(VOV5) - Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV, tại phiên họp thứ 3, trong các ngày 12 đến 22/9/2016, thảo luận nội dung Luật về Hội, nhằm hoàn thiện dự Luật này, sớm trình Quốc hội thông qua và triển khai trên thực tiễn. Thông điệp của Dự thảo Luật về Hội là Nhà nước bảo đảm và tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện quyền lập Hội theo quy định của Hiến pháp.
|
Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách đã thảo luận một số vấn đề của dự thảo Luật về Hội (Ảnh: quochoi.vn) |
Các hội ở Việt Nam phát triển đa dạng với quy mô, phạm vi và tính chất hoạt động khác nhau. Tính đến tháng 12-2014, cả nước có 52.565 hội trong đó có 483 hội hoạt động phạm vi cả nước và 52.082 hội hoạt động phạm vi địa phương. Một số hội được xác định là tổ chức chính trị xã hội, tổ chức chính trị- xã hội – nghề nghiệp. Các hội còn lại được xác định là tổ chức xã hội- nghề nghiệp, tổ chức xã hội –nhân đạo. Các hội ngày càng có có vai trò tích cực trong việc tư vấn, phản biện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chương trình và dự án phát triển kinh tế, xã hội của Chính phủ và của địa phương.
Quyền lập hội của công dân được Hiến pháp quy định
Sở dĩ Việt Nam có số lượng lớn các hội, tổ chức hội, hiệp hội như vậy là do quyền lập hội được coi là một trong các quyền cơ bản của công dân mà Nhà nước Việt Nam ghi nhận rõ ràng trong các bản Hiến pháp. Cụ thể, trong điều 10 của Hiến pháp đầu tiên, năm 1946, nêu rõ:“ Công dân Việt Nam có quyền tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tổ chức và hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài”. Điều 25 Hiến pháp năm 1959 lại nêu: “ Công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hòa có các quyền tự do ngôn luận, báo chí, hội họp, lập hội và biểu tình. Nhà nước đảm bảo những điều kiện vật chất cần thiết để công dân được hưởng các quyền đó”. Điều 67 Hiến pháp 1980 viết rằng: “ Công dân có các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do lập hội, tự do biểu tình phù hợp với lợi ích của chủ nghĩa xã hội và của nhân dân”. Điều 69 Hiến pháp 1992 quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, có quyền được thông tin, có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật”. Điều 25 Hiến pháp 2013 khẳng định: “Công dân có quyền tự do nguôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình”. Không những thế, Nhà nước Việt Nam còn đảm bảo và bảo vệ các quyền tự do lập hội theo Điều 22 của Công ước quốc tế về các quyền chính trị và dân sự năm 1966 mà Việt Nam đã ký kết, trong đó nêu rõ: “Ai cũng có quyền tự do lập hội, kể cả quyền thành lập và gia nhập các nghiệp đoàn để bảo vệ quyền lợi của mình”.
|
Đại hội đại biểu Hội Doanh nghiệp trẻ TP Hà Nội lần thứ VI (Ảnh minh họa: hanoimoi.com.vn) |
Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để công dân tự do lập Hội
Thực tiễn xây dựng pháp luật ở nhiều nước trên thế giới cho thấy mối quan hệ giữa quyền thành lập hội và vấn đề quản lý nhà nước về hội là vấn đề mấu chốt của Luật về Hội, ảnh hưởng đến nội dung, cách thức quy định về quyền lập hội. Liên quan vấn đề này, dự thảo Luật về Hội có các quy định khá chặt chẽ về vấn đề đăng ký thành lập hội, phê duyệt điều lệ hội... và dành riêng chương VII để quy định về “Quản lý nhà nước về Hội”. Việc Dự thảo Luật về Hội thay cụm từ “xin phép thành lập hội” bằng cụm từ “đăng ký thành lập hội”, đánh dấu sự thay đổi lớn trong tư tưởng xây dựng luật. Theo đó, Nhà nước tạo hành lang pháp lý tốt hơn để nhân dân thực hiện quyền tự do lập Hội. Điều này cũng thể hiện vai trò quan trọng của các hội trong sự phát triển của xã hội, nên được tạo điều kiện để phát triển.
Tiếp tục coi trọng quyền tự do cơ bản của con người
Dự thảo Luật đã có những điều khoản tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền lập hội, phát huy tính tự nguyện, tự quản, tự chịu trách nhiệm của các hội, nhất là tự trang trải kinh phí hoạt động, hạn chế tối đa sự bao cấp, trông chờ vào ngân sách nhà nước, tránh xu hướng “hành chính hóa” tổ chức và hoạt động của hội, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước về hội; góp phần bảo đảm an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Đặc biệt, do Việt Nam đã tham gia Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền của Liên hợp quốc, nên Dự thảo Luật về Hội có thêm quy định là người nước ngoài sinh sống và làm việc hợp pháp tại Việt Nam cũng được tham gia vào các Hội. Đây là những biểu hiện tích cực của quá trình dân chủ hóa xã hội ở Việt Nam, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong tiến trình phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.
Dự thảo Luật về Hội, do Bộ Nội vụ soạn thảo, có 8 chương, 36 điều, thể chế quan điểm của Nhà nước Việt Nam về vị trí, vai trò của các hội, tổ chức hội, đoàn thể nhân dân, đồng thời cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về vai trò của các tổ chức xã hội, đoàn thể, tổ chức hội. Việc Quốc hội khóa XIII gấp rút xây dựng Luật về Hội là để đảm bảo, bảo vệ tốt hơn quyền lập hội, tham gia hội của công dân, đồng thời đáp ứng tinh thần bảo đảm quyền con người, quyền tự do lập Hội của Hiến pháp 2013 và Công ước quốc tế về quyền chính trị và dân sự mà Việt Nam đã tham gia.