(VOV5) - Ngày 8/07, đàm phán về Hiệp định Đối tác đầu tư và thương mại xuyên Đại Tây Dương (TTIP) giữa Liên minh châu Âu (EU) và Hoa Kỳ chính thức khởi động tại Washington. Cuộc đàm phán diễn ra trong bối cảnh quan hệ hai bên bị sứt mẻ khi rò rỉ thông tin Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA) cài đặt thiết bị nghe lén và theo dõi tại văn phòng EU ở Brussel và Washington. Vụ việc này cùng với các rào cản trong quan hệ thương mại hai bên sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới tiến trình đàm phán.
Nội dung vòng đàm phán đầu tiên giữa Mỹ và EU là thống nhất về phạm vi và quy mô các vấn đề sẽ bước vào đàm phán.
|
Mỹ và EU hy vọng có thể gác lại mâu thuẫn để thúc đẩy tiến trình đàm phán TTIP. Ảnh: theo baotintuc.vn |
Theo thống kê, kinh tế Mỹ-EU hiện chiếm gần 50% tổng sản lượng hàng hóa và dịch vụ và 30% kim ngạch thương mại của toàn cầu. Mỹ là đối tác thương mại lớn nhất của châu Âu. Năm 2011, kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều giữa Mỹ và châu Âu mới đạt 449 tỷ euro. Chỉ 1 năm sau, con số đó đã tăng lên 646 tỷ euro. Năm 2012, dòng vốn trực tiếp nước ngoài giữa hai bờ Đại Tây Dương đạt 1.000 tỷ USD.
Chính vì vậy, có thể nói nếu đàm phán thành công, lợi ích mà TTIP mang lại cho Mỹ và EU là rất thiết thực. Mỗi năm TTIP có thể giúp tăng thêm từ 0,5-1% GDP cho cả hai bên, góp phần tạo ra hàng triệu việc làm mới. Theo tính toán, TTIP có thể mang lại cho nền kinh tế EU 119 tỷ euro mỗi năm, nhiều hơn con số 95 tỷ euro mà Mỹ có thể thu về hàng năm. Ngoài ra, nhiều ngành kinh doanh cũng được hưởng lợi từ TTIP như doanh thu của các hãng sản xuất xe hơi châu Âu tại thị trường Mỹ sẽ tăng mạnh, giảm bớt sự phụ thuộc của EU vào nguồn cung khí gas từ Nga trong tương lai. Trong khi đó, Mỹ cũng kỳ vọng TTIP sẽ thúc đẩy đà phục hồi kinh tế đang ì ạch khi tốc độ tăng GDP quý I chỉ vào khoảng 2,5% và tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 5 lại tăng lên 7,6% so với 7,5% trong tháng 4. Chính vì điều này mà Thủ tướng Anh David Cameron cho rằng TTIP giữa EU và Mỹ là một thỏa thuận thương mại song phương lớn nhất trong lịch sử. Còn Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), một thành viên chủ chốt của đoàn đàm phán EU, Jose Manuel Barroso, mong muốn tiến trình được thúc đẩy nhanh hơn.
Mặc dù cả hai bên đều hiểu được tầm quan trọng khi đạt được TTIP tuy nhiên còn rất nhiều khó khăn mà hai bên phải giải quyết. Trước hết, do các biểu thuế giữa Mỹ và EU tương đối thấp nên phần khó khăn nhất của các cuộc đàm phán sẽ là giảm bớt các quy định và các hàng rào phi chính thức khác đã ngăn cản hoạt động thương mại trong các lĩnh vực từ nông nghiệp đến hóa chất, ô tô hay tài chính. Điều này không dễ dàng khi từ lâu, chính sách thương mại của EU và Mỹ đều có xung đột trong các lĩnh vực này. Hơn nữa, trên lĩnh vực văn hóa, yếu tố được coi là rào cản lớn nhất đối với TTIP cho 2 bên trước thềm đàm phán khi Pháp khẳng định sẽ sử dụng mọi quyền lực để phủ quyết điều khoản thỏa thuận về lĩnh vực sản phẩm nghe nhìn. Trong khi đó, tự do buôn bán các sản phẩm văn hóa là một nội dung mà Mỹ yêu cầu phải đưa vào chương trình nghị sự. Cần lưu ý rằng điều kiện trên từng được Pháp đưa ra năm 1993, khiến vòng đàm phán Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT), tiền thân của WTO, suýt rơi vào ngõ cụt.
Đó là chưa kể đến việc quan hệ hai bên bị sứt mẻ khi thông tin Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA) cài đặt thiết bị nghe lén và theo dõi tại văn phòng EU ở Brussel và Washington vừa được tiết lộ. Tuy Ủy ban châu Âu cho rằng đàm phán Hiệp định với Mỹ không nên bị ảnh hưởng bởi những bê bối gián điệp xuất hiện những ngày qua và các bên cần làm rõ sự việc này để đảm bảo các cuộc đàm phán thành công nhưng sự việc vẫn sẽ là vết gợn trong quan hệ hai bên.
EU và Mỹ kỳ vọng có thế ký kết TTIP trong 18 tháng, tức là trước khi Ủy ban châu Âu hiện tại hết nhiệm kỳ vào năm 2014. Tuy nhiên xem ra lộ trình này khó thực hiện được khi giữa 2 bên còn tồn tại quá nhiều vấn đề cần phải giải quyết./.