(VOV5) - Việt Nam tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ các chính sách, giải pháp về thuế, phí, tiền tệ, thương mại, đầu tư.... phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu năm 2023.
Kinh tế Việt Nam tháng 10 và 10 tháng năm nay ghi nhận xu hướng phục hồi tích cực, đạt những kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Đáng chú ý, nền kinh tế Việt Nam đang dần lấy lại đà tăng trưởng, xu hướng phục hồi ngày càng rõ nét trên cả 3 động lực tăng trưởng của nền kinh tế, đó là: đầu tư, tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Dây chuyền sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Bokwang Vina (Khu công nghiệp Điềm Thụy, tỉnh Thái Nguyên). Ảnh minh họa: Hoàng Hùng/TTXVN |
Tháng 10 cũng như 10 tháng qua, Việt Nam tiếp tục triển khai các nhiệm vụ trong bối cảnh nền kinh tế chịu tác động từ các yếu tố bất lợi bên ngoài của tình hình thế giới nhiều biến động. Nhờ quyết tâm cao từ Chính phủ đến các bộ, ngành, tình hình kinh tế-xã hội tháng 10 cũng như 10 tháng qua tiếp tục đạt kết quả tích cực trên nhiều lĩnh vực, duy trì xu hướng tháng sau tốt hơn tháng trước.
Nhiều chỉ tiêu, chỉ số chuyển biến tích cực
Kinh tế tháng 10 và 10 tháng đạt được những kết quả tích cực thông qua các chỉ số. Cụ thể, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát. Cùng với đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục chuyển biến tích cực. Khu vực nông nghiệp, dịch vụ tiếp tục duy trì đà tăng khá. Đồng thời, các công tác, như: an sinh xã hội, giáo dục, y tế, ổn định chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, hội nhập quốc tế cũng được chú trọng làm tốt.
Chính phủ và các bộ, ngành cũng tập trung hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; quyết liệt xử lý các vướng mắc; đẩy mạnh đầu tư các dự án hạ tầng chiến lược quan trọng, thúc đẩy các động lực tăng trưởng kinh tế mới. Nhiều chính sách, giải pháp đồng bộ, nhất là về tài khóa, tiền tệ được tích cực triển khai để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Chính phủ tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác nhằm ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế. Trong đó, chỉ đạo giảm liên tiếp 4 lần lãi suất điều hành; miễn, giảm lãi suất, giãn, hoãn, cơ cấu lại nợ, và thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất… “
Đáng chú ý, 3 động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế đều ghi nhận con số tích cực. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 tăng 3,59% so với cùng kỳ năm ngoái, bình quân 10 tháng tăng 3,2%; Kim ngạch xuất nhập khẩu, trong đó xuất khẩu tháng 10 tăng lần lượt 5,6% và 5,9% so với cùng kỳ. Về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tính hết tháng 10 năm nay, vốn FDI vào Việt Nam tăng 14,7% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt hơn 25,7 tỷ USD.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Ảnh: VOV |
Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia cũng vừa được khánh thành và đi vào hoạt động tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Dự án nhằm cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Việt Nam về thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; quyết tâm của Việt Nam trong việc thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nhanh, bền vững dựa trên khoa học công nghệ, đưa Việt Nam trở thành điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo. Đến nay, đã có 41 quỹ đầu tư nước ngoài cam kết đầu tư 1,5 tỷ USD vào Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia trong 3 năm 2023 - 2025.
Tập trung các giải pháp trọng tâm hoàn thành mục tiêu đề ra
Những kết quả trên cho thấy Việt Nam đang đi đúng hướng trong điều hành kinh tế-xã hội.
Trên cơ sở đó, trong những tháng cuối năm, Việt Nam tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ các chính sách, giải pháp về thuế, phí, tiền tệ, thương mại, đầu tư..., thúc đẩy phục hồi nhanh sản xuất kinh doanh, sản xuất công nghiệp, các ngành, lĩnh vực, phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu năm 2023. Tận dụng cơ hội, xu hướng phục hồi của các thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là hàng nông, lâm, thủy sản sang các thị trường lớn, tiềm năng, phát huy lợi thế cạnh tranh của từng nhóm hàng cụ thể tại từng thị trường xuất khẩu, các hiệp định, thỏa thuận thương mại đã ký kết. Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu: “Chúng ta phải tiếp tục phấn đấu, quyết tâm cao để hoàn thành các mục tiêu đã đề ra. Đặc biệt, lưu ý 3 động lực tăng trưởng là đầu tư, trong đó có cả đầu tư công. Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển. Đối với xuất khẩu, phải mở rộng thị trường xuất khẩu, đa dạng sản phẩm, chuỗi cung ứng, đặc biệt là ký kết Hiệp định kinh tế toàn diện với UAE (Các tiểu vương quốc Arab thống nhất), Hiệp định thương mại tự do song phương với Brasil, với khu vực Mecosour (Khối Thị trường chung Nam Mỹ)”.
Bên cạnh thúc đẩy mạnh mẽ 3 động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu), Việt Nam cũng thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, tăng trưởng xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn... nhằm phục hồi tăng trưởng nhanh và bền vững, quyết tâm phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và những năm tiếp theo.