(VOV5) - Điều này thể hiện khát vọng đưa đất nước phát triển lên một tầm cao mới của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam.
Dự thảo báo cáo Chính trị trình Đại hội toàn quốc Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ XIII nhấn mạnh việc tạo bước chuyển biến căn bản nền kinh tế Việt Nam sang mô hình tăng trưởng trên cơ sở sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tiến bộ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo… Điều này thể hiện khát vọng đưa đất nước phát triển lên một tầm cao mới của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam.
Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Trần Du Lịch. Ảnh:plo.vn |
Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Trần Du Lịch cho rằng: Việc tạo sự chuyển biến của nền kinh tế trên cơ sở sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tiến bộ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đã được Đại hội Đảng lần thứ XI đề ra trong chiến lược phát triển kinh tế giai đoạn 2011-2020. Tại Đại hội Đảng lần thứ XII, chiến lược này được cụ thể hoá dựa trên cơ sở nắm bắt xu hướng phát triển chung của thời đại; làm rõ vai trò của khoa học công nghệ trong phát triển kinh tế, mà trong đó công nghệ số là trọng tâm nhằm tạo ra bước phát triển nhảy vọt về năng suất của nền kinh tế.
Theo Tiến sĩ Trần Du Lịch, từ tháng 6/2020, Chính phủ đã có chương trình số hóa toàn bộ nền kinh tế trong giai đoạn từ năm 2020-2030. Trong đó, mục tiêu đến năm 2025, đời sống kinh tế của Việt Nam sẽ hoạt động trên nền tảng số, và đây là trụ cột chính của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0. Để thực hiện được điều này, cần thiết phải có sự thay đổi về tư duy phát triển: Tôi ví dụ là tư duy về quản lý. Đó là làm sao tạo điều kiện để sáng tạo nhiều hơn. Quản lý của Nhà nước là giúp sáng tạo tăng lên chứ không phải là gò nó lại. Hay là giúp cho doanh nghiệp gắn cái đổi mới công nghệ với chuyển đổi số rồi tạo điều kiện để tận dụng các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới thông qua các chính sách hỗ trợ.
Ảnh minh họa: vietnamhoinhap.vn |
Để đổi mới, phát huy sự sáng tạo theo đường lối chủ trương của Đảng, Nhà nước, Việt Nam cần xây dựng hệ sinh thái nhằm huy động được nguồn lực vật chất của người dân, doanh nghiệp. Hệ sinh thái đó phải mang tính chất định lượng, minh bạch. Trên cơ sở đó sẽ tạo ra không gian để doanh nghiệp, người dân yên tâm làm việc. Hệ sinh thái tạo ra những cơ hội thể hiện, cơ hội học tập và sự bình đẳng. Bình đẳng ở đây là bình đẳng về chính sách, về tiếp cận nguồn vốn để thực hiện sự sáng tạo. Kết quả thụ hưởng sự sáng tạo đó sẽ phụ thuộc vào năng suất lao động của từng doanh nghiệp và không có sự cào bằng.
Chuyên gia tài chính Nguyễn Xuân Biểu cho rằng:Đảng lãnh đạo, tập hợp được tri thức nhân loại vào đây. Từ đường lối đang đi chuẩn mực thì Chính phủ phải thể chế cụ thể ra và tạo ra những hệ sinh thái mà mỗi thành phần kinh tế, mỗi người dân có cơ hội thể hiện mình, để sáng tạo trong hệ sinh thái đó. Khi mà tạo dựng được không gian làm việc, từ doanh nghiệp Nhà nước đến lao động nhỏ thể hiện ý tưởng của họ, mà thấy an toàn nhất về mặt pháp lý thì đất nước này sẽ phát triên thôi.
Về sự sáng tạo thì người dân và doanh nghiệp có nhiều không gian tự do hơn, cho nên việc Đại hội Đảng lần thứ XIII tiếp tục khẳng định kinh tế tư nhân là động lực phát triển kinh tế là đúng đắn. Theo ông Huỳnh Văn Minh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh, hai nguồn chủ lực quan trọng của kinh tế Việt Nam là doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), trong đó, doanh nghiệp trong nước đa số là tư nhân. Cho nên, để thúc đẩy sự phát triển của các thành phần kinh tế này thì rất cần sự đổi mới về cơ chế:Tôi nghĩ rằng là cơ chế nó phải đổi mới, phải phù hợp, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế nhỏ và vừa, đặc biệt chúng ta có siêu nhỏ nữa, rồi có kinh tế khởi nghiệp thì chúng ta nên quan tâm đến các thành phần đấy cả về tinh thần lẫn vật chất. Tức là bên cạnh sự hỗ trợ cầm tay chỉ việc thì phải đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân. Cần phải hết sức tận tâm, tận lực thì mới có được sức mạnh, tạo ra được của cải vật chất mới.
Mọi thành công hay thất bại thì con người là yếu tố quyết định. Vấn đề con người tiếp tục được nhấn mạnh trong các dự thảo của Đại hội Đảng lần thứ XIII. Người cán bộ đó hội tụ đủ “đức” và “tài”. Ông Nguyễn Hữu Châu, Uỷ viên Hội đồng tư vấn văn hoá xã hội của Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cho rằng để thực hiện hoá được khát vọng phát triển đất nước thì phải xây dựng đội ngũ cán bộ có khát vọng đổi mới, tư duy đổi mới:Với tinh thần chúng ta đưa kinh tế đi lên thì bộ máy tổ chức cán bộ thì đòi hỏi, ngoàithì đạo đức đã đành, nhưng phải trung thành với chủ nghĩa Mác Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh và xã hội chủ nghĩa. Về tài năng thì phải hiểu biết về công nghệ thông tin, về đổi mới sáng tạo. Đặt giác ngộ chính trị tư tưởng ngang với đạo đức. Một người cán bộ đòi hỏi trong tình hình hiện nay là phải xem dân là gốc, phải sát dân.
Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyên giao ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ; xây dựng và phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh của người Việt Nam, trong đó yếu tố con người sẽ quyết định sự sáng tạo, đổi mới. Đây là một trong những nhân tố quan trọng để làm nền tảng để đưa Việt Nam phát triển lên tầm cao mới trong Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0.