(VOV5) - Việt Nam có toàn quyền tiến hành các biện pháp kiên quyết và kiên trì bảo vệ chủ quyền với tinh thần hòa bình.
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các hội nghị liên quan vừa kết thúc vào cuối tuần qua tại Bangkok, Thái Lan. Bên cạnh đề cập đến một loạt vấn đề nóng ở khu vực, Biển Đông thu hút sự quan tâm đặc biệt của Hội nghị, cả trong ASEAN và các nước đối tác bên ngoài ASEAN. Trước những chia sẻ thẳng thắn, quyết liệt, trên tinh thần xây dựng của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh tại Hội nghị, nhiều nước đã đồng tình, chia sẻ, ủng hộ mạnh mẽ
Quang cảnh Hội nghị ASEAN+3. Ảnh: TTXVN |
Biển Đông vốn luôn là nội dung được trao đổi tại các hội nghị ASEAN. Và lần này cũng không là ngoại lệ, nhất là trong bối cảnh trên Biển Đông gần đây nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc cùng các tàu hộ tống ngang nhiên hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, vi phạm chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam.
Sức mạnh chính nghĩa của Việt Nam
Vi phạm của nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 là ngang ngược, bất chấp dư luận khu vực và thế giới lên án. Trước vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam đã quá rõ ràng, Việt Nam có toàn quyền tiến hành các biện pháp kiên quyết và kiên trì bảo vệ chủ quyền với tinh thần hòa bình.
Tinh thần đó cũng được Việt Nam đem đến Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN và các Hội nghị liên quan lần này tại Bangkok, Thái Lan. Tại đây, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định các vi phạm này không chỉ nghiêm trọng hơn mà các diễn biến căng thẳng này ở Biển Đông đã làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và ảnh hưởng trực tiếp tới hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hài và hàng không ở Biển Đông, vi phạm Tuyên bố chung về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và đi ngược lại cam kết duy trì môi trường thuận lợi cho đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Việt Nam đề nghị ASEAN giữ vững đoàn kết và tiếng nói chung, tái khẳng định các nguyên tắc và cam kết đối với hoà bình và ổn định, lên tiếng kêu gọi kiềm chế, không có các hành động đơn phương làm phương hại tiến trình đối thoại và hợp tác khu vực, cản trở hoạt động kinh tế hợp pháp của các nước ven biển và nỗ lực xây dựng một COC hiệu lực, thực chất.
Phát biểu thẳng thắn, chân thành, trên tinh thần xây dựng và hữu nghị của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh về vấn đề Biển Đông đã được nhận sự chia sẻ và ủng hộ của nhiều nước. Ảnh: VGP
|
Sự thẳng thắn, quyết liệt bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên tinh thần xây dựng đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của các nước trong và ngoài khu vực. Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã ra tuyên bố chung của hội nghị, trong đó lần đầu tiên có những lời lẽ mạnh mẽ kêu gọi các bên tránh làm tăng căng thẳng ở Biển Đông bằng việc cải tạo thực địa hay các sự cố nghiêm trọng. Các hoạt động tôn tạo bồi đắp, đặc biệt là những sự cố nghiêm trọng đang diễn ra trên Biển Đông, đã làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và gây phương hại tới hoà bình, an ninh và ổn định khu vực. ASEAN tái khẳng định tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Luật biển 1982, kêu gọi các bên kiềm chế, không quân sự hoá và tránh có các hành động làm phức tạp tình hình; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Luật biển 1982. Các nước ASEAN cam kết duy trì tiếp tục nỗ lực thực hiện đầy đủ, hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).
Không chỉ ASEAN mà các nước ngoài ASEAN như Mỹ, Australia, Nhật cũng ra tuyên bố lên án sự can thiệp của Trung Quốc vào vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, trong đó nhấn mạnh sự hung hăng gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông là một minh chứng đáng lo ngại về việc một quốc gia ngang nhiên coi thường luật pháp và ngoại giao quốc tế. Trong tuyên bố, Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ quan ngại sâu sắc trước thông tin Trung Quốc can thiệp vào các hoạt động khai thác dầu và khí đốt của Việt Nam ở Biển Đông, cho rằng hành động của Trung Quốc đe dọa an ninh năng lượng trong khu vực.
Luật pháp quốc tế phải được tôn trọng và đặt lên hàng đầu
Có thể khẳng định, thế giới tiến bộ ngày nay không chấp nhận những hành vi phi pháp, cường quyền. Sự chính nghĩa đang tạo sức mạnh cho Việt Nam trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo. Và có thể thấy rõ rằng, khi cộng đồng quốc tế thấy được sự chính nghĩa của Việt Nam, thấy được tinh thần hòa bình và chủ trương nhất quán tôn trọng luật pháp quốc tế của Việt Nam, thì công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc trên Biển Đông của Việt Nam có thêm thuận lợi.
Sự đoàn kết và đồng lòng của ASEAN trong việc xử lý vấn đề căng thẳng trên Biển Đông được xây đắp trên nền tảng chuẩn mực luật pháp quốc tế cũng như trách nhiệm đối với hòa bình, ổn định và an ninh khu vực cũng như thế giới. Đó là những tranh chấp trên Biển Đông phải được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực, bảo vệ quyền tự do hàng hải và hàng không trong khu vực, tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Quan điểm thống nhất trên của ASEAN cũng là lập trường chung trên thế giới hiện nay cũng như tuyệt đại các cường quốc toàn cầu khi ngồi lại bàn thảo và xử lý những căng thẳng ở Biển Đông.