(VOV5) - Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị khoá XIII về phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh ở Vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045.
Bộ Chính trị, Ban Bí thư ngày 22/10/2022 tổ chức hội nghị toàn quốc triển khai Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị khoá XIII về phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh ở Vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045.
Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam. Ảnh: congluan.vn |
Tiếp theo các Hội nghị triển khai thực hiện các Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển các Vùng Đồng bằng Sông Cửu Long; Trung du và miền núi Bắc Bộ và Tây Nguyên, hội nghị này nhằm tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động trong cả nước về việc phát triển vùng Đông Nam Bộ bao gồm Thành phố Hồ Chí Minh và 5 tỉnh trực thuộc Trung ương: Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Tại Hội nghị, Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng có bài phát biểu quan trọng, nêu rõ vì sao vào lúc này Bộ Chính trị lại phải bàn và ra Nghị quyết về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Những ý tưởng mới, tinh thần mới, nội dung mới của Nghị quyết lần này là gì và cần làm gì và làm như thế nào để thực hiện có kết quả Nghị quyết của Bộ Chính trị, biến Nghị quyết thành hiện thực sinh động.
Hội nghị toàn quốc triển khai Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị khoá XIII về phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh ở Vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045. Ảnh: quochoi.vn |
Theo Tổng Bí thư, vùng Đông Nam Bộ có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đối ngoại của đất nước.Việc nghiên cứu xây dựng, ban hành Nghị quyết mới lần này nhằm tạo ra sự chuyển biến có tính đột phá trong công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở vùng Đông Nam Bộ trong giai đoạn phát triển mới.
Theo Tổng Bí thư, về quan điểm, nhận thức và tư tưởng chỉ đạo, nghị quyết lần này quán triệt tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, thể hiện tinh thần đổi mới, ý chí rất cao của Đảng cộng sản Việt Nam quyết tâm tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ, có tính đột phá trong việc phát triển vùng Đông Nam Bộ, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
Về mục tiêu và tầm nhìn, Nghị quyết lần này đã xác định rất rõ mục tiêu tổng quát và một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, phấn đấu đến năm 2030: "Đông Nam Bộ trở thành vùng phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước; trung tâm khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế có tính cạnh tranh cao trong khu vực. Đi đầu trong đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi số, xây dựng "chính quyền số", "kinh tế số", "xã hội số".
Về nhiệm vụ và giải pháp, Nghị quyết lần này đề ra khá đầy đủ, đồng bộ và mới mẻ các giải pháp, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới, bao gồm các nhóm nhiệm vụ, giải pháp về phát triển nhanh, bền vững, tạo bước đột phá trong kinh tế vùng; tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng; về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển nguồn nhân lực và hoàn thiện kết cấu hạ tầng đô thị; về phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; về bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh; về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị của các địa phương trong vùng.
Lãnh đạo các địa phương tại Hội nghị đánh giá, Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị đã mở ra không gian và triển vọng phát triển cho vùng Đông Nam bộ nhiều lợi thế, nhất là hoàn thiện chính sách và thể chế tạo động lực phát triển, đưa vùng vào giai đoạn phát triển mới, đóng góp to lớn vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa Việt Nam với tầm nhìn đến năm 2045.
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, nhấn mạnh thành phố quyết tâm triển khai sớm và đạt các mục tiêu, nhiệm vụ nghị quyết đề ra. Ông Phan Văn Mãi cho biết: "Thành phố xây dựng chương trình hành động cụ thể, trước mắt tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm vừa giải quyết những bất cập trước mắt vừa tạo nền tảng cho việc phát triển lâu dài, tập trung tái cơ cấu nền kinh tế sau đại dịch gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học công nghệ và năng suất lao động cao. Thành phố đang rà soát và tập trung phát triển kinh tế dịch vụ theo hướng phát triển các dịch vụ mới và các dịch vụ gia tăng cao gắn với xây dựng trung tâm Tài chính Quốc tế, Trung tâm Thương mại Du lịch, hội chợ Logictic quốc tế, trung tâm chuyển đổi số trung tâm đào tạo nhân lực và chăm sóc sức khỏe khu vực và quốc tế".
Khẳng định Đảng bộ chính quyền nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ khẩn trương triển khai đầy đủ và có lộ trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị, ông Phạm Viết Thanh, Bí thư Tỉnh uỷ Bà Rịa Vũng Tàu, cũng đề xuất: "Đề nghị Bộ Chính trị song song với ban hành các nghị quyết cần ban hành một quy chế làm việc có tính chất quy chế mẫu cho các vùng áp dụng, tránh tình trạng sự lỏng lẻo và hình thức như trong thời gian qua. Trước mắt trong năm 2023 tổ chức ký kết liên kết đào tạo nguồn nhân lực giữa các địa phương trong vùng trọng điểm phía Nam bởi nhu cầu đào tạo nhân lực vùng trọng điểm phía Nam rất cần thiết. Thứ ba là nghiên cứu tổ chức xúc tiến đầu tư xúc tiến du lịch chung giữa các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ".
Tại Hội nghị triển khai Nghị quyết 24, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị Chính phủ và các cơ quan ở Trung ương tăng cường phối hợp với các địa phương trong vùng khẩn trương xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện thật tốt Nghị quyết 24 của nhằm phát triển vùng và đóng góp to lớn hơn nữa cho sự nghiệp đổi mới của Việt Nam.