(VOV5) - Tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội tiếp tục thể hiện tinh thần đổi mới, đoàn kết, sáng tạo, hành động vì lợi ích của nhân dân, của đất nước.
Sáng 21/6, kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV họp phiên bế mạc sau hơn 4 tuần làm việc. Điểm nổi bật tại kỳ họp này là Quốc hội đã thông qua nhiều dự án luật, nghị quyết quan trọng để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, hoạt động giám sát của Quốc hội với nhiều đổi mới được cho là góp phần tìm ra giải pháp tốt hơn cho từng lĩnh vực như nông nghiệp, y tế, đầu tư công để thúc đẩy kinh tế - xã hội trong thời gian tới.
Quang cảnh kỳ họp (Ảnh: VOV)
|
Tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội tiếp tục thể hiện tinh thần đổi mới, đoàn kết, sáng tạo, hành động vì lợi ích của nhân dân, của đất nước, thẳng thắn thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến phản ánh tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân cả nước trong công tác xây dựng pháp luật, giám sát tối cao.
Trọng tâm là hoạt động lập pháp, đổi mới trong hoạt động giám sát
Kỳ họp thứ 3 có ý nghĩa quan trọng trong việc tiếp tục thể chế hóa các quy định của Hiến pháp 2013, hoàn thiện các quy định pháp luật về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tái cơ cấu nền kinh tế, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho sự phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng các đòi hỏi của tình hình mới. Do vậy, Quốc hội đã dành phần lớn thời gian của kỳ họp để thảo luận, thông qua các dự án luật, dự thảo Nghị quyết. Cụ thể Quốc hội xem xét, thông qua 12 dự án luật, 12 nghị quyết và cho ý kiến về 6 dự án luật khác. Các dự án Luật, Nghị quyết được xem xét, thông qua tại kỳ họp đều là những văn bản quan trọng, liên quan đến quyền con người, quyền công dân, liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, điều hành kinh tế - xã hội được dư luận hết sức quan tâm như Luật chuyển giao công nghệ, Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng....Đáng chú ý Nghị quyết về xử lý nợ xấu sẽ có hiệu lực từ ngày 15/8/2017 nhằm tháo gỡ khó khăn về mặt pháp lý, tạo những quy định đủ mạnh để giải quyết nợ xấu.
Ông Nguyễn Ngọc Phương, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình, nhận xét: "Tất cả các nghị quyết và các dự án luật thông qua lần này cơ bản đáp ứng sự điều chỉnh đối với xã hội. Lần này một số luật, một số Nghị quyết ban hành rất quan trọng, ví dụ như Nghị quyết điều chỉnh nợ xấu".
Để thông qua được những dự án luật, nghị quyết này với tỷ lệ tán thành cao, các đại biểu Quốc hội đã có cả một quá trình nghiên cứu, thảo luận chặt chẽ và sự tranh luận sôi nổi trên nghị trường. Bà Tôn Ngọc Hạnh, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước, cho biết: "Với tinh thần trách nhiệm cao nhất,các đại biểu đã rất cố gắng nỗ lực trong việc nghiên cứu sưu tầm tài liệu để đóng góp tích cực và có hiệu quả nên chất lượng các dự án luật tăng lên rất nhiều. Chúng ta đã thảo luận rất kỹ từng khâu, từng công đoạn, từ hội thảo ở cấp nhỏ, ở các đoàn đại biểu cho đến các hội thảo gồm các chuyên gia ở các thành phố lớn, các tỉnh, rồi ra hội trường, làm rất nhiều công đoạn như vậy nên tạo sự đồng thuận rất lớn nên tính khả thi sẽ cao hơn rất nhiều trong thời gian tới khi luật có hiệu lực".
Đáng chú ý lĩnh vực giám sát tại kỳ họp này tiếp tục tập trung vào những nội dung được dư luận quan tâm trong thời gian gần đây như việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, Quốc hội tăng thời gian cho hoạt động này lên 3 ngày, không khí tranh luận cũng sôi nổi hơn.
Các Đại Biểu Quốc Hội biểu quyết thông qua nghị quyết và các dự luật (Ảnh minh họa. Nguồn: VOV)
|
Dân chủ trong thảo luận, linh hoạt trong điều hành
Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV tiếp tục được cải tiến về cách thức điều hành, trong đó có việc tranh luận, đối thoại trực tiếp về những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, việc các Bộ trưởng trực tiếp giải trình, tiếp thu ý kiến trong quá trình thảo luận các dự án luật, nghị quyết, báo cáo đã tạo không khí làm việc dân chủ, thẳng thắn, cởi mở, trách nhiệm, góp phần nâng cao chất lượng kỳ họp.
Điểm nhấn trong công tác điều hành kỳ họp là nhiều đại biểu, đoàn đại biểu đều được tạo điều kiện phát biểu tranh luận tại các phiên họp. Những phiên thảo luận, tranh luận sôi động cho thấy rõ trách nhiệm của đại biểu Quốc hội. Ông Nguyễn Văn Hiển, đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng, nhận xét: "Nếu theo dõi từ đầu nhiệm kỳ đến giờ thì hầu hết các vấn đề từ dự án luật cho đến các vấn đề kinh tế, xã hội, số lượng các đại biểu đăng đàn là rất nhiều. Việc kéo dài thời lượng thảo luận, các đại biểu có nhiều cơ hội hơn để mổ xẻ vấn đề cùng với Chính phủ, Bộ, ngành có thể đưa ra những giải pháp tốt hơn cho việc quản lý, điều hành nền kinh tế. Với sự điều tiết như vây tôi hy vọng ở những phiên họp sau, thời gian chất vấn không chỉ là 3 ngày mà có thể nhiều hơn".
Tại kỳ họp này, lần đầu tiên Quốc hội kéo dài thêm 1h30 phút để các đại biểu Quốc hội có điều kiện thảo luận kỹ hơn về phát triển kinh tế - xã hội. Quốc hội cũng bố trí buổi thảo luận ngoài chương trình về dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015, rất được dư luận và cư tri hoan nghênh. Ông Nguyễn Ngọc Phương, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình, cho biết: "Quá trình điều hành của Chủ tịch đoàn rất tốt, biết điều tiết để các tỉnh cùng tham gia phát biểu. Các ý kiến là có chọn lọc, có chủ đề. Tranh luận tại nghị trường lần này sôi nổi hơn để đi đến thống nhất".
Kỳ họp thứ 3 có khối lượng công việc lớn, nhiều nội dung quan trọng. Với tinh thần đoàn kết, sáng tạo và hành động vì lợi ích của Nhân dân, tại kỳ họp này, Quốc hội đã tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân cả nước.