Mali trước nguy cơ trở thành điểm nóng mới ở tây Phi

(VOV5) - Gần 2 tuần sau khi xảy ra cuộc đảo chính lật đổ chính quyền dân sự ở Mali, tình hình ở quốc gia Tây Phi này ngày càng trở nên phức tạp và đang có nguy cơ lan ra toàn vùng Sahel. Nhiều thông điệp ngoại giao của Liên hợp quốc cũng như của các nước trong và ngoài khu vực đã được chuyển đến lực lượng tiến hành đảo chính, thậm chí các biện pháp trừng phạt cũng bắt đầu được áp dụng nhằm gia tăng sức ép khôi phục trật tự ở Mali nhưng xem ra tình hình vẫn chưa có gì sáng sủa nếu như không muốn nói là khá mờ mịt. Dư luận lo ngại quốc gia nhỏ bé này sẽ bị chia tách và trở thành sân sau của lực lượng khủng bố, đặc biệt là Al Qaeda.

Mali trước nguy cơ trở thành điểm nóng mới ở tây Phi - ảnh 1
Quân đảo chính chiếm trụ sở Đài phát thanh - truyền hình Mali ở Bamako ngày 22/3 (Ảnh: Reuters)


Chính trường Mali rơi vào khủng hoảng sau khi một nhóm binh sỹ nổi loạn tự xưng là Uỷ ban khôi phục dân chủ quốc gia (CNRDR) tuyên bố nắm quyền điều hành đất nước với lý do chính phủ nước này dưới sự điều hành của Tổng thống Amadou Toumani Toure bất lực trong việc giải quyết phong trào đòi độc lập của cộng đồng Tuareg ở miền bắc. Lực lượng này cũng tuyên bố giải tán các thể chế nhà nước, đình chỉ hiến pháp hiện hành. Những cam kết đầu tiên để giải quyết khủng hoảng chính trị đã được lãnh đạo lực lượng đảo chính ở Mali đưa ra nhưng lại chưa hoạch định mốc thời gian cụ thể. Đại úy Amadou Sanogo, lãnh đạo cuộc đảo chính, cho biết sẽ tham vấn các lực lượng chính trị trong nước về việc tổ chức một cuộc bầu cử hoà bình, tự do và dân chủ, không có sự tham gia của quân đội tuy nhiên thời điểm bầu cử chưa được ấn định.

Những dấu hiệu tích cực từ việc đảo chính chưa thấy đâu thì Mali đã phải đối mặt với nguy cơ chia rẽ và bất ổn xã hội hiện nay. Trong khi lực lượng đảo chính còn loay hoay với việc triển khai tuyên bố của mình thì phong trào giải phóng quốc gia Azawad (MNLA) của người Tuareg và nhóm Hồi giáo vũ trang Ansar Dine có liên hệ với mạng lưới khủng bố Al - Qaeda nhánh bắc Phi, đã mở nhiều đợt tấn công vào các thành phố ở miền bắc Mali, giành quyền kiểm soát Timbuktu, thành phố lớn cuối cùng ở miền bắc, sau khi đã chiếm được hai thành phố quan trọng khác là Kidal và Gao. Phong trào Giải phóng quốc gia Azawad cho biết sẽ thành lập thể chế và hiến pháp riêng ở những thành phố chiếm giữ được từ quân đội và chính quyền Mali nhằm đẩy nhanh mục tiêu thành lập quốc gia độc lập ở bắc Mali. Động thái này càng đẩy Mali vào tình trạng bị chia cắt. Trong khi đó, hiện nay, mỗi ngày có ít nhất 400 người Mali chạy sang Burkina Faso và Mauritania để tránh xung đột.

Mali trước nguy cơ trở thành điểm nóng mới ở tây Phi - ảnh 2
Lực lượng quân đội được điều động đến bảo vệ dinh Tổng thống (Ảnh: AFP)


Dư luận quốc tế quan ngại cuộc nổi dậy của người Tuareg ở Mali có thể sẽ lan sang những người Tuareg ở Niger và mở rộng ra toàn bộ khu vực Sahel rộng lớn (dải đất gồm Senegal, Mauritania, Mali, Burkina Faso, Niger, Nigeria, Chad, Sudan và Nam Sudan). Những gì diễn ra ở Mali có thể sẽ là bước khởi đầu cho một làn sóng nghiêm trọng hơn lan tỏa ở khu vực trong tương lai hay nói cách khác cuộc đảo chính ở Mali sẽ châm ngòi cho một cuộc xung đột trong toàn vùng.

Rõ ràng, hành động đảo chính của nhóm binh sĩ tự xưng là "Ủy ban Khôi phục dân chủ quốc gia" (CNRDR) là lợi bất cập hại cho nền hoà bình của quốc gia tây Phi này. Cùng với việc lên án mạnh mẽ hành động nổi loạn của các binh sỹ tại Mali, yêu cầu nhanh chóng khôi phục hiến pháp và chính phủ dân bầu, hôm nay, Hội đồng bảo an Liên hợp quốc tiến hành phiên họp khẩn cấp về cuộc khủng hoảng tại Mali. Hoa Kỳ, một đồng minh của Mali, đã thúc giục những tay súng nổi dậy tại phía bắc Mali chấm dứt các hoạt động quân sự để tiến tới thỏa hiệp nhằm đạt được toàn vẹn lãnh thổ của đất nước này. Trong một động thái cứng rắn hơn, Liên minh châu Phi (AU) đã áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt bao gồm lệnh cấm đi lại và đóng băng toàn bộ tài sản đối với lãnh đạo và các thành viên của phe đảo chính ở Mali cũng như đối với tất cả các cá nhân và tổ chức tìm cách đóng góp hay hỗ trợ cho những gì bị coi là đi ngược hiến pháp của Mali. Trước đó, Cộng đồng kinh tế các quốc gia tây Phi (ECOWAS) cũng thông báo áp đặt cấm vận toàn diện đối với chính quyền quân sự ở Mali. Ngoài ra, lãnh đạo quân sự của 15 quốc gia thành viên của ECOWAS cũng sẽ nhóm họp vào ngày mai để thống nhất bằng văn bản việc triển khai 3 nghìn binh sĩ tới khu vực miền bắc Mali.

 Từng được coi là một trong những quốc gia ổn định nhất ở tây Phi nhưng giờ đây Mali lại đang trở thành điểm nóng mới của khu vực. Nếu khủng hoảng chính trị ở Mali không được nhanh chóng giải quyết, nó sẽ như vết dầu loang, khiến nhiều quốc gia châu Phi rơi vào những bất ổn mới./.

Phản hồi

Các tin/bài khác