(VOV5) - Iran và Nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Anh, Mỹ, Pháp, Nga, Trung Quốc cùng với Đức) vừa nhất trí tiếp tục đàm phán thêm bốn tháng nhằm cố gắng đạt được một thỏa thuận cuối cùng về chương trình hạt nhân của Tehran. Với những động thái tích cực gần đây và nay với việc kéo dài thời hạn đàm phán, giới phân tích nhận định, các bên đều thể hiện thiện chí muốn đi đến một thỏa thuận lâu dài, đáng tin cậy và bền vững.
Trong thông báo mới nhất ngày 23/7 từ Bộ Ngoại giao Iran, việc gia hạn đàm phán đã cho thấy bầu không khí tích cực, qua đó cũng chỉ rõ bất đồng còn tồn tại hiện nay để các bên cùng điều chỉnh, hướng tới một thỏa thuận hạt nhân toàn diện. Tổng thống Iran cũng bày tỏ hết sức lạc quan về thỏa thuận hạt nhân. Kênh truyền hình Press TV của Iran ngày 22/7 dẫn lời Tổng thống Rouhani nêu rõ: Đối thoại là con đường duy nhất trước mắt và Iran sẵn sàng hợp tác trong khuôn khổ các quy định quốc tế để đạt được mục tiêu sử dụng công nghệ hạt nhân cho mục đích hòa bình.
|
Lò phản ứng ở nhà máy điện hạt nhân Bushehr của Iran. (Nguồn: AFP/TTXVN) |
Trong khi đó, Chủ tịch Uỷ ban An ninh Quốc gia và Chính sách Đối ngoại của Quốc hội Iran, ông Alaeddin Boroujerdi nhận định việc Tehran và P5+1 nhất trí gia hạn đàm phán hạt nhân từ ngày 20/7 đến ngày 24/11 thể hiện nguyện vọng của cả hai phía về một thỏa thuận toàn diện.
Những tín hiệu tích cực từ vòng đàm phán
Kể từ khi đạt được thỏa thuận tạm thời hồi cuối năm 2013, mặc dù còn tồn tại nhiều bất đồng, song không thể phủ nhận có nhiều cơ sở để lạc quan về một thỏa thuận cuối cùng. Trước tiên, đó là nhận thức chung đạt được của hai bên khi cho rằng đối thoại là giải pháp duy nhất để giải quyết vấn đề hạt nhân gây tranh cãi của Tehran, vốn kéo dài trong nhiều năm qua.
Ngay trước vòng đàm phán, Iran đã gửi một thông điệp mạnh mẽ đến Mỹ và phương Tây rằng Iran không quan tâm tới phát triển vũ khí hạt nhân và Tehran có thể đảm bảo ảnh hưởng của mình trong khu vực mà không cần tới sự hiện diện của loại vũ khí này. Tehran sẽ đưa ra mọi bước đi cần thiết để thuyết phục thế giới rằng nước Cộng hòa Hồi giáo này không phát triển loại vũ khí như vậy. Niềm tin vào tuyên bố của Iran càng được củng cố thêm khi Báo cáo của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) công bố hôm 21/7, khẳng định quốc gia Hồi giáo này đáp ứng nghiêm túc các điều khoản của thỏa thuận tạm thời. Cụ thể, Iran đã ngừng làm giàu urani với mức độ phân hạch 20%, khía cạnh gây tranh cãi nhất trong chương trình hạt nhân, đồng thời đã hoàn tất kế hoạch pha loãng hoặc chuyển đổi kho dự trữ nhiên liệu hạt nhân gần 210 kg còn lại thành oxide. Ngoài ra, Iran cũng đã bắt đầu chuyển đổi một số lượng khí urani được làm giàu cấp thấp thành oxide và chuyển khoảng 1.500 kg vật liệu vào quá trình chuyển đổi này. Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng thừa nhận Tehran đã tuân thủ nghiêm chỉnh các cam kết và tham gia có xây dựng vào quá trình đàm phán.
Đáp lại thiện chí từ Tehran, EU kéo dài quyết định nới lỏng biện pháp trừng phạt với Iran tới ngày 24/11, thời hạn chót để kết thúc đàm phán hạt nhân. Quyết định mới của EU cho phép thực hiện bảo hiểm và vận chuyển liên quan các giao dịch dầu thô giữa Iran và các khách hàng hiện tại, nhập khẩu, mua hoặc vận chuyển các sản phẩm hóa dầu của Iran, cũng như các giao dịch vàng và đá quý với Chính phủ Iran và với các thể chế công của nước này. Cũng theo quyết định này, mức tăng ngưỡng giao dịch tài chính đến và đi từ Iran tiếp tục có hiệu lực trong vòng 4 tháng tới.
Đối thoại giải quyết bất đồng
Những diễn biến hiện tại cho phép cộng đồng quốc tế lạc quan về một thỏa thuận dài hạn giữa Iran và các cường quốc, nhằm kết thúc tình trạng bế tắc hạt nhân kéo dài một thập kỷ qua. Thời gian 4 tháng gia hạn chắc chắn sẽ có không ít những khó khăn trong tiến trình đàm phán giải quyết những tranh chấp "cố hữu". Hiện tại, tranh cãi lớn nhất vẫn tồn tại là về chương trình làm giàu urani của Tehran. Iran lập luận rằng họ cần tiếp tục mở rộng quy mô làm giầu urani làm nhiên liệu cho các nhà máy điện hạt nhân. Tuy nhiên, Nhóm P5+1, nhất là Mỹ, lo ngại Tehran có thể lợi dụng việc mở rộng làm giàu urani này để hướng tới sản xuất các nguyên liệu cho việc chế tạo bom hạt nhân. Một vấn đề tranh cãi nữa là trong khi Iran muốn mọi hạn chế đối với chương trình hạt nhân của nước này phải được dỡ bỏ sau từ 3 đến 7 năm, phía Mỹ lại muốn duy trì các biện pháp hạn chế có thể kiểm chứng được này trong hơn một thập kỷ.
Tuy nhiên, với những tiến triển tích cực vừa qua, dư luận cho rằng 4 tháng là quãng thời gian đủ để các bên đi đến một thỏa thuận cuối cùng. Đối thoại sẽ cách thức duy nhất để thu hẹp những khác biệt, nhất là với Iran. Đã đến lúc nước này phải đưa ra lựa chọn quyết định hợp tác với cộng đồng quốc tế để vực dậy nền kinh tế, thay vì chịu bị cô lập./.