Không thể đòi hỏi chủ quyền bằng những thứ mình không có

(VOV5) - Trung Quốc hoàn toàn không đáp ứng được bất kỳ một cơ sở nào để đòi hỏi chủ quyền đối với hai quần đảo này.

Trong chương trình trước, chúng tôi đã đề cập vấn đề chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa nhìn từ góc độ công pháp quốc tế, thực tiễn giải quyết những tranh chấp lãnh thổ trên thế giới, cũng như những bằng chứng lịch sử, pháp lý không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Rõ ràng, Trung Quốc hoàn toàn không đáp ứng được bất kỳ một cơ sở nào để đòi hỏi chủ quyền đối với hai quần đảo này. Trong chương trình hôm nay, BV Đài TNVN phân tích rõ hơn về luận điểm mà Trung Quốc đưa ra để biện minh cho quan điểm của mình dựa vào cái gọi là thuyết chủ quyền lịch sử và luận điểm này được nhìn nhận như thế nào dưới góc độ luật pháp quốc tế. 


Việc Trung Quốc luôn cố tình đơn phương cho rằng họ có chủ quyền với Tây Sa, Nam Sa (cách gọi 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam) hoàn toàn dựa vào một nguyên tắc gọi là chủ quyền lịch sử, danh nghĩa lịch sử. 
Trong khi nguyên tắc chiếm hữu thật sự, liên tục và hòa bình dưới danh nghĩa nhà nước, được coi là nguyên tắc quan trọng hàng đầu trong việc xác lập chủ quyền của một quốc gia ven biển, đã được áp dụng trong thực tiễn, thì Trung Quốc lại hoàn toàn không đưa ra được bằng chứng nào có sức thuyết phục về việc họ đã thực thi chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa một cách liên tục, hòa bình theo bề dày lịch sử.


Không có Hoàng Sa, Trường Sa trong các tư liệu cổ Trung Quốc

Không những không hiện diện trong bất cứ một tấm bản đồ cổ nào do Trung Quốc hay cả các nước phương Tây phát hành, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa còn không ghi nhận các hoạt động thực hiện chủ quyền của Trung Quốc đối với các thuyền buôn và tàu đánh cá nước ngoài trong các sách Hán văn cổ. Ngược lại, hoạt động khai thác hợp pháp của các Đội Hoàng Sa và Bắc Hải của triều Nguyễn Việt Nam được chính quyền phong kiến Trung Quốc thừa nhận. Ví dụ như trường hợp năm 1753, dân đội Hoàng Sa khi đi làm nhiệm vụ bị bão dạt vào hải phận Quỳnh Châu, thuộc nhà Thanh. Quan Tổng đốc nhà Thanh chu cấp đầy đủ rồi sai đưa về.

Không thể đòi hỏi chủ quyền bằng những thứ mình không có - ảnh 1
Bản đồ cổ thế giới thừa nhận Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam

Điều này chứng tỏ chính quyền phong kiến Trung Quốc đã không hề có phản ứng nào về những hoạt động của đội Hoàng Sa mà còn giúp đỡ những người lính Hoàng Sa trở về nước. Trong các sử liệu Trung Quốc cũng không hề có một đòi hỏi nào đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong cuốn Hải Lục của Vương Bỉnh Nam (1820-1842) viết “Vạn Lý Trường Sa (Hoàng Sa ngày nay) là dải cát dài ngoài biển, được dùng làm phên dậu che chắn mặt ngoài bờ cõi nước An Nam”. Hay trong tập Hải Ngoại ký sự viết năm 1696 của Hòa thượng Thích Đại Sán (người Trung Quốc) có nhiều đoạn miêu tả hoạt động của đội Hoàng Sa, thực thi chủ quyền của Việt Nam, khá tường tận. Và còn rất nhiều tài liệu cổ khác của Trung Quốc đều không xác định Hoàng Sa và Trường Sa thuộc lãnh thổ Trung Quốc.


Ngụy tạo các bằng chứng lịch sử để thuyết minh về chủ quyền

Thiếu những chứng cứ thuộc về tư liệu lịch sử, Trung Quốc cho rằng họ có chủ quyền lịch sử, danh nghĩa lịch sử khi ngư dân nước này đã đến các đảo Hoàng Sa, Trường Sa từ hàng ngàn năm, đã phát hiện, khai phá kinh doanh. Song, Trung Quốc lại cố tình làm ngơ một nguyên tắc tối thượng để xác lập chủ quyền của một quốc gia phải dựa trên yếu tố danh nghĩa nhà nước. Những hành vi khai thác cá nhân, không có sự chiếm hữu hay ý định khẳng định chủ quyền nhân danh chính phủ, không thể tạo thành một sự chiếm hữu thật sự, được luật pháp quốc tế công nhận.

Thêm nữa, việc tuyên bố chủ quyền lịch sử dựa trên hành vi dùng vũ lực đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa, một số điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam trong những năm 1974, 1988, đi ngược lại nguyên tắc “hòa bình” quy định trong Công ước Luật biển của Liên hợp quốc năm 1982.

Không thể đòi hỏi chủ quyền bằng những thứ mình không có - ảnh 2
Giáo sư Luật Erik Franckx thuộc Đại học Vrije, Bỉ

 Như vậy, rõ ràng cả 3 yếu tố trong nguyên tắc để xác lập chủ quyền của một quốc gia ven biển là chiếm hữu thật sự, liên tục và hòa bình dưới danh nghĩa nhà nước, Trung Quốc đều không đáp ứng được. Trung Quốc đang khai thác tính chất mơ hồ về các bằng chứng lịch sử để tự áp đặt cho cái gọi là chủ quyền của mình. Thế nhưng, chủ quyền lịch sử, danh nghĩa lịch sử không phải là những nguyên tắc của Luật pháp quốc tế sử dụng trong vấn đề giải quyết tranh chấp lãnh thổ giữa các quốc gia đối với vùng lãnh thổ có tranh chấp mà chỉ là yếu tố tham khảo để tìm ra bằng chứng pháp lý.


Thuyết chủ quyền lịch sử dưới góc độ luật pháp quốc tế

Các nhà nghiên cứu luật pháp trên thế giới đều khẳng định tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc là không dựa trên tính pháp lý. Những lập luận Trung Quốc đưa ra để bảo vệ chủ quyền chỉ là những yêu sách chứ không có các tài liệu minh chứng. Giáo sư Luật Erik Franckx thuộc Đại học Vrije, Bỉ cho rằng tấm bản đồ đường lưỡi bò, bao gồm ôm trọn cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, mà Trung Quốc chuyển lên Liên hợp quốc năm 2009, thiếu tính chính xác kỹ thuật và bởi vậy hoàn toàn không có cơ sở pháp lý. Để củng cố tuyên bố chủ quyền vô lý của mình, Trung Quốc tìm mọi cách vận dụng sai về nội dung của chủ quyền lịch sử để xâm phạm vào các quyền đương nhiên tại thềm lục địa của các quốc gia ven Biển Đông khác, ngụy biện về khái niệm quyền lịch sử để cố tình lẩn tránh nghĩa vụ điều ước của mình theo UNCLOS 1982. Do phi lý, Trung Quốc đã không thể giải thích rõ ràng về tuyên bố của mình, dẫn đến thực tế là các cơ quan chức năng và chuyên gia khắp thế giới coi là vô giá trị.

Những diễn biến hiện nay trên Biển Đông cho thấy cách hành xử ngang ngược của Trung Quốc chắc chắn không thể che mắt được dư luận tiến bộ trên thế giới và không được phép tồn tại trong xu thế hội nhập toàn cầu hôm nay./.


Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác