(VOV5) - Việc bình thường hóa đã mở ra nhiều cơ hội mới để những người từng ở hai chiến tuyến có thể hiểu nhau hơn, xích lại gần nhau, từ đó giúp gắn kết quan hệ song phương.
Những ngày này, Việt Nam và Hoa Kỳ kỷ niệm 25 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Việc bình thường hóa đã mở ra nhiều cơ hội mới để những người từng ở hai chiến tuyến có thể hiểu nhau hơn, xích lại gần nhau, từ đó giúp gắn kết quan hệ song phương.
Đại sứ Mỹ Daniel Kritenbrink thắp hương tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn. Ảnh: Đại sứ quán Mỹ |
Trên con đường phát triển mối quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ, việc khắc phục hậu quả của chiến tranh là trọng trách không chỉ của Chính phủ mà còn là sự cố gắng của mỗi cá nhân từ các nhà ngoại giao, chính khách hay thậm chí chỉ là từ người dân của cả hai phía.
Những cầu nối gắn kết quan hệ song phương
Mathew Reenan là một cựu binh Mỹ trong chiến tranh ở Việt Nam. Kể từ khi quan hệ hai nước bình thường hóa năm 1995, ông luôn mong muốn trở lại Đà Nẵng, nơi ông đã từng tham chiến. Năm 2015, ước mơ của ông đã trở thành hiện thực. Khi đặt chân đến Đà Đẵng, ông đã có những trải nghiệm tuyệt vời đáng nhớ tại thành phố này và đặc biệt là tại Trung tâm chăm sóc trẻ em của Hội nạn nhân chất độc da cam Đà Nẵng: Tôi đã ở Đà Nẵng trong chiến tranh và tôi muốn quay trở lại thăm thành phố này. Nó xuất phát từ hoài niệm, từ một lý do về mặt tình cảm. Tôi có cơ hội thăm trung tâm nuôi trẻ bị ảnh hưởng chất độc da cam. Khi tiếp xúc với những người Việt Nam tôi thấy sự ân cần, không hề có sự giận dữ nào. Không có những cảm xúc như là “trời ơi, ông đã làm những điều xấu ở đây trong thời gian chiến tranh”. Thực tế ngược lại. Khi tôi lên máy bay trở về nước, nhìn qua cửa sổ và tự nhủ rằng, mình sẽ phải quay trở lại đây.
Trong suốt 4 năm qua, mỗi năm ông tới Việt Nam 2 lần, tham gia tình nguyện cho các Trung tâm chăm sóc ban ngày thuộc Hội nạn nhân chất độc da cam thành phố Đà Nẵng. Ông cho biết sẽ còn thực hiện công việc tình nguyện này chừng nào còn có thể.
Cùng mong muốn xoa dịu những nỗi đau của chiến tranh trong quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ, Nguyễn Thu Thảo, người từng có vai trò là trưởng đại diện đầu tiên của Qũy Cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam, trong suốt 15 năm qua, miệt mài đi vận động để góp phần ký thỏa thuận hợp tác trong vấn đề xử lý bom mìn lần đầu tiên vào năm 2003, “vận động” các Nghị sĩ Mỹ để có được sự thừa nhận từ phía Quốc hội và Chính phủ Hoa Kỳ về việc giải quyết vấn đề nạn nhân chất độc da cam Việt Nam vào năm 2008. Thu Thảo cho rằng những quyết định này đã đặt nền móng cho sự hợp tác lâu dài giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong xử lý hậu quả chiến tranh: Tháng 5/2007, Tổng thống Mỹ Bush đã phê chuẩn Luật về ngân sách bổ sung 3 triệu USD cho giải quyết vấn đề da cam ở Việt Nam. 3 triệu USD quá nhỏ so với vấn đề được đề cập, quá nhỏ so với hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ, nhưng ý nghĩa của nó không thể nào mà đếm được. Bởi nó không chỉ thay đổi về chất trong chính sách của Hoa Kỳ đối với Việt Nam, mà thể hiện rằng Chính phủ Mỹ đã thừa nhận trách nhiệm nhân đạo. Và từ đó đã có một dòng ngân sách riêng.
Suốt thời gian qua, Hoa Kỳ đã đóng góp hơn 105 triệu USD hỗ trợ Việt Nam nhằm dọn sạch bom mìn chưa nổ, tập huấn và cung cấp các nguồn lực cho nhóm rà phá bom mìn của Việt Nam, hỗ trợ các nạn nhân và gia đình của họ, đồng thời giúp nâng cao nhận thức về rủi ro bom mìn và vật liệu chưa nổ tại những khu vực có nguy cơ cao. Trong năm 2018, Hoa Kỳ cũng đã bàn giao hơn 100.000 m3 đất và trầm tích nhiễm Dioxin tại sân bay Đà Nẵng sau 6 năm thực hiện với kinh phí 110 triệu USD. Năm ngoái, Hoa Kỳ tiếp tục dự án xử lý ô nhiễm Dioxin tại sân bay Biên Hòa với khối lượng gấp 4 lần so với khối lượng đã xử lý tại sân bay Đà Nẵng.
Ông Timothy Rieser, Cố vấn cao cấp Ủy ban Chuẩn chi Ngân sách Thượng viện Mỹ. - Ảnh: TTXVN
|
Trong nỗ lực hợp tác hàn gắn vết thương chiến tranh, năm 2019, Đại sứ Daniel J.Kritenbrink trở thành Đại sứ Hoa Kỳ đầu tiên tại Việt Nam đến viếng Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn (tỉnh Quảng Trị), nơi an nghỉ của hơn 10.000 liệt sỹ Việt Nam. Điều này minh chứng cho sự tôn trọng sự thật trong quá khứ, cùng gác lại quá khứ và hướng tới tương lai.
Trụ cột quan trọng trong quan hệ song phương
Việt Nam và Hoa Kỳ đã cùng đi một chặng đường dài và quan trọng trong hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh. Sự hợp tác giữa hai bên trong lĩnh vực này đã giúp tạo nên những giá trị chung, trở thành cầu nối để hai nước xích lại gần nhau, và cho đến nay, sự hợp tác này vẫn là điểm sáng trong quan hệ song phương. Trong chuyến làm việc tại Việt Nam năm 2019, bà Bonnie Glick, Phó giám đốc toàn cầu Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) nhận xét rằng, hợp tác khắc phục hậu quả sau chiến tranh là một trụ cột quan trọng trong quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ
Theo ông Timothy Rieser, Cố vấn cao cấp Ủy ban Chuẩn chi Ngân sách Thượng viện Mỹ, sắp tới, Hoa Kỳ sẽ lần đầu tiên hỗ trợ khoảng 2,5 triệu USD cho dự án MIA, giúp đỡ Việt Nam tìm kiếm bộ đội mất tích trong chiến tranh. Đây được đánh giá là một trong những dự án có ý nghĩa quan trọng nhất mà Hoa Kỳ thực hiện trong chương trình giải quyết hậu quả chiến tranh với Việt Nam,
Việc Việt Nam và Hoa Kỳ cùng đồng hành trong khắc phục hậu quả chiến tranh không chỉ tạo sức mạnh hàn gắn quá khứ mà còn mở ra nhiều cơ hội hợp tác lớn hơn trong các lĩnh vực an ninh, trao đổi giáo dục, khoa học, kinh tế, thương mại..., góp phần để quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ tiếp tục phát triển.