(VOV5) - Việc các hoạt động kinh tế-xã hội ở Nagorny-Karabakh tê liệt đang làm gia tăng nguy cơ khủng hoảng nhân đạo.
Cuộc khủng hoảng ở Nagorny-Karabakh, vùng đất thuộc chủ quyền Azerbaijan nhưng là nơi tranh chấp trong hơn 3 thập kỷ qua với Armenia, đang rơi vào bế tắc. Các nỗ lực tìm kiếm giải pháp chính trị thất bại, trong khi gần như toàn bộ người dân vùng này đang chạy sang Armenia.
Binh sĩ Azerbaijan tuần tra tại trạm kiểm soát ở thị trấn Shusha, sau cuộc xung đột với binh sĩ Armenia tại khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh - Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN |
Là vùng lãnh thổ được cộng đồng quốc tế công nhận thuộc chủ quyền của Azerbaijan nhưng lại nơi là người dân gốc Armenia chiếm đa số, từ hơn 3 thập kỷ qua Nagorny-Karabakh luôn là một điểm nóng ở vùng Nam Caucasus. Sau cuộc xung đột chớp nhoáng tháng 9 vừa qua, vùng đất này lại rơi vào một vòng xoáy bất ổn mới.
Nguy cơ khủng hoảng nhân đạo
Đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, sau các biến động địa chính trị tại châu Âu nói chung và vùng Caucasus nói riêng, lực lượng ly khai thân Armenia ở Nagorny-Karabakh tuyên bố tách vùng này ra khỏi Azerbaijan. Hành động này dẫn đến việc Azerbaijan và Armenia thường xuyên trong tình trạng xung đột, với đỉnh điểm là cuộc chiến năm 2020. Tháng 9 vừa qua, quân đội Azerbaijan tiến hành chiến dịch tấn công chớp nhoáng và giành lại quyền kiểm soát Nagorny-Karabakh sau 1 ngày giao tranh (19/9).
Cuộc xung đột này đang tạo ra các biến động lớn tại khu vực. Trong thông báo đưa ra đầu tuần này (2/10), chính quyền Armenia cho biết hơn 100 ngàn người, chiếm 80% dân số Nagorny-Karabakh (120 ngàn), đã rời bỏ vùng lãnh thổ này và chạy sang Armenia kể từ sau khi chính quyền ly khai ở đây đầu hàng quân đội Azerbaijan (20/9). Lo ngại tình hình hỗn loạn tại Nagorny- Karabakh, Liên hiệp quốc hôm 3/10 đã cử một phái bộ đến đây để thị sát. Đây là lần đầu tiên trong hơn 3 thập kỷ Liên hiệp quốc mới hiện diện tại khu vực tranh chấp này.
Theo những đánh giá ban đầu được phái bộ Liên hiệp quốc công bố đầu tuần này, thành phố Stepanakert, thủ phủ của vùng Nagorny-Karabakh, cũng như một số đô thị khác, không bị tàn phá nhiều bởi xung đột chớp nhoáng hôm 19/9 nhưng gần như đã trở thành “vùng đất chết” vì người dân tại đây, đa số là người gốc Armenia, đã bỏ đi do lo ngại các mâu thuẫn an ninh và sắc tộc. Ông Marco Succi, lãnh đạo Ủy ban Chữ Thập đỏ quốc tế (ICRC) cho biết, mọi hoạt động tại Nagorny-Karabakh gần như đã tê liệt: "Từ ngày chúng tôi đặt chân đến đây, thành phố hoàn toàn hoang vắng. Các bệnh viện không hoạt động, các nhân viên hành chính và y tế đã rời đi, cơ quan quản lý nước cũng đã rời đi. Ngay cả người chủ nhà xác mà chúng tôi làm việc cùng, cũng đã rời đi. Thành thực mà nói, khung cảnh này như không có thực”.
Việc các hoạt động kinh tế-xã hội ở Nagorny-Karabakh tê liệt đang làm gia tăng nguy cơ khủng hoảng nhân đạo. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo, hiện tại nhiều người dân Nagorny-Karabakh còn ở lại đang rơi vào tình trạng y tế hiểm nghèo, khi thiếu các loại thuốc điều trị các bệnh kinh niên, như: tiểu đường, tim mạch hay ung thư. Ngoài ra, việc chất lượng nguồn nước không được kiểm soát cũng có thể sớm gây ra dịch bệnh.
Tình hình căng thẳng đang lan sang Armenia. Vì sự gần gũi sắc tộc, hiện Armenia là điểm đến gần như duy nhất của những người tháo chạy khỏi Nagorny-Karabakh. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng việc xử lý dòng người lên tới hơn 100 ngàn này là một gánh nặng kinh tế quá sức đối với chính phủ Armenia, quốc gia có dân số chỉ gần 2,8 triệu người. Ngay trước mắt, WHO kêu gọi cộng đồng quốc tế nhanh chóng trợ giúp Armenia bởi hệ thống y tế nước này cần được bổ sung khẩn cấp 2000 y tá và 2.200 bác sỹ mới có đủ khả năng ứng phó với dòng người tị nạn đang chịu nhiều thương tích từ Nagorny-Karabakh.
Đàm phán bế tắc
Trong bối cảnh khủng hoảng nhân đạo đang trở nên nghiêm trọng, các nỗ lực tìm giải pháp chính trị nhằm ổn định tình hình tại Nagorny-Karabakh cũng đang rơi vào bế tắc. Tổng thống Azerbaijan, Ilham Aliyev, hôm 4/10 bất ngờ tuyên bố hủy bỏ cuộc đàm phán với Thủ tướng Armenia, Nikol Pashinyan tại Granada (Tây Ban Nha), bên lề Hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng chính trị châu Âu. Đây là cuộc gặp 5 bên, do Hội đồng châu Âu (EU) và hai nước Đức, Pháp đứng ra làm trung gian tổ chức, nhằm mục đích tìm kiếm giải pháp hòa bình lâu dài cho Nagorny-Karabakh.
Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev - Nguồn: azernews.az |
Theo giới quan sát, một trong những nguyên nhân khiến Azerbaijan hủy bỏ cuộc gặp này là do nước này yêu cầu có sự tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh thân thiết của Azerbaijan, vào cuộc đàm phán tại Granada nhưng bị phía châu Âu từ chối. Olesya Vartanyan, chuyên gia phân tích vùng Nam Caucasus thuộc Tổ chức nghiên cứu khủng hoảng quốc tế, nhận định việc các bên bất đồng ngay từ cách thức tiến hành đối thoại là dấu hiệu cho thấy nguy cơ gia tăng xung đột tại Nagorny-Karabakh.
Nhằm gỡ thế bế tắc, trong ngày 4/10, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Azerbaijan, Ilham Aliyev. Theo người đứng đầu chính phủ Đức, các bên liên quan đến khủng hoảng Nagorny-Karabakh cần phải làm tất cả để nối lại đối thoại giữa Azerbaijan và Armenia, cần ngăn chặn đối đầu quân sự, đồng thời cũng phải thúc đẩy tiến trình hòa bình đang vô cùng cần thiết giữa hai quốc gia.
Ngoài Hội đồng châu Âu và các nước Pháp, Đức, một số quốc gia khác cũng đã lên tiếng muốn thúc đẩy việc tìm kiếm giải pháp chính trị cho Nagorny-Karabakh. Chính quyền Iran đề xuất cơ chế đối thoại 3+3, bao gồm 3 quốc gia ở Nam Caucasus là Armenia, Azerbaijan, Gruzia cùng 3 quốc gia láng giềng là Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Nga.
Theo giới quan sát, cơ chế này đảm bảo được yếu tố cân bằng lợi ích của các nước trong khu vực nhưng cũng gặp phải một số hạn chế khi không có sự tham gia của các cường quốc bên ngoài, như EU hay Mỹ. Yếu tố này có thể khiến cho khủng hoảng tại Nagorny-Karabakh kéo dài, bởi khu vực Nam Caucasus đang ngày càng trở thành địa bàn tranh giành ảnh hưởng quan trọng giữa các cường quốc.