(VOV5) - Những thành quả đạt được trong năm 2018 là động lực quan trọng để Việt Nam hướng tới mục tiêu khoa học công nghệ trở thành khâu đột phá chiến lược.
Trong phiên họp cuối tuần qua của Tiểu ban kinh tế xã hội chuẩn bị cho Đại hội toàn quốc Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ XIII, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định cùng với các đột phá chiến lược hiện nay, Việt Nam cần coi khoa học công nghệ trở thành một đột phá đưa đất nước tiến lên. Khẳng định của Thủ tướng tiếp tục thể hiện nhất quán quan điểm của Đảng, Nhà nước luôn coi phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ là động lực để phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới.
Ảnh minh họa: TTXVN |
Khoa học và công nghệ có vai trò quyết định đến sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, vừa là phương tiện, vừa là động lực, vừa là mục tiêu của sự phát triển. Những tiến bộ của khoa học - công nghệ trong thời đại ngày nay gắn chặt với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế thế giới.
Việt Nam tiếp tục thu được những thành tựu khoa học công nghệ năm 2018
Năm 2018, khoa học và công nghệ đã hỗ trợ đắc lực cho các bộ ngành, doanh nghiệp, từ đó tạo đà cho các lĩnh vực kinh tế, xã hội phát triển có những kết quả đáng mừng. Những làn sóng đổi mới về công nghệ, đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ cao như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa đã thực sự tạo ra những cuộc các mạng của nhân loại.
Bộ trưởng Bộ khoa học và công nghệ Chu Ngọc Anh đánh giá: “Đối với Việt Nam, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang đem lại cơ hội cụ thể cho phát triển kinh tế số, sản xuất và dịch vụ thông minh, các loại hình như du lịch thông minh, nông nghiệp thông minh, dịch vụ tài chính ngân hàng, thông qua đó là cải thiện nâng cao năng suất, từ đó đem lại lợi ích to lớn cho cả nhà nước, doanh nghiệp và người dân.”
Trong năm qua, Việt Nam tổ chức nhiều sự kiện quy mô quốc tế (Industry 4.0; Chương trình kết nối Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam; Diễn đàn kinh tế thế giới về ASEAN; Ngày hội khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo Quốc gia - Techfest 2018)... Lần đầu tiên Mạng lưới đổi mới sáng tạo người Việt được công bố, tiếp sau đó các kết nối được cụ thể hóa bằng nhiều dự án hợp tác tại bộ, ngành, doanh nghiệp với các tri thức người Việt.
Những ngày cuối năm 2018, Nhà máy Hanwha Aero Engines với vốn đầu tư 200 triệu USD được khánh thành tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc và xuất xưởng cấu kiện động cơ máy bay ra toàn thế giới vào tháng 1/2019. Đây là nhà máy đầu tiên sản xuất động cơ hàng không, lĩnh vực công nghệ cao tại Việt Nam, mở ra cơ hội tiếp cận lĩnh vực công nghệ mũi nhọn, giúp chuyển giao và nâng cao năng lực về công nghệ cho Việt Nam.
Trong lĩnh vực nghiên cứu, năm 2018 cũng ghi nhận thành công của các nhà khoa học Việt với những công trình ý nghĩa trong khoa học cơ bản và nghiên cứu ứng dụng. GS Đàm Thanh Sơn, Đại học Chicago (Mỹ) được giải Giải thưởng về Vật lý, vinh danh với công trình nghiên cứu về cơ học lượng tử ảnh hưởng lên hệ nhiều vật. Cũng trong năm qua, gần 1000 công trình nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam được công bố trên các tạp chí quốc tế (tăng hơn 10% so với năm 2017).
GS.Viện sĩ Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam, nhấn mạnh: “Chúng tôi tiến hành triển khai hiệu quả công tác nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ để hoàn thành tốt kế hoạch trong giai đoạn 2016-2020. Viện cũng thúc đẩy tăng số lượng công bố nhưng chú trọng tới tăng cường chất lượng các công bố quốc tế đạt chuẩn; tăng cường công tác ươm tạo công nghệ, ứng dụng KHCN vào sản xuất và đời sống, tăng cường hoạt động sở hữu trí tuệ và đẩy mạnh các hướng nghiên cứu phù hợp với cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4.”
Tiếp tục nhiệm vụ chiến lược
Những thành quả đạt được trong năm 2018 là động lực quan trọng để Việt Nam hướng tới mục tiêu khoa học công nghệ trở thành khâu đột phá chiến lược. Tại phiên họp cuối tuần qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu khẩn trương hoàn thiện đề cương Chiến lược triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021- 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 trình Hội nghị Trung ương 10 vào tháng 5/2019. Thủ tướng chỉ đạo phải bố trí cán bộ giỏi nhất, tập trung thời gian, chuyên tâm, chuyên trách để triển khai thực hiện, bảo đảm chất lượng, tiến độ các báo cáo này.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc các đề cương cần có phương pháp tiếp cận tốt; bảo đảm nguyên tắc khách quan, trung thực, sát hơn với thực tiễn, phù hợp với xu hướng thời đại; thể hiện rõ các nội dung trọng tâm gồm hoàn thiện thể chế, phát triển bền vững, khoa học công nghệ thực sự là động lực chính của tăng trưởng...
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng khẳng định Việt Nam không thể bỏ lỡ con tàu cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Và với từng bước đi cụ thể, Việt Nam đang dần hiện thực hóa mục tiêu này, để khoa học công nghệ thực sự là động lực chính của tăng trưởng.