(VOV5)- Cách đây đúng 20 năm, ngày 16 tháng 11 năm 1996, lần đầu tiên Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) quyết định tổ chức “Ngày Quốc tế về Khoan dung”. Từ đó đến nay, cứ đến dịp này, nhiều hoạt động cổ súy, thúc đẩy, vinh danh những hành động khoan dung được tổ chức tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
|
Trong thời kỳ chủ nghĩa Apartheid còn tồn tại ở Nam Phi, hai đứa trẻ vời nguồn gốc sắc tộc khác nhau ở Cape Town (Ảnh : LHQ 1982) |
Bản chất của người Việt là bao dung, độ lượng. Điều này thể hiện trong các câu tục ngữ, thành ngữ đã ăn sâu vào tâm trí của mỗi người. Trong gia đình, họ hàng, người Việt Nam có những câu: “Chị ngã em nâng”; “Lọt sàng xuống nia”; “Sảy cha còn chú, sảy mẹ bú dì”; “Em thuận, anh hòa là nhà có phúc”. Về hàng xóm, láng giềng, bạn bè, đồng đội, có những câu răn dạy: “Bán anh em xa, mua láng giềng gần”; “Anh em khinh trước, làng nước khinh sau”; “Hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau”; “Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ”; “Chín bỏ làm mười”; “Một điều nhịn chín điều lành”. Rộng hơn trong cả nước thì có những câu: “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”; “Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng”; “Lá lành đùm lá rách”; “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”; “Thương người như thể thương thân”; Đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại”.
Xưa kia, các vị tiền nhân đánh tan giặc xong còn cấp cả lương thực, ngựa xe để chúng về nước, như Nguyễn Trãi đã viết trong Bình Ngô đại cáo:
“Tướng giặc bị cầm tù như hổ đói vẫy đuôi xin cứu mạng,
Thần Vũ chẳng giết hại, thể lòng trời ta mở đường hiếu sinh;
Mã Kỳ, Phương Chính, cấp cho năm trăm chiếc thuyền, ra đến biển mà vẫn hồn bay phách lạc;
Vương Thông, Mã Anh, phát cho vài nghìn cỗ ngựa, về đến nước mà vẫn tim đập chân run”.
Ngày nay, còn biết bao tấm gương về sự khoan dung, lòng vị tha của người Việt. Trong chiến tranh tại Việt Nam, nhiều cựu chiến binh Mỹ đã phạm phải những tội lỗi ghê rợn, trong đó phải kể đến vụ thảm sát Mỹ Lai, tỉnh Quảng Ngãi. Ngày 16 tháng 3 năm 1968, 504 người trong đó đa số là phụ nữ và trẻ em, kể cả những đứa trẻ mới lọt lòng mẹ, đã bị đại đội Charlie giết hại. Các cựu chiến binh Mỹ, những người tham gia vụ thảm sát này, luôn bị dày vò bởi những tội lỗi ghê rợn đó, quyết định quay trở lại mảnh đất đau thương Mỹ Lai, cầu mong người dân Việt Nam tha thứ. Bà Phạm Thị Thuận, một trong những nhân chứng sống sót sau vụ thảm sát này, khi được hỏi: “Bà nghĩ gì trước những lời xin lỗi của những cựu chiến binh Mỹ”, đã trả lời: “Gia đình tôi có 6 người bị giết trong vụ thảm sát, mất mát đau thương này không gì bù đắp được. Nhưng chuyện qua rồi, tôi tha thứ khi họ đã biết sám hối”. Rồi vụ thảm sát ở Thạnh Phong, tỉnh Bến Tre, ngày 25 tháng 2 năm 1969, của lực lượng biệt kích SEAL do Bob Kerrey chỉ huy, đã giết hại 21 dân thường, trong đó có cả người già, phụ nữ và trẻ em. Ông Bob Kerrey, sau này là Thượng nghị sĩ, thú nhận ông luôn bị day dứt, ám ảnh bởi những ký ức đau buồn, phải sống chung với những tội lỗi mà mình gây ra. Ông xin lỗi những người dân Thạnh Phong. Gia đình những nạn nhân của Bob Kerrey cho biết: Hận thì rất hận nhưng oán thù không muốn giữ lâu. Hòa bình rồi, chẳng ai quên được quá khứ nhưng cứ khư khư ôm hận thì cũng để làm gì? Thôi cứ để lương tâm họ tự phán xét.
Mới đây thôi, hình ảnh hai bà mẹ, một người là mẹ nạn nhân, người kia là mẹ bị cáo, ôm nhau khóc tại Tòa, đã làm xúc động nhiều người. Mẹ nạn nhân cầu xin Tòa giảm hình phạt cho bị cáo, kẻ đã sát hại đứa con thân yêu của mình. Rồi những người cựu chiến binh ở một miền quê sông nước Đồng bằng sông Cửu Long góp tiền, góp sức xây cầu bê-tông giúp các em nhỏ đến trường. Một bà giáo tại Hà Nội cặm cụi, đêm ngày dạy thêm cho những đứa trẻ tật nguyền không có điều kiện đến trường. Những thầy, cô giáo trẻ xung phong lên các điểm trường ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa để mang con chữ đến với trẻ em người dân tộc thiểu số. Đây không chỉ là những nghĩa cử mà còn là bài học về lòng nhân ái, tính khoan dung của người Việt.
Đừng quên quá khứ nhưng cũng đừng sống mãi với hận thù. Sau cái chết, sự sống vẫn cứ tiếp diễn. Tình yêu thương, lòng vị tha sẽ xóa dần đi những hận thù tưởng chừng như không có gì có thể khuất lấp được. Khoan dung không có nghĩa là nhượng bộ, là hạ mình hoặc chiều theo. Khoan dung là tôn trọng, là chấp nhận và đánh giá cao sự đa dạng, phong phú của nền văn hóa thế giới. Khoan dung trên hết là thúc đẩy sự công nhận các quyền cơ bản của con người, là đề cao tính nhân văn trong mỗi con người. Và với người Việt chúng ta, khoan dung là lễ vật lớn nhất của đời người.