất độc da cam/dioxin vươn lên trong cuộc sống.