(VOV5) - Nhân dân là cội nguồn sức mạnh, chủ thể quyết định vận mệnh của dân tộc và non sông đất nước.
Kiên định mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là tinh thần được Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam quán triệt trong Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 30-5-2019, nhằm chuẩn bị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Kiên định những vấn đề có tính nguyên tắc trong cương lĩnh, đường lối, chủ trương của Đảng chính là cách mà những người cộng sản Việt Nam chứng tỏ bản lĩnh trước những công kích, xuyên tạc của các thế lực thù địch chống phá mục tiêu, lý tưởng, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam.
Từ xưa đến nay, cứ nhằm lúc đất nước chuẩn bị có những sự kiện trọng đại, các thế lực thù địch lại đẩy mạnh các hoạt động công kích, chống phá cách mạng Việt Nam.
Mục đích của những luận điệu này là muốn xóa bỏ chủ nghĩa xã hội, thay đổi thể chế chính trị, làm cho quần chúng nhân dân hoài nghi, dao động, suy giảm niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng và nhân dân đã lựa chọn.
Kiên định theo con đường tất yếu của cách mạng Việt Nam-Ảnh minh họa/ĐCS Việt Nam |
Sự lựa chọn của dân tộc Việt Nam
Lịch sử đã chứng minh rằng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là sự lựa chọn đúng đắn và duy nhất của dân tộc Việt Nam. Còn nhớ trong nửa cuối thế kỷ XIX và ngót nửa đầu thế kỷ XX, khi cách mạng Việt Nam lâm vào khủng hoảng về con đường giải phóng dân tộc, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đưa lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin, ánh sáng của Cách mạng Tháng Mười, cách mạng vô sản về Việt Nam. Rồi khi có Đảng cộng sản, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, đưa đất nước đến độc lập, thống nhất, tiến lên chủ nghĩa xã hội, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Điều đó cho thấy con đường cách mạng vô sản tiến bộ là phù hợp với hoàn cảnh lịch sử cụ thể và chủ nghĩa xã hội là sự lựa chọn của lịch sử dân tộc Việt Nam.
Thực tế cũng cho thấy độc lập dân tộc là gắn liên với chủ nghĩa xã hội là sự lựa chọn đúng đắn của nhân dân Việt Nam. Nhân dân là cội nguồn sức mạnh, chủ thể quyết định vận mệnh của dân tộc và non sông đất nước. Đảng Cộng sản Việt Nam một lòng phụng sự nhân dân, phụng sự Tổ quốc. Ngoài lợi ích của dân tộc, nhân dân, Đảng không có lợi ích nào khác. Do đó, nhân dân đã một lòng theo Đảng. Lý tưởng của Đảng là sự lựa chọn của nhân dân. Kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là sự kiên định con đường thực tiễn mà nhân dân đang đi, kiên định mục tiêu thực hiện mà nhân dân đang hướng tới, là tiếp nối thành quả cách mạng của nhân dân và nâng lên tầm cao mới phù hợp với điều kiện lịch sử.
Đảng kiên định con đường mà nhân dân đã chọn
Chủ nghĩa xã hội là một trình độ mới trong sự phát triển của nhân loại. Nó không phải là con đường có sẵn mà đòi hỏi Đảng cộng sản Việt Nam, trên cơ sở những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, không ngừng sáng tạo, bám sát thực tiễn của đất nước và thời đại để xây dựng chủ nghĩa xã hội, đồng thời không ngừng hoàn thiện lý luận về chủ nghĩa xã hội. Những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử trong hơn 30 năm đổi mới mà nhân dân Việt Nam đạt được, thực sự là một minh chứng rõ ràng về việc Đảng cộng sản Việt Nam bám sát thực tiễn đất nước, vận hành nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hiện đại và hội nhập quốc tế, nhằm mục tiêu dân giàu, nước mạnh. Đây thực sự là bước phát triển mới về tư duy lý luận, một sự vận dụng độc lập, sáng tạo chủ nghĩa xã hội vào thực tiễn đất nước của Đảng cộng sản Việt Nam.
Trong suốt tiến trình cách mạng Việt Nam, Đảng cộng sản Việt Nam đã lựa chọn con đường nhân dân đã chọn là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Con đường tất yếu này được Đảng cộng sản Việt Nam tiếp tục khẳng định trong Văn kiện Đại hội XII của Đảng là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử.
Đảng xác định tiếp tục kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, theo phương châm “lấy lợi ích quốc gia - dân tộc làm mục tiêu cao nhất”. Đảng cũng xác định ngày càng rõ hơn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội thông qua việc xác định lộ trình công nghiệp hóa và mô hình phát triển kinh tế nhằm hướng tới mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, gắn kết chặt chẽ giữa chính sách kinh tế với chính sách xã hội, giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.
Điều này khẳng định nhận thức cũng như quyết tâm chính trị, hành động thực tiễn nhằm thực hiện mục tiêu tổng quát của chủ nghĩa xã hội là “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” mà Đảng và nhân dân Việt Nam đang từng bước xây dựng.