Kinh tế toàn cầu tăng trưởng không như kỳ vọng

(VOV5) - Tại khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), lạm phát tháng 9 thậm chí đã rơi xuống mức 1,8%, tức thấp hơn cả mức mục tiêu 2% mà Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đặt ra.

Trong báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu mới nhất, công bố hôm 22/10, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhấn mạnh thế giới đang chiến thắng cuộc chiến chống lạm phát nhưng đối mặt với triển vọng tăng trưởng kinh tế ảm đạm và phải thận trọng trước các rủi ro gia tăng về bất ổn địa chính trị.

Báo cáo của IMF được công bố trong khuôn khổ cuộc họp mùa Thu của Quỹ này và nhóm Ngân hàng thế giới (WB), diễn ra từ 21-26/10, tại thủ đô Washington, Mỹ. Đây sự kiện thường niên quy tụ những chuyên gia kinh tế-tài chính hàng đầu thế giới để thảo luận về các vấn đề lớn của kinh tế toàn cầu.

Cuộc chiến chống lạm phát hạ nhiệt

Trong bài phát biểu mở đầu tuần họp của IMF và WB, Giám đốc điều hành IMF, bà Kristalina Georgieva nêu rõ một trong những điểm sáng đáng khích lệ nhất đối với kinh tế toàn cầu là cuộc chiến chống lạm phát tại nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới đạt kết quả tích cực. Theo các số liệu của IMF, tại Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, tỷ lệ lạm phát tháng 9 được ghi nhận ở mức 2,4%, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2021. Tại khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), lạm phát tháng 9 thậm chí đã rơi xuống mức 1,8%, tức thấp hơn cả mức mục tiêu 2% mà Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đặt ra. Tương tự, tại Anh, tỷ lệ lạm phát tháng 9 cũng giảm xuống 1,7% so với tháng trước đó. Chuyên gia kinh tế trưởng của IMF, ông Pierre-Olivier Gourinchas, nhận định: “Cuộc chiến chống lạm phát coi như đã chiến thắng. Sau khi đạt đỉnh ở mức 9,4% vào quý III năm 2022, hiện nay chúng ta đang tiến tới mức lạm phát toàn phần ở mức 3,5% vào cuối năm sau. Tại hầu hết các quốc gia, lạm phát hiện nay xoay quanh mức mục tiêu của các ngân hàng trung ương. Lạm phát hiện đang hạ nhiệt trong khi kinh tế toàn cầu vẫn giữ được sự vững vàng”.

Tuy nhiên, điểm sáng trong cuộc chiến chống lạm phát không đi cùng với triển vọng tăng trưởng kinh tế. Trong báo cáo, IMF giữ nguyên  dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay ở mức 3,2% như đã dự báo vào tháng 7 vừa qua, nhưng hạ dự báo tăng trưởng năm sau xuống 3,2%, thấp hơn 0,1 điểm phần trăm so với dự báo trước đó, chủ yếu do sự yếu kém của các nền kinh tế khu vực Eurozone (chỉ tăng 0,8% năm nay và 1,2% năm sau) cũng như sự không chắc chắn của nền kinh tế Trung Quốc. Tăng trưởng trung hạn dự kiến giảm xuống mức trung bình 3,1% trong 5 năm, thấp hơn nhiều so với xu hướng trước đại dịch Covid-19. Giám đốc điều hành IMF, bà Kristalina Georgieva, cho biết: “Tăng trưởng trong trung hạn được dự báo ảm đạm, không quá thấp so với trước đại dịch nhưng cũng không đủ tốt. Tăng trưởng này không đủ để thế giới loại bỏ nghèo đói, không đủ để tạo ra số việc làm cần thiết, không đủ đem lại nguồn thu thuế mà các chính phủ cần có để trả các khoản nợ lớn trong khi vẫn cần phải chi cho đầu tư rất lớn, bao gồm cả việc chuyển đổi xanh”.

Rủi ro về địa chính trị và đứt gãy thương mại

Đề cập đến những rủi ro đối với triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu, các chuyên gia kinh tế của IMF nêu khả năng giá dầu và các mặt hàng khác tăng đột biến nếu xung đột ở Trung Đông và Ukraine lan rộng. Theo bà Kristalina Georgieva, các cảnh báo mà IMF đưa ra từ năm 2019 về việc đứt gãy thương mại toàn cầu đang trở thành hiện thực và đang ngày càng tệ hơn, khiến thương mại không còn là động lực tăng trưởng của kinh tế toàn cầu như trước đây. Bà Petya, Koeva-Brooks, Phó Vụ trưởng Vụ nghiên cứu của IMF, nhận xét: “Những nguy cơ chính dẫn đến suy giảm tăng trưởng mà chúng tôi nhận thấy là sự leo thang xung đột địa chính trị, sự gia tăng các chính sách bảo hộ thương mại, sự suy yếu của thị trường lao động hoặc các biến động quay trở lại trên thị trường tài chính”.

Bên cạnh rủi ro địa chính trị, vốn luôn là một mối đe doạ lớn với tăng trưởng kinh tế toàn cầu kể từ khi nổ ra xung đột tại Ukraine vào tháng 2/2022 và xung đột tại Gaza tháng 10 năm ngoái, các chuyên gia IMF đặc biệt lưu ý đến nguy cơ gia tăng các cuộc chiến thương mại khi các nền kinh tế lớn tăng mạnh thuế xuất nhập khẩu và các biện pháp trả đũa lẫn nhau. IMF cảnh báo nếu Mỹ, khu vực Eurozone và Trung Quốc áp thuế bổ sung 10% lẫn nhau và Mỹ tăng 10% thuế đối với những nước khác trên thế giới, IMF có thể điều chỉnh hạ dự báo GDP toàn cầu thêm 0,8% vào năm sau và 1,3% vào năm 2026. Cảnh báo này trở nên đáng chú ý hơn trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc thời gian qua gia tăng căng thẳng thương mại liên quan đến xe điện Trung Quốc và đã bắt đầu áp thuế trả đũa lẫn nhau, đồng thời cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 được dự báo có thể tác động lớn đến các quan hệ kinh tế thế giới, khi cả hai ứng cử viên Kamala Harris của đảng Dân chủ và Donald Trump của đảng Cộng hoà đều tuyên bố sẽ thực thi nhiều thay đổi về chính sách kinh tế Mỹ.

Tuy nhiên, Giám đốc điều hành IMF, bà Kristalina Georgieva, cho rằng chính quyền Mỹ luôn theo đuổi các chính sách rất thực tế nên dù ai lên làm Tổng thống Mỹ, người đó cũng sẽ không thể bỏ qua thực trạng hiện nay của kinh tế toàn cầu và theo đuổi các chính sách đơn phương.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác