Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIII: Tạo đồng thuận để công tác phòng, chống tham nhũng hiệu quả

(VOV5) - Đây là ý kiến của đa số các đại biểu Quốc hội khi tham gia thảo luận về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013. Tuy không phải là nội dung mới tại mỗi kỳ họp Quốc hội song nhiều đề xuất mới đã được các đại biểu đưa ra nhằm hạn chế, tiến tới đẩy lùi  tội phạm tham nhũng.

 

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIII: Tạo đồng thuận để công tác phòng, chống tham nhũng hiệu quả     - ảnh 1



Xem xét lại cơ chế phòng ngừa

 

Trước thực trạng tôi phạm tham nhũng vẫn có chiều hướng gia tăng trên nhiều lĩnh vực với thủ đoạn phạm tội ngày càng phức tạp, ông Đỗ Kim Tuyến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống tội phạm (Bộ Công an), đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, cho rằng cơ quan chức năng của Việt Nam cần tiếp tục bịt kín những sơ hở bằng cách đánh giá lại cơ chế thanh tra quản lý. Hiện nay, cơ quan chuyên trách tham nhũng của Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ còn những hạn chế về mô hình và phương pháp hoạt động. Ông nói: Phòng chống tội phạm, phòng chống tham nhũng là những nội dung rất quan trọng, chúng tôi đề nghị trong thời gian tới Quốc hội tiếp tục quan tâm chỉ đạo quyết liệt hơn, giám sát việc thực hiện công tác này. Cần phải tiếp tục bịt kín những sơ hở  trong quản lý nhà nước  bằng việc xây dựng cơ chế, ngoài cơ chế về chính sách pháp luật thì cơ chế về thanh tra, kiểm tra, xử lý cũng phải đánh giá lại.

 

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền, các biện pháp phòng ngừa đã có nhưng không mấy hiệu quả. Thanh tra nội bộ không phát hiện được tham nhũng cho thấy công tác cán bộ có sự quản lý xuôi chiều, chưa tạo được phong trào toàn dân phòng chống tội phạm: Chúng ta phải xem xét lại cơ chế phòng ngừa. Hiện nay chúng tôi thấy có biện pháp hiệu quả nhất trong tất cả các biện pháp phòng ngừa đấy là công khai minh bạch. Công khai minh bạch tất cả các tiêu chí từ tiêu chí tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, đấu thầu cũng vậy, dự án cũng vậy, chương trình mục tiêu quốc gia cũng vậy. Chỉ có làm như vậy mới chống được tham nhũng. Chúng ta không nên dàn trải sang các biện pháp khác. Về xử lý hành vi tham nhũng cần tăng cường xử lý hình sự, nghiêm minh.”

 

Hoàn thiện hệ thống luật phòng, chống tham nhũng

 

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, đại biểu Quốc hội đoàn thành phố Hồ Chí Minh, đề xuất cần rà soát lại các vụ án tham nhũng đã phát hiện để tìm ra kẽ hở của pháp luật, từ đó, Quốc hội sẽ ưu tiên thời gian làm luật phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng. Bà cũng kiến nghị Quốc hội tổ chức kỳ họp chuyên đề để bàn về phòng chống tham nhũng nếu thấy cần thiết.

 

Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Đỗ Mạnh Hùng đề xuất cần có hệ thống phòng chống tham nhũng đủ mạnh, trực thuộc Quốc hội. Việt Nam đã có Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng với vị trí rất cao, tầm bao quát rất lớn nhưng vì là Ban chỉ đạo nên hoạt động là hình thành đường lối, chủ trương, thể chế. Lâu nay khâu yếu trong phòng, chống tham nhũng là tổ chức thực hiện. Do đó cần tiếp tục nghiên cứu hình thành cơ cấu phòng chống tham nhũng đủ mạnh, độc lập, trực thuộc Quốc hội.

 

Tập trung phá các vụ tham nhũng lớn

 

Về áp dụng hình phạt cho tội tham nhũng, nhiều đại biểu kiến nghị Quốc hội phải ra nghị quyết với chỉ tiêu cụ thể cho cơ quan thanh tra, kiểm toán, viện kiểm sát, tòa án... để kiểm soát việc cho hưởng án treo. Không cấm triệt để việc cho hưởng án treo nhưng không được áp dụng hình phạt này tràn lan. Ngoài ra phải kiểm tra lại đội hình của lực lượng chuyên trách chống tham nhũng ở cả trung ương và địa phương. Ông Đỗ Văn Đương, đại biểu Quốc hội đoàn thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng: Cần tăng cường đấu tranh trấn áp tội phạm. Phải đi vào những chỗ tập trung nhiều tiền, quyền lực và chỗ đó chỉ cần một vài vụ thôi, bằng hàng ngàn vụ tham nhũng vặt. Nếu không thay đổi phương thức, cách đánh tham nhũng mà cứ dàn trải như thế thì sẽ không hiệu quả. Nên tăng cường kiểm tra, thanh tra và xử lý nghiêm nhưng không làm kiểu rải mành mành mà tập trung công trình, nơi đầu tư vốn lớn.

 

Các đại biểu Quốc hội cũng cho rằng phòng, chống tham nhũng là quá trình đấu tranh kiên trì, bền bỉ tuy nhiên phải có chuyển biến qua từng năm. Vì vậy, các đề xuất được đưa ra trên diễn đàn Quốc hội sẽ góp phần thực hiệu hiệu quả hơn nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng đồng thời cũng là từng bước thực hiện yêu cầu của Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI của Ban chấp hành TW Đảng CSVN./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác