Khát vọng chính đáng của người dân Palestin
Ánh Huyền -  
(VOV5) - Ngày 29/11, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc bỏ phiếu để nâng vị thế của Palestin từ một quan sát viên lên nhà nước quan sát viên phi thành viên tại Liên hợp quốc. Khác với lần đệ đơn xin làm thành viên đầy đủ của Liên hợp quốc hồi tháng 9/2011, cơ hội để người dân Palestin nâng cao vị thế của mình tại cơ quan gồm 193 nước thành viên lần này, được dự đoán là có nhiều khả năng thành công. Việc được Liên hợp quốc công nhận nâng cao vị thế sẽ giúp Palestin tăng thêm sức mạnh trong tiến trình tìm kiếm sự ủng hộ một nhà nước của riêng mình. Tuy nhiên, một điều chắc chắn rằng để theo đuổi mục tiêu này, người dân Palestin sẽ còn gặp phải vô vàn chông gai, thử thách.
Trong một diễn biến mới nhất, dự thảo nghị quyết công nhận tư cách nhà nước quan sát viên Palestin đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của đa số các nước thành viên. Pháp ngày 27/11 thể hiện rõ lập trường khi Ngoại trưởng Laurent Fabius thông báo trước Quốc hội ở Paris rằng nước này sẽ bỏ phiếu đồng ý nghị quyết. Bồ Đào Nha, Thụy Sĩ và mới đây nhất là Anh đồng ý bỏ phiếu thuận. Trước đó, 132 nước trong tổng số 193 các nước thành viên Liên hợp quốc đã công nhận nhà nước Palestin. Theo quy định, để được công nhận là nhà nước phi thành viên, Palestin phải nhận được sự đồng ý của 2/3 số nước thành viên Liên hợp quốc bởi vậy cơ hội giành đủ số phiếu cần thiết của Palestin là gần như chắc chắn. Điều quan trọng là tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, Mỹ không có quyền phủ quyết và quá trình bỏ phiếu tại đây không cần thông qua Hội đồng bảo an. Như vậy, đây có thể coi là một thắng lợi ngoại giao và tinh thần to lớn đối với nhân dân Palestine.
Tuy nhiên, bước tiến có ý nghĩa quan trọng của người Palestin sẽ kéo theo nhiều khó khăn. Trước hết là ngay trong nội bộ Palestin. Chính bản thân người Palestin đang chia rẽ sâu sắc. Phong trào Hồi giáo Hamas, tổ chức không công nhận quyền tồn tại của Israel, hiện đang nắm quyền kiểm soát tại dải Gaza thì luôn cho rằng ông Mahmoud Abbas đã đi chệch nguyện vọng của nhân dân Palestin khi chấp nhận đường biên giới năm 1967, mà đây chính là nguyên nhân khiến 80% đất của người Palestin nằm bên trong lãnh thổ Israel. Còn ở bên ngoài, Mỹ và Israel vẫn giữ nguyên lập trường ngăn cản tới cùng mọi nỗ lực của Palestin trên con đường tìm kiếm một nhà nước độc lập. Ngay sau khi Tổng thống Palestin Mahmoud Abbas đệ trình đơn xin nâng cấp quy chế lên Liên hợp quốc, cả Mỹ và Israel đều có những phản ứng gay gắt. Washington cho rằng điều này sẽ phá vỡ tiến trình đàm phán với Israel để chấm dứt cuộc xung đột kéo dài nhiều thập kỷ giữa hai phía. Còn Israel đã chỉ trích mạnh mẽ, thậm chí Tel Aviv còn dọa áp đặt các biện pháp kinh tế hà khắc chống lại Palestin nếu Tổng thống M. Abbas triển khai suôn sẻ kế hoạch này. Dư luận cho rằng những phản ứng này là hoàn toàn dễ hiểu. Với chính quyền Israel, công nhận nền độc lập của Palestin cũng có nghĩa là phải dỡ bỏ sự “chiếm đóng” bấy lâu nay của mình trên phần đất Palestin. Còn Washington phải sát cánh cùng đồng minh chủ chốt của mình tại Trung Đông là điều không thể bàn cãi.
Trở lại với lịch sử, hơn 60 năm qua, giải pháp hai nhà nước là sáng kiến đầu tiên của quốc tế để giải quyết cuộc tranh chấp Israel – Palestine trên lãnh thổ của người Palestine. Ngày 29/11/1947, Đại hội đồng Liên hiệp quốc đã thông qua Nghị quyết số 181 phân chia Palestine thành 2 quốc gia của người Do Thái và người Palestine. Vài tháng sau đó, công pháp quốc tế đã cho phép Israel tuyên bố thành lập nhà nước của người Do Thái và dành cho Israel tư cách 1 quốc gia, với quyền thành viên đầy đủ tại các tổ chức quốc tế, mà đứng đầu là Liên hợp quốc. Trong khi đó, người Palestine vẫn phải tìm kiếm nhà nước của mình suốt từ đó tới nay. Từ năm 1988. Tổ chức giải phóng Palestine đã đấu tranh bằng những công cụ quốc tế chính đáng và cả những phương thức của mình nhằm tìm giải pháp công bằng cho Palestine. Đó là giải pháp thành lập Nhà nước độc lập theo đường biên giới năm 1967, để làm láng giềng với Israel – nhà nước được dựng lên trên hơn 80% diện tích của lãnh thổ Palestine trong lịch sử. Trải qua hơn 20 năm kể từ Hội nghị hòa bình Madrid năm 1991, nhân dân Palestine vẫn chưa tìm thấy một nhà nước độc lập với vùng lãnh thổ riêng của mình. Tiến trình đàm phán Palestine – Israel liên tiếp thất bại do sự bất đồng lớn giữa hai bên. Israel luôn khẳng định sẵn sàng đàm phán nhưng bác bỏ các điều kiện tiên quyết. Còn Palestin tuyên bố sẽ không có đàm phán nếu Israel tiếp tục xây dựng khu định cư của người Do Thái ở bờ Đông và Tây Jerusalem, vùng lãnh thổ mà Israel chiếm đóng cùng với dải Gaza. Sự bất đồng lớn đó đã không đưa hai bên cùng ngồi vào bàn đàm phán được. Thêm vào đó, sự “bật đèn xanh” của chính quyền Washington cho các hành động của Israel cũng khiến nền hòa bình ở Trung Đông dang dở. Bởi vậy, việc Palestin chọn cách thức này để hướng tới nền độc lập cho mình cũng là điều dễ hiểu.
Đã đến lúc những người dân Palestin, sau hàng thập niên ly tán, phải chịu nhiều đau thương phải được sống như những người dân khác trên trái đất này, được tự do trên mảnh đất quê hương có chủ quyền và độc lập. Đó là khát vọng hoàn toàn chính đáng và đang được cộng đồng quốc tế hết sức ủng hộ. Nhưng con đường để đạt được mục tiêu đó sẽ còn gặp vô vàn chông gai, thử thách. Từ lời nói, cam kết tới hành động không phải là một con đường song trùng. Bởi cho dù có là thành viên đầy đủ hay chưa đầy đủ của Liên hợp quốc, Palestine vẫn phải đối mặt với thực tế giải quyết vấn đề lãnh thổ với Israel. Do đó, việc được công nhận nâng tư cách tại Liên hợp quốc sẽ giúp Palestine có thể chỉ đạt được kết quả “khiêm tốn” là tạo sự chú ý của dư luận và khởi động một quá trình chưa biết khi nào mới có thể kết thúc /.
Ánh Huyền