Toàn cảnh phiên họp . - Ảnh: quochoi.vn |
Sau gần 1 tháng làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, kỳ họp thứ 7 Quốc hội Khóa XIV bế mạc hôm nay, 14/6, tại Hà Nội, với việc hoàn tất trọn vẹn các nội dung mà Quốc hội đã đề ra. Sau kỳ họp này, nhiều văn bản luật, chính sách được đưa vào thực tế để khắc phục những tồn tại, hạn chế, phù hợp với xư thế phát triển của đất nước, qua đó góp phần phát triển kinh tế, xã hội, ổn định chính trị, an ninh, quốc phòng.
Năm 2018 và những tháng đầu năm 2019 thể hiện rõ nhất nỗ lực của Chính phủ và các bộ ngành, địa phương trong việc thực hiện các mục tiêu kinh tế xã hội mà quốc hội giao, khi có đến 3 chỉ tiêu đạt và 9 chỉ tiêu vượt mục tiêu kế hoạch, tăng thêm 1 chỉ tiêu vượt kế hoạch đó là chỉ tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP).
Hoạch định chính sách để đưa kinh tế xã hội phát triển
Kỳ họp diễn ra trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp; kinh tế thế giới được dự báo có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại và tiềm ẩn nhiều thách thức; bất đồng về kinh tế, chính trị giữa một số quốc gia lớn tác động tới kinh tế Việt Nam. Trong khi đó, Chính phủ Việt Nam xác định năm 2019 là năm bứt phá để hoàn thành kế hoạch 5 năm 2016 - 2020, với phương châm "Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả".
Theo đó, Chính phủ kiên định các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch đề ra; tập trung triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Qua những phiên thảo luận tại nghị trường và ở tổ, cử tri thấy Quốc hội đã nhìn rõ bức tranh toàn cảnh tình hình kinh tế-xã hội của đất nước và một quyết tâm cao để vượt qua khó khăn thách thức hiện nay, đưa đất nước đi lên.
Đại biểu Trần Anh Tuấn, Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: "Mặc dù những chỉ tiêu đã vượt và đạt trong năm 2019 cũng như có bước tiến triển trong những tháng đầu năm 2019, tuy nhiên còn có những hạn chế. Các đại biểu đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế và nguyên nhân hạn chế đó để góp phần hỗ trợ Chính phủ có những giải pháp điều hành tốt hơn, căn cơ hơn trong những tháng cuối năm 2019 và những năm sau này"
Tại kỳ họp này, 7 dự án luật và 2 Nghị quyết được xem xét thông qua, cùng với đó, Quốc hội thống nhất lựa chọn chuyên đề để tiến hành giám sát tối cao tại kỳ họp thứ 9 về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”. Đặc biệt, Quốc hội thông qua Nghị quyết phê chuẩn việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể, được dư luận trong nước và quốc tế rất quan tâm bởi điều này cho thấy bước hội nhập sâu của Việt Nam với các cam kết quốc tế trong lĩnh vực lao động, nhất là khi Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại khu vực và quốc tế.
Đại biểu Ngọ Duy Hiểu, Đoàn Hà Nội, cho rằng: "Việc phê chuẩn thể hiện tinh thần rất chủ động, tích cực hội nhập của Việt Nam nhưng đồng thời tạo nên môi trường xã hội, môi trường lao động tích cực để bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người lao động, từ đó thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển. Tất nhiên khi tham gia, Việt Nam sẽ phải nội luật hóa để đảm bảo các quy định pháp luật đồng bộ, tạo tiền đề cho phát triển và để quốc tế nhìn nhận được những thay đổi này".
Hoàn thiện hơn nữa hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV có sự đăng đàn của 4 Bộ trưởng: Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Với không khí sôi nổi, dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm và xây dựng, đã có 230 lượt đại biểu tham gia chất vấn và tranh luận. Đại biểu Lâm Quang Đại, Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng: "Hai ngày rưỡi chất vấn của các thành viên của Chính phủ gồm 4 Bộ trưởng và các Phó Thủ tướng và đặc biệt là ý kiến chất vấn của các Đại biểu Quốc hội đưa ra được những vấn đề mà xã hội mà cử tri quan tâm. Các trả lời của các vị Bộ trưởng được trả lời chất vấn rất đúng và trúng các yêu cầu của đại biểu chất vấn".
Có thể nói, những đổi mới trong cách thức thảo luận về kinh tế - xã hội - ngân sách nhà nước, việc tăng thời gian thảo luận tại Hội trường, tăng cường tính đối thoại và tranh luận đã tạo nên sự đồng thuận cao trong hoạt động lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng. Nghị trường càng sôi động thì càng mang hơi thở cuộc sống, gần gũi với đông đảo cử tri và những quyết sách sẽ không xa rời thực tế.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng: "Các câu hỏi chất vấn của các vị đại biểu quốc hội một mặt thể hiện vai trò, trách nhiệm, quyền giám sát của Quốc hội, nhưng mặt khác cũng chính là sự đồng hành, chia sẻ với những khó khăn trong công tác quản lý, điều hành, đồng thời cũng là những gợi ý, bổ sung những giải pháp cho các chương trình, kế hoạch của Chính phủ, các Bộ, ngành hướng tới giải quyết hiệu quả các tồn tại, hạn chế, đáp ứng niềm tin và sự mong mỏi của Nhân dân và cử tri cả nước".
Trên cơ sở chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội và trả lời của các thành viên Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghiêm túc nghiên cứu, chuẩn bị nghị quyết để trình Quốc hội xem xét, thông qua vào cuối kỳ họp, làm cơ sở pháp lý cho việc thực hiện và giám sát việc thực hiện nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đáp ứng yêu cầu và nguyện vọng của cử tri. Cùng với đó, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội sẽ tiếp tục đổi mới hơn nữa, bám sát thực tiễn cuộc sống để ban hành những quyết sách đúng đắn, kịp thời, sát thực tiễn, hợp lòng dân, góp phần xây dựng Quốc hội thực sự năng động, hiệu quả và gần dân hơn.