(VOV5) - Dù đàm phán đã đạt được tiến triển nhất định, nhưng khác biệt quan điểm cơ bản giữa các bên vẫn còn khoảng cách.
Với quyết tâm nối lại thực thi thỏa thuận hạt nhân Iran (còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) ký năm 2015 giữa Iran và 6 cường quốc), thời gian qua, các bên liên quan đã kiên trì tiến hành nhiều vòng đàm phán liên tiếp tại Vienna (Áo). Trong đó, vòng đàm phán mới nhất vừa được tổ chức là vòng đàm phán thứ 9 liên tiếp được các bên xúc tiến trong chưa đầy một năm qua. Một số tiến triển đáng kể đã được ghi nhận. Tuy nhiên, các bên cũng thẳng thắn nhìn nhận rằng trở ngại và thách thức vẫn còn nhiều.
Trung tâm nghiên cứu hạt nhân Natanz của Iran - Ảnh minh họa: AFP/TTXVN |
Trong các đánh giá mới nhất, cả Iran và các cường quốc trong nhóm P5+1 (Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga và Đức) đều cho rằng tiến trình đã đi đến giai đoạn quyết định và việc đạt tới thỏa thuận cuối cùng “đang rất gần”.
Đàm phán đã đạt tiến bộ đáng kể
Trong thông điệp trên tài khoản Twitter ngày 3/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh cho biết các cuộc đàm phán ở Vienna vẫn đang tiếp tục. Trước đó hai ngày, quan chức này khẳng định các cuộc đàm phán đã đạt được tiến bộ đáng kể. Các bên đã đạt được đồng thuận về hầu hết các vấn đề và khả năng đạt được thỏa thuận đã “trong tầm tay”.
Cùng quan điểm, Trưởng phái đoàn đàm phán hạt nhân của Nga Mikhail Ulyanov nhận định, tiến trình đàm phán khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran và dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt, sắp kết thúc. Theo quan chức này, những tồn tại chưa vượt qua là “tương đối nhỏ”. Tương tự, Trưởng phái đoàn đại diện thường trực của Trung Quốc tại Văn phòng Liên hợp quốc ở Geneva (Thụy Sỹ) Wang Qun, cũng mô tả tiến trình đàm phán đã trong giai đoạn cuối và các bên đều nhận thấy có hy vọng khôi phục thỏa thuận.
Về phía Mỹ, dù đánh giá có phần thận trọng hơn, song người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cũng cho rằng các cuộc đàm phán nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran đang ở giai đoạn quyết định. Trước đó, khi các bên chuẩn bị bước vào vòng đàm phán mới nhất, một số quan chức chính quyền Mỹ cũng nhận định việc tiến tới thỏa thuận chỉ còn “một khoảng cách ngắn”.
Thế nhưng, trên thực tế những bất đồng quan điểm mấu chốt chưa được hóa giải, chủ yếu giữa Mỹ và Iran, chặng đường phía trước vẫn cần sự đồng thuận của các bên liên quan.
Còn nhiều chông gai và cần nhiều nỗ lực
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh, có 3 vấn đề còn tồn tại trong đàm phán gồm: mức độ rút lại các lệnh trừng phạt đối với Iran; việc đảm bảo Mỹ sẽ không rút khỏi thỏa thuận một lần nữa và vấn đề thực hiện cam kết hạt nhân của Iran. Nhiều nhà phân tích có chung nhận xét rằng, đây đều là những vấn đề cốt lõi của thỏa thuận cuối cùng và chính là trở ngại lớn nhất khiến các bên chưa thể đi đến đồng thuận hoàn toàn dù 9 vòng đàm phán đã được tổ chức kể từ tháng 4/2021. Trong đó, đáng lo ngại nhất là các bên vẫn chưa tạo được lòng tin và điều này dường như đang khiến phương Tây mất kiên nhẫn.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price - Ảnh: AFP/TTXVN |
Trong một tuyên bố hôm 1/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price khẳng định, Washington và các đồng minh cũng đã chuẩn bị kế hoạch B trong trường hợp đàm phán không thành công. Đây được coi là thông điệp cảnh báo rằng sự kiên nhẫn của phương Tây là có giới hạn và Washington không có ý định theo đuổi một cách vô thời hạn các cuộc đàm phán kém hiệu quả. Trong khi đó, một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pháp cũng cho rằng các bên tham gia đàm phán cần đạt được thỏa thuận “trong vòng một tuần”. Về phần mình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh nêu rõ, Iran sẽ không chấp nhận bất kỳ thời hạn nào do phương Tây đặt ra đối với việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân.
Có thể thấy rằng, dù đàm phán đã đạt được tiến triển nhất định, nhưng khác biệt quan điểm cơ bản giữa các bên vẫn còn khoảng cách. Viết trên tài khoản Twitter ngày 3/3, Điều phối viên của Liên minh châu Âu (EU) Enrique Mora cho rằng các cuộc đàm phán khôi phục JCPOA, đang trong các giai đoạn cuối nhưng "chắc chắn chưa phải là cuối cùng". Đây là một tiến trình đàm phán phức tạp và không có gì đảm bảo cho thành công của nó. Vì vậy, các bên vẫn cần tiếp tục kiên trì để đạt được tiếng nói chung.