(VOV5) - Đặc biệt, trong lĩnh vực năng lượng, cuộc khủng hoảng đã khiến giá dầu thô trên thị trường thế giới lên mức cao nhất trong một thập niên qua là gần 140 USD/thùng (ngày 7/3).
Trong bối cảnh đà phục hồi từ tác động của đại dịch Covid-19 còn chưa rõ ràng và chắc chắn, kinh tế toàn cầu lại đang đối mặt thêm thách thức lớn từ cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine, hai quốc gia có vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế. Bởi vậy, dù khó xảy ra nguy cơ suy thoái, kinh tế thế giới vẫn được dự báo gặp nhiều khó khăn nghiêm trọng từ cuộc khủng hoảng chưa xác định hồi kết này.
Nhiều báo cáó tà chính quốc tế có chung nhận định rằng, chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine và các lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đặt với Nga khó có thể dẫn đến một cuộc suy thoái toàn cầu, khi mà quy mô kinh tế của Nga và Ukraine cộng lại chỉ chưa đến 2% tổng sản phẩm quốc nội của thế giới. Tuy nhiên, do vai trò quan trọng của hai nước này trong chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng và lương thực, những tác động của cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine được đánh giá là nghiêm trọng, đã và đang làm xáo trộn hiện trạng kinh tế toàn cầu.
Một kho khí đốt ngầm của Nga ở Kasimov. Ảnh: AP |
Những tác động nghiêm trọng
Theo các chuyên gia và tổ chức tài chính quốc tế, tác động thực sự của việc Nga bị phong tỏa trên mọi thị trường, từ hàng hóa đến tài chính, nằm ở vai trò của nền kinh tế này trong chuỗi giá trị toàn cầu, bởi đây là nhà cung cấp ⅙ tổng lượng hàng hóa toàn cầu. Cụ thể, Nga sản xuất 10% lượng dầu thô toàn cầu và cung cấp 40% lượng khí đốt cho châu Âu. Nga cũng là nhà xuất khẩu phân bón, nhà sản xuất nickel và palladium hàng đầu, nước xuất khẩu thép và than đá lớn thứ ba và nước xuất khẩu gỗ lớn thứ năm thế giới. Trong khi đó, Ukraine chiếm 29% lượng xuất khẩu lúa mì toàn cầu và 19% lượng ngô xuất khẩu.
Trong đánh giá mới nhất, Ủy ban châu Âu (EC) cho rằng việc Nga triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine khiến mức dự báo tăng trưởng 4% cho khu vực này trở nên không chắc chắn. Trong khi đó, nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Philip Lane, nhận định xung đột Nga-Ukraine có thể làm GDP của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) giảm khoảng 0,3-0,4 điểm phần trăm trong 2022. Bên kia bờ Đại Tây Dương, giá lúa mỳ giao dịch tại Chicago (Mỹ) đã tăng gần 3% trong phiên ngày 2/3, lên mức cao nhất kể từ năm 2008, trong khi giá ngô leo lên mức cao nhất kể từ tháng 5/2021.
Đặc biệt, trong lĩnh vực năng lượng, cuộc khủng hoảng đã khiến giá dầu thô trên thị trường thế giới lên mức cao nhất trong một thập niên qua là gần 140 USD/thùng (ngày 7/3). Giá nhiên liệu tăng cao khiến hầu hết các mặt hàng đồng loạt tăng giá theo, đẩy cao mức lạm phát tại nhiều khu vực trên thế giới. Các chuyên gia phân tích tại Capital Economics nhận định lạm phát tại Eurozone sẽ chạm mức 6% trong những tháng tới, trước khi giảm xuống khoảng 4% vào cuối năm, vượt xa mục tiêu lạm phát mà ECB đặt ra là 2%.
Với khu vực châu Á, ông Tom Rafferty, Giám đốc khu vực của Cơ quan phân tích kinh tế Economist Intelligence Unit cảnh báo: “Hậu quả trước mắt của cuộc xung đột giữa Moscow và Kiev là biến động kinh tế, làm đảo lộn triển vọng tăng trưởng của châu Á”. Tuy nhiên, không chỉ có châu Âu và châu Á chịu tác động từ cuộc khủng hoảng này. Giám đốc bộ phận kinh tế và tiền tệ tại Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS), được coi là ngân hàng trung ương của các ngân hàng trung ương, ông Claudio Borio nêu rõ "căng thẳng Nga-Ukraine leo thang đã làm gia tăng mạnh những bất ổn kinh tế” và diễn tiến của nó sẽ trở thành nhân tố chi phối, ảnh hưởng đến tất cả các thị trường. Còn Adam Slater, nhà kinh tế hàng đầu tại Oxford Economics, dự đoán GDP toàn cầu sẽ giảm 0,2% trong năm nay.
Sớm chấm dứt xung đột để khôi phục đà phục hồi kinh tế
Có thể thấy rằng, cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine và những vấn đề liên quan đang tác động tiêu cực tới kinh tế toàn cầu và gần như không có bất kỳ nền kinh tế nào tránh được hệ lụy của nó. Các nhà kinh tế quốc tế có chung quan điểm rằng, còn quá sớm để đưa ra dự báo chi tiết và cụ thể về những thiệt hại mà kinh tế thế giới phải hứng chịu. Tuy nhiên, thực tế chắc chắn có thể khẳng định được là khủng hoảng càng kéo dài thì hệ lụy và tác động của nó càng sâu sắc và trở nên khó lường hơn.
Trong đó, vấn đề khó khăn nguồn cung hàng hóa thiết yếu, đứng đầu là năng lượng và lương thực, có nguy cơ nhấn chìm những thành tựu kinh tế khả quan nhưng còn mong manh mà các nền kinh tế đã đạt được thời gian qua. Thậm chí, một số phân tích còn lo ngại nguy cơ xảy ra khủng hoảng lương thực và kéo theo đó là khủng hoảng nhân đạo tại một số khu vực trên thế giới, nếu cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine tiếp tục leo thang và kéo dài.
Dư luận quốc tế mong muốn các bên liên quan thấy rõ mức độ nghiêm trọng của vấn đề, tích cực hành động vì lợi ích của chính nền kinh tế và người dân nước mình, cũng như vì sự ổn định của cục diện khu vực và toàn cầu.