(VOV5)- Điều 70 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 quy định lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổ quốc và nhân dân. Đây là lần đầu tiên Việt Nam Hiến định lực lượng vũ tranh nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam. Điều này hoàn toàn phù hợp với quá trình hình thành, phát triển 69 năm qua của quân đội nhân dân Việt Nam, đồng thời khẳng định lại thực tế khách quan không có quân đội nào đứng ngoài chính trị. Nội dung này đã nhận được sự hưởng ứng của dư luận trong quá trình góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đang diễn ra.
Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập tại một khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, là tiền thân Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay.
Quân đội không phải là một lực lượng chính trị tự lập, không phải là một nhóm quyền lực. Thiếu tướng, Giáo sư Bùi Phan Kỳ, chuyên viên Viện Chiến lược quốc phòng Việt Nam, cho rằng ở bất cứ nước nào quân đội cũng luôn luôn gắn với một lực lượng chính trị nào đó: “Quân đội Việt Nam ra đời ngày 22/12/1944, trước khi có nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà gần 1 năm và trước khi có Hiến pháp 1946 là 2 năm. Đọc lại Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi yêu cầu thành lập đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (sau này là quân đội nhân dân Việt Nam) thì thấy Chỉ thị là do yêu cầu của đoàn thể, đoàn thể ở đây chính là Đảng. Quân đội nguồn gốc là ở đó, lúc bấy giờ chưa có Nhà nước. Mà đó không phải đặc điểm riêng của Việt Nam, ở bất cứ nước nào quân đội cũng phải trung thành với Đảng cầm quyền. Tổ quốc nào cũng phải có một đảng lãnh đạo.”
Ngày nay, quân đội Việt Nam được xây dựng theo hướng chính quy, hiện đại để phục vụ hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa. Quân đội đứng về phía nhân dân, bản chất của giai cấp công nhân. Thiếu tướng, Giáo sư Bùi Phan Kỳ phân tích thêm: “Việc trung thành với Tổ quốc, nhân dân và với Đảng lãnh đạo là bản chất của quân đội và là nhiệm vụ nhất thiết phải làm. Tôi tin rằng một quân đội có bản chất như thế thì không thể phi chính trị hoá. Nếu phi chính trị hoá thì sẽ trở thành đội quân nhà nghề, chỉ đâu đánh đấy, đấy là tự hạ thấp mình, trở thành đội quân robot”.
Trung tướng, Phó giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Hồi, Tổng biên tập Tạp chí Quốc phòng toàn dân, khẳng định những điều bổ sung ở điều 70 trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, chẳng qua là sự hiến định một lịch sử thực tế khách quan đã tồn tại 69 năm từ khi có đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân mà sau này là quân đội nhân dân Việt Nam. Trong suốt quá trình đó, quân đội Việt Nam luôn trung thành với Đảng, luôn bảo vệ Đảng, Tổ Quốc và nhân dân. Vì vậy điểm mới trong Điều 70 là hoàn toàn cần thiết và phù hợp với yêu cầu xây dựng cơ sở pháp lý cho hoạt động của quân đội nhân dân Việt Nam. Mặt khác nó cũng phản ánh bước tiến mới trong tư duy chiến lược của Đảng trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa: “Suốt 69 năm qua, quân đội Việt Nam luôn trung thành với Đảng, dựa trên ba cơ sở: lý tưởng chiến đấu của quân đội, công tác tư tưởng và công tác tổ chức của quân đội có tuân theo đường lối xây dựng quân đội của Đảng hay không. Thực tế 69 năm qua cho thấy mục tiêu chiến đấu của Đảng cũng là mục tiêu chiến đấu của quân đội. Đó là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân. Sự ra đời của đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân cũng nhằm mục đích giải phóng dân tộc theo con đường phong trào yêu nước do Đảng CSVN lãnh đạo. Thứ hai là công tác tư tưởng trong quân đội nhân dân Việt Nam 69 năm qua đều là nhằm truyền bá tư tưởng của Đảng vào quân đội. Về tổ chức, quân đội nhân dân Việt Nam bên cạnh hệ thống chỉ huy có thiết lập hệ thống tổ chức Đảng.”.
Một buổi huấn luyện đội ngũ của tân binh (ảnh: Hưng Hải)
Tiến sỹ Cao Đức Thái, nguyên Viện trưởng Viện nhân quyền, Học viện chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, lý giải việc ghi vào Hiến pháp nội dung quân đội trung thành với Đảng không phải là hạ thấp quân đội mà là nâng cao ý thức chính trị của quân đội đối với chế độ, đối với dân tộc và đất nước. Trong bối cảnh hiện nay, sự trung thành với Đảng, theo Tiến sỹ Cao Đức Thái, cần phải hiểu ở nhiều khía cạnh: “Khái niệm trung thành với Đảng được hiểu là phải trung thành với đường lối xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, trong đó phải trung thành với đường lối đối ngoại, không bị rơi vào cạm bẫy của các thế lực thù địch. Thứ hai là trung thành với mục tiêu độc lập, dân tộc gắn liền với Chủ nghĩa xã hôi, cụ thể là ủng hộ những nhân tố tích cực, chống lợi ích nhóm. Sự trung thành này cũng bao hàm cả chia sẻ những khó khăn của Đảng và Nhà nước trong thời điểm hiện nay.”.
Việc giữ vững sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với quân đội, xây dựng quân đội luôn vững mạnh về chính trị sẽ khiến các đảng phái chính trị phản động, các lực lượng cơ hội thực dụng, cá nhân tham vọng quyền lực không thể nắm quyền lãnh đạo quân đội và kiểm soát việc chỉ huy quân đội, hòng lôi kéo quân đội vào các hoạt động phản quốc, hại dân. Thực tế khách quan và quá trình 69 năm hình thành, phát triển quân đội nhân dân Việt Nam đã cho thấy việc Hiến định lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Đảng cộng sản Việt Nam là hoàn toàn hợp lý./.